Dư địa lớn xuất hàng vào châu Âu
Theo số liệu thống kê, Việt Nam nằm trong top 10 nước XK nhiều nhất vào các nước Liên minh châu Âu (EU) nhưng mới chỉ chiếm 2% kim ngạch nhập khẩu của khối này. Theo nhiều chuyên gia thương mại, đây chính là dư địa lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt có thể đón đầu và đầu tư để có thể gia tăng khối lượng và giá trị hàng hóa có mặt tại châu Âu. Nhưng chất lượng sản phẩm là yêu cầu đầu tiên mà EU đặt ra.
“Phải chuẩn bị từ 5-7 năm mới có thể đưa ra được những sản phẩm chất lượng đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính như châu Âu hoặc các nước trong CPTPP”, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh nói.
Là DN đã XK hàng trăm tấn gạo/năm, bà Hiếu cho rằng, Nga là thị trường tiềm năng nhất cho ngành gạo Việt Nam, thứ hai là Hàn Quốc và thứ ba là Nhật Bản. Đặc biệt, sắp triển khai CPTPP, sẽ là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam vì nông dân Nhật sẽ không còn được bảo hộ nữa. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam xuất sang Nhật Bản đang ở mức giá khá cao nên bà Hiếu mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để giá gạo vào thị trường Nhật ở mức cạnh tranh nhất.
Cũng theo DN này, nếu sớm thông qua EVFTA và Chính phủ có những chương trình hỗ trợ tích cực thì bản thân DN có thể XK hàng ngàn tấn hàng sang EU mỗi năm. “2019 chưa phải là năm có sản lượng lớn nhưng với sự chuẩn bị và lắng nghe nhu cầu giữa các bên thì gạo sẽ là mặt hàng rất tiềm năng, bên cạnh thủy sản, rau củ quả trong năm 2020”, đại diện DN này nhận định.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty CP sản xuất và XK quế hồi Việt Nam cũng đang đợi chờ các cơ hội đến từ EVFTA và CPTPP. Hiện DN của bà Huyền đã XK khoảng 300 tỷ đồng hàng hóa, trong đó lượng hàng sang thị trường EU chiếm 60%. Bà Huyền cho biết, thời kỳ đầu mới XK, DN không có ý định lựa chọn thị trường. Nhưng vài năm gần đây, nhận ra thị trường khó tính mới là thị trường tiềm năng nên DN đã tính toán lại để tìm kiếm cơ hội.
Kiên định chất lượng hàng hóa
Để chuẩn bị cho các cơ hội lớn từ EVFTA và CPTPP, các DN Việt đã xác định chất lượng sản phẩm sẽ là bảo chứng đầu tiên xuất đi các thị trường khó tính. Đại diện Bảo Minh cho biết, DN đã kiên định về chất lượng gạo từ nhiều năm nay để tránh chuyện XK rồi lại phải quay đầu về như nhiều mặt hàng đã gặp phải. “Rủi ro về tài chính là đương nhiên nhưng không đáng lo ngại bằng việc nông sản Việt sẽ mang tiếng. Nếu câu chuyện bị quay đầu hàng hóa xảy ra nhiều lần, hàng Việt sẽ khó có thể xuất đi quốc gia nào nữa”, bà Hiếu nói.
Do đó, từ nhiều năm nay DN này đã thận trọng thăm dò, nghiên cứu toàn bộ các vùng đất dự định đặt vùng nguyên liệu; Kiên định sản xuất theo đúng quy trình; Nghiên cứu những điều kiện của các thị trường…
Bà Hiếu cũng mong muốn cơ quan nhà nước có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho DN XK vào các nước khó tính. Đồng thời phải có cam kết trong việc quy hoạch nguồn nguyên liệu để đảm bảo DN có vùng sản xuất sạch an toàn trong cả quá trình sản xuất, từ đó mới gia tăng được lượng hàng hóa chất lượng xuất khẩu.
Tương tự, Công ty CP sản xuất và XK quế hồi Việt Nam cũng đã có những bước chuẩn bị tương tự cho sản phẩm quế và hoa hồi khi quyết tâm xây dựng chuỗi giá trị để kiểm soát từ khâu quản lý vùng trồng nguồn nguyên liệu đến chế biến và XK. DN này đã ký hợp đồng với 1.000 hộ nông dân ở hai vùng nguyên liệu, lên kế hoạch đào tạo bà con nông dân kỹ thuật trồng đảm bảo chất lượng, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường khoảng 10%. DN cũng đầu tư máy móc để chế biến sản xuất và kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Theo DN này, EU yêu cầu rất nhiều chứng nhận như chứng nhận về an toàn thực phẩm (của châu Âu), chứng nhận thương mại công bằng. Mới đây, DN cũng đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế cho thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật. Theo Giám đốc công ty, chứng nhận mới nhất này đã khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung đủ điều kiện để gia nhập các thị trường khó tính. DN này dự kiến, mặt hàng quế và hoa hồi sẽ tăng lên khoảng 20%, chiếm đến 80% số lượng hàng hóa XK của DN.
Thời điểm này chính là cơ hội lớn đối với các DN Việt khi đầu năm 2019 CPTPP sẽ đi vào thực thi, EVFTA cũng có thể thông qua vào năm 2019. Với những thuận lợi này, lượng nông sản vào các thị trường khó tính sẽ tăng lên đáng kể, kim ngạch XK của Việt Nam có thể thiết lập một “đỉnh” mới.