Doanh nghiệp Việt làm gì khi Cu Ba mở cửa?

(PLO) - Đất nước Cu Ba đang chuyển mình, mở cửa ra thế giới sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cu Ba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ  sau hơn nửa thế kỷ đối đầu và  bao vây cấm vận. Đại sứ quán đã mở tại thủ đô của hai nước. Việc dỡ bỏ cấm vận cũng chỉ là vấn đề thời gian... 
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Cu Ba. (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Cu Ba. (Ảnh minh họa)
Điểm đến mới của nhà đầu tư
Cu Ba đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Từ những đoàn chính khách hùng hậu do Chủ tịch Hạ viện Mỹ dẫn đầu đến các đoàn cấp cao cùng các đoàn doanh nhân từ Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Nga… đổ đến Cu Ba để tìm kiếm cơ hội làm ăn. 
Đặc biệt là Trung Quốc, theo chân các đoàn lãnh đạo cấp cao là đội ngũ đông đảo các doanh nhân Trung Quốc. Cơ hội đầu tư có thể có trong tương lai nhưng hàng hóa “Made in China” đã ùn ùn theo chân họ đến với đảo quốc đang khan hiếm hàng tiêu dùng do bị cấm vận quá lâu. 
Đến Cu Ba những ngày này, đã thấy xuất hiện nhiều nhà hàng bán các món ăn Trung Hoa, còn hàng Trung Quốc thì ở đâu cũng có. Hàng không Trung Quốc đã nhanh chóng mở một đường bay thẳng đến Cu Ba để có thể nhanh chóng đưa người và hàng hóa đến đảo quốc này.
Là đảo quốc với hơn 11 triệu dân, nằm sát cạnh nước Mỹ, trong tương lai, hàng hóa sản xuất từ Cu Ba được xuất khẩu sang Mỹ hết sức thuận tiện. Cu Ba cũng sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng thu hút khách từ Mỹ, Canada, châu Âu… như nó vốn đã như vậy trong quá khứ. 
Cu Ba là nước Trung Mỹ có tỷ lệ người biết chữ đông nhất, tới 95% - một lực lượng lao động cũng như một thị trường tiêu thụ hàng hóa tiềm năng. Các cường quốc kinh tế, các tập đoàn kinh tế lớn cũng như các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đang hướng về Cu Ba với những kế hoạch được ấp ủ đã lâu.
Việt Nam không thể đứng nhìn…
Trong khi các nhà đầu tư thế giới đang hướng về Cu Ba, thâm nhập thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư và tiêu thụ hàng hóa thì các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hầu như “im hơi lặng tiếng” với thị trường này. Việt Nam chúng ta có nhiều thế mạnh là người anh em thân thiết với Cu Ba, hai nước đã sát cánh bên nhau trong những năm tháng đấu tranh gian khổ. 
Ngay trong thời gian hòa bình, mỗi năm Việt Nam vẫn hỗ trợ Cu Ba hàng chục ngàn tấn gạo. Lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn thường xuyên thăm viếng lẫn nhau. Hai nước đã có một phân ban hợp tác, hàng năm vẫn trao đổi hỗ trợ nhau. Chúng ta đang có hàng ngàn người Việt học tập và làm việc tại Cu Ba. 
Đây chính là những cầu nối về kinh tế, đầu tư và du lịch hữu hiệu. Thế nhưng, ngoài việc các DN, doanh nhân ít quan tâm đến thị trường Cu Ba các cơ quan Chính phủ cũng ít thấy nhắc đến hay tổ chức những chuyến thâm nhập, hội thảo về thị trường Cu Ba.
Nên chăng các cơ quan chức năng của Nhà nước cần quan tâm hơn đến thị trường tiềm năng này. Cụ thể, các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, KH&ĐT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là những cơ quan định hướng giúp các DN Việt mở đường vào thị trường Cu Ba; các Cục Xúc tiến đầu tư Bộ KH&ĐT, 
Bộ Công Thương cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Cu Ba, đặc biệt là cơ quan Tham tán Thương mại cần thông tin kịp thời về các chủ trương, chính sách của Nhà nước Cu Ba, các loại hàng hóa mà bạn đang cần cũng như các loại hàng hóa mà ta có thể nhập khẩu, qua đó giúp các DN, doanh nhân Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Về phía các DN, được biết hiện Việt Nam đã có Tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietel đang đầu tư mạng viễn thông tại đảo quốc Haiti, láng giềng của Cu Ba, DN này cần thâm nhập thị trường viễn thông chưa được khai thác của Cu Ba, có thể qua các kênh cấp cao giữa hai Nhà nước để thâm nhập thị trường tiềm năng này, vì thị trường Cu Ba lớn hơn thị trường Haiti rất nhiều. Bộ NN&PTNT, các tập đoàn lớn như Dầu khí, Than - Khoáng sản, Dệt may… cũng cần nhanh chóng tiếp cận thị trường tiềm năng này. 
Chủ trương của lãnh đạo Nhà nước ta là đưa kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới, do vậy việc tiếp cận một thị trường mới mở ngay cạnh thị trường lớn nhất thế giới (nước Mỹ) là hết sức cần thiết… 

Đọc thêm