Liên quan đến giá cước vận tải, nhiều khách hàng cảm thấy bức xúc khi giá xăng dầu cứ khẽ tăng là các doanh nghiệp vận tải đua nhau tăng giá cước ngay lập tức. Còn khi giá xăng dầu giảm thì lại viện đủ lý do và trây ỳ không chịu giảm.
Các doanh nghiệp vận tải lớn như tuyến Bắc Giang, Lạng Sơn, Nam Định, Hải phòng về Hà Nội chưa thấy có doanh nghiệp nào chịu giảm giá cước hoặc giảm cũng không đáng kể so với biến động của giá xăng dầu.
Phản ánh với PLVN, anh Nguyễn Hữu Trung, một người thường xuyên giải di chuyển bằng các phương tiện giao thông vận tải như xe khách, taxi cho biết: Giá cước vận tải giảm như không giảm. Chúng tôi cảm thấy không được tôn trọng. Khi thắc mắc thì họ lý giải là muốn giảm phải trải qua rất nhiều công đoạn, như đăng ký với cơ quan quản lý, phát hành vé rồi niêm yết giá cước… Nhưng tôi có thấy họ bán vé bao giờ đâu. Xe thì luôn nhồi nhét khách. Những ngày như Tết dương lịch vừa qua, chúng tôi đều bị “chém đẹp”. Thật có tội với người tiêu dùng khi không giảm giá cước vận tải!
Sau 13 lần giảm giá liên tiếp, so với ngày 7/7/2014, tổng mức giảm của xăng đã lên tới 8.070 đồng/lít (31,5%); dầu diesel 6.190 đồng/lít (27,2%). Theo tính toán của Cục Quản lý giá, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% (xe chạy xăng); 35-45% (xe chạy dầu) giá thành cước vận tải. Như vậy, tới thời điểm này, giá cước vận tải có thể giảm 10-15%.
Theo Sở Giao thông Hà Nội, cùng với diễn biến giảm giá xăng từ tháng 11/2014 đến nay, đã có 69 doanh nghiệp taxi kê khai giảm giá 500-1.000 đồng/km, tương ứng 4-9% giá cước cũ. 15 hãng vận tải khách cố định cũng đăng ký giảm cước đường dài với mức 10-15% giá vé cũ.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp giảm giá ồ ạt trong tháng 11 - thời điểm các các sở ngành chức năng tiến hành thanh kiểm tra mạnh. Còn sau đợt giảm giá xăng kỷ lục 2.050 đồng mỗi lít vào ngày 22/12/2014, chưa có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giá.
Theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, nếu tính riêng tác động của việc giảm giá nhiên liệu và cố định các yếu tố khác, với mức giảm hiện nay của các hãng vận tải từ trên từ 5-8% là tương đối hợp lí. Tùy từng hãng vận tải khác nhau, tuy nhiên có hãng sẵn sàng giảm chi phí cao hơn mức 8% là bình thường.
Nhưng với việc giá xăng lại tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh như thời gian vừa qua, đặc biệt là vào ngày 6/1/2015, giá xăng được điều chỉnh giảm 310 đồng/lít, về mức 17.570 đồng một lít thì việc các doanh nghiệp vận tải thời gian này chưa giảm giá cước là một điều khó có thể chấp nhận.
Các doanh nghiệp vận tải khách đều viện lý do, trong năm 2014, họ phải chịu nhiều chi phí đầu vào nhưng không tăng giá vé. Do đó, cần thời gian tính toán lại chi phí, cân nhắc rồi mới quyết định giám giá vé. Doanh nghiệp taxi cũng cho biết, vì tháng 11 vừa qua, hầu hết đã giảm cước nên nếu muốn giảm tiếp thì phải có thời gian. Còn doanh nghiệp vận tải container biện minh: việc giảm giá cước đang được cân nhắc.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp vận tải giảm giá, nếu phát hiện mức giá không hợp lý và doanh nghiệp cố tình trây ỳ./.
Bộ GTVT, Bộ Tài chính "lệnh" giảm giá cước
Ngày 23/12/2014, Bộ GTVT có Công điện số 120/CĐ-BGTVT điện UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.
Cùng ngày, Bộ Tài chính đã có Công văn 18757/BTC-QLG gửi Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô.
"Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị này không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hưởng giảm giá nhiên liệu, xử lý vi phạm theo quy định", chỉ đạo của Bộ Tài chính nêu rõ.