Tiêu chuẩn “an toàn Covid-19”
Việc cấp “Tem du lịch an toàn” sẽ được các quốc gia tự đưa ra mức đánh giá và xếp hạng theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC). Các biện pháp đánh giá mức độ an toàn này cũng liên tục được cập nhật để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thông qua “Tem du lịch an toàn”, khách du lịch có thể biết được những khu vực đã áp dụng các giao thức chuẩn hóa toàn cầu về sức khỏe và vệ sinh. Để nhận được chứng nhận an toàn, các đơn vị làm du lịch phải trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt, gồm các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên và khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng.
Hiện tại, Việt Nam cũng đang áp dụng giao thức tương tự của “Tem du lịch an toàn” để đánh giá mức độ an toàn của các cơ sở, địa điểm du lịch. Chiều 11/5, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ban hành công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp đôn đốc thực hiện đánh giá an toàn Covid-19 của các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc.
Bộ VH-TT&DL yêu cầu, tất cả cơ sở lưu trú du lịch đăng ký, thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia theo hướng dẫn; các cơ sở lưu trú du lịch công bố mã QR (mã QR được tạo ra trong tài khoản của mỗi đơn vị sau khi đăng ký vào hệ thống an toàn Covid-19 thành công) tại sảnh đón tiếp hoặc khu vực dễ quan sát để khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ và giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở lưu trú du lịch không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền; chỉ cho phép những cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm an toàn Covid-19 được đón và phục vụ khách.
Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
Qua báo cáo sơ bộ, hiện nay chỉ có một số đơn vị kinh doanh lưu trú (chủ yếu là các khách sạn, resort lớn vẫn còn hoạt động trong thời gian dịch bệnh vừa qua) đã đăng ký và triển khai thực hiện tự đánh giá an toàn Covid-19 theo các bước hướng dẫn như: Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An; Four Seasons Resort The Nam Hải; Allegro Hội An; Mulberry Collection Silk Marina… Còn các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, qua nhiều đợt dịch bệnh, hầu hết các cơ sở tạm ngưng hoạt động nên không thực hiện, hoặc thực hiện đăng ký nhưng không khai báo, cập nhật thường xuyên.
Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện rất sớm việc đôn đốc các cơ sở lưu trú đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19. Tuy nhiên cho đến chiều 13/5, chỉ 298 cơ sở lưu trú ở Hà Nội đang hoạt động đăng ký với 1.980 lần khai báo an toàn Covid-19 (tức là chưa được 10% so với tổng số 3.499 cơ sở lưu trú toàn thành phố Hà Nội). Trung bình số lần cập nhật một cơ sở lưu trú của Hà Nội là 6,85.
Tại nhiều địa phương khác, các cơ sở lưu trú thậm chí còn chưa biết về quy trình thực hiện việc đăng ký, tự đánh giá an toàn Covid-19 trên hệ thống. Nhiều chủ khách sạn cho biết chưa nhận được công văn hướng dẫn và thời điểm hiện nay khách sạn vắng khách, nhân viên đi làm luân phiên nên có thể chưa sát sao, bỏ sót những hướng dẫn, quy định phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
Như vậy có thể thấy, dù “Tem du lịch an toàn” là một trong những cách để mọi người có thể theo dõi thông tin an toàn Covid-19 nhưng nhiều cơ sở vẫn chưa nghiêm ngặt thực hiện việc tự đánh giá. Điều này gây khó khăn trong giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và khó để du khách biết mình có lưu trú ở khách sạn an toàn hay không.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"