Doanh nhân Bùi Tùng Mậu: “Thiên sứ”chữa bệnh cứu người

(PLVN) -Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Thương mại Trường Sơn, ông Bùi Tùng Mậu không chỉ là doanh nhân xuất sắc mà còn có tiếng là lương y giỏi. Nhờ sở hữu nhiều bài thuốc gia truyền, ông đã chữa khỏi bệnh cho không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, cận kề cái chết.

Một lương y giỏi – một thuyền trưởng tài ba

Công việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Sơn đã lấy nhiều tâm trí và thời gian của ông doanh nhân Bùi Tùng Mậu. Thế nhưng, bất kỳ lúc nào có thời gian là ông lại bào chế thuốc và chữa trị cho người bệnh bất kể đêm hôm sớm tối. Ông Mậu tâm sự: “Tôi chữa bệnh là thực hiện cái tâm người thầy thuốc gia truyền nối nghiệp tổ tiên chữa bệnh cứu người, nhất là với những bệnh nhân nghèo”.

Lương y Bùi Tùng Mậu chữa bệnh cứu người để thực hiện “sứ mệnh” giữ gìn nghề thuốc của tổ tiên.

Quê nhà tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định Gia đình ông Bùi Tùng Mậu bao đời nay có nghề thầy thuốc gia truyền. Do đó, khi mới lên 7, ông đã được cha mình bắt học nghề thuốc. “Ngày ấy, các cụ dạy nghiêm lắm, lớ vớ là ăn vọt ngay”, ông Mậu nhớ lại. Cha ông bắt ông nhận biết các loại cây thuốc theo cách vô cùng đơn giản. Ngày nào cũng vậy, cứ trước khi ra khỏi nhà tìm thuốc là cha ông lại đổ cả đống thuốc vào chung một mẹt rồi bắt ông ngồi phân riêng ra từng loại. Đến lúc phân biệt được rồi, thì khi dạy hái thuốc, ông cũng nhiều lần bị cha mình dựng dậy từ tinh mơ lúc mọi người vẫn còn đang yên giấc. Cha ông bảo, nhiều cây thuốc chỉ có công dụng khi được hái vào lúc mặt trời chưa lên, khi sương đêm còn đọng nguyên trên lá.

Bởi sự chỉ bảo nghiêm khắc của cha nên đến năm 16 tuổi ông đã thành thạo nghề thuốc đã được truyền 10 đời của gia đình. Khi ấy ông đã có thể tự khám, chữa bệnh cho mọi người trong vùng. Tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Mậu lên đường nhập ngũ. Đất nước im tiếng súng, ông trở về với ước vọng sẽ tiếp tục theo đuổi nghề y. Tuy nhiên, lúc này, thấy cảnh gia đình khó khăn, ông đã tạm gác mong ước đó lại để tập trung vào phát triển kinh tế gia đình.

“Hồi đó cha tôi còn khỏe, ông vẫn tự mày mò lấy thuốc, trị bệnh cho mọi người được nên tôi cũng có thời gian để làm kinh tế”, ông Mậu nhớ lại. Quê ông đồng chua nước mặn, đất chật người đông nên chuyện làm giàu chẳng phải chuyện dễ dàng gì. Dân quê ông có nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ nhưng chỉ là làm ăn nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu trong làng, xã nên ông đã lóe lên một ý nghĩ táo bạo. Ông muốn đưa những sản phẫm đồ gỗ mỹ nghệ đó xuất khẩu ra nước ngoài. Liên Xô chính là trị trường đầu tiên ông chọn.

Dồn tất cả vốn liếng, ông gom thợ giỏi khắp nơi về để sản xuất hàng. Thời ấy, những mẻ hàng chân bàn ghế B158 được chuyển đi đã đem về cho hợp tác xã của ông những nguồn thu không nhỏ. Thắng lớn với mặt hàng đồ mỹ nghệ, ông tiếp tục chuyển hướng sang mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định quê ông. Và những sản phẩm mây tre đan từ những bàn tay của người nông dân vùng quê chiêm trũng đã được đưa tới các nước Á, Âu với chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp.

Ít năm sau đó, ông Bùi Tùng Mậu lại có quyết định táo bạo chuyển hướng tập trung hẳn vào ngành xây dựng. Với những kinh nghiệm đúc rút được trên dưới 20 năm sản xuất, kinh doanh. Với sự táo bạo trong việc đầu tư trang thiết bị, và nhất là sự ủng hộ của đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm và những người thợ lành nghề, Công ty của ông đã nhanh chóng khẳng định được uy tín và vị thế trên thị trường. Từ chỗ chỉ được giao những công trình nhỏ, những công trình dân dụng như: Xây trường Mầm non xã, làm hệ thống kênh mương và đường giao thông xã, Công ty của ông đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và niềm tin trên thương trường. Bây giờ, Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng và Thương mại Trường Sơn do ông làm lãnh đạo đã trúng thầu nhiều công trình lớn, trọng điểm với kinh phí đầu tư lên đến vài trăm tỉ đồng.

Tối mắt tối mũi với công việc, nhưng nghề thuốc với ông Mậu cứ như duyên nợ. Ông không thể toàn tâm toàn ý với việc kinh doanh nếu lỡ hẹn với… bệnh nhân. “Trước đây cha tôi còn sống thì tôi chỉ việc tập trung tới việc làm ăn thôi. Nhưng từ ngày ông mất thì tôi phải dành thời gian cho nghề gia truyền”, ông Mậu tâm sự. Theo lời ông Mậu, khi nhắm mắt về bên kia thế giới, cha ông đã bảo bằng mọi giá ông phải giữ lấy nghề gia truyền để lại. “Cứu người, giúp người mới là đích sống của nhà ta con ạ, tiền bạc đôi khi cũng chỉ là phấn hoa thôi”, ấy là những lời cha ông nói trước khi giã biệt cõi đời.

Vì vậy, bên cạnh việc kinh doanh, ông vẫn bố trí thời gian để thăm khám bệnh cứu người. Thế nhưng công việc nhưng việc lấy thuốc, săn lùng thảo dược thì không thể như vậy. Nghề thuốc gia truyền của gia đình ông đặc trị các bệnh hiểm nghèo như liệt, tai biến mạch máu não, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, đau sống lưng, sống cổ… Thế nên, để có thuốc đặc hiệu điều trị những bệnh trên thì ông phải mở mạng lưới săn lùng ở khắp mọi nơi. Những vị thuốc đơn giản thì ông có thể thuê người dân kiếm tìm còn những vị thuốc đặc biệt cần hái đúng tuổi, đúng thời khắc thì tự ông phải đi kiếm. “Nhiều chuyến tôi tự mình vào rừng, đi cả mấy ngày trời ấy chứ. Anh em, đối tác gọi hoài không được họ lại cứ nghĩ tôi bị làm sao”, ông Mậu chia sẻ.

Niềm hy vọng của người nghèo

Nhiều năm qua, ông Mậu đã chữa cho nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, thoái hóa đốt sống lưng, sống cổ, nhiều người đã đỡ, có người khỏi bệnh.

Nói về việc ông Mậu trị bệnh cứu người, ông Phạm Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho biết, nhà ông Mậu có nghề thuốc gia truyền và ông Mậu chỉ thực sự khám chữa bệnh cho mọi người vài năm trở lại đây. Ông Dũng cho biết, việc ông Mậu chữa bệnh hoàn toàn là thiện nguyện, thêm nữa, nhiều người đến đây đã khỏi bệnh một cách kỳ diệu nên chính quyền xã cũng rất ủng hộ.

Doanh nhân Bùi Tùng Mậu vinh dự chụp ảnh cùng Phó Thủ tướng Chính phủ (Thường trực) Phạm Bình Minh trong chương trình “trái tim biển đảo”.

Ông Mậu tâm sự, người ta đến với mình là gửi gắm bao nhiêu hi vọng vậy nên mình không thể phụ lòng, lạnh nhạt được. Hơn nữa, họ đa phần là người nghèo, đến đây đa phần là bệnh hiểm, đã chạy chữa khắp nơi rồi, tốn không biết bao nhiêu mà kể rồi. Bởi thế, chữa được thì bảo chữa được, đừng để họ khổ thêm. Tôi thì giờ kinh tế đã ổn rồi, tiền không quan trọng nữa, cứu giúp được ai thì cố gắng giúp thôi”, ông Mậu tâm sự.

Thấu hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân nên phần nhiều ông Mậu chữa bệnh không công. “Chỉ với những loại thuốc đắt, khó kiếm tôi mới thu tiền, còn phần lớn là cho thôi. Với những gia đình có sổ hộ nghèo thì tôi miễn phí toàn bộ, thậm chí giúp đỡ luôn cả tiền ăn ở”, ông Mậu chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho những bệnh nhân xa có nơi ăn ở chữa bệnh thuận lợi, ông đã đầu tư 5 phòng khép kín với đầy đủ trang bị sinh hoạt. Về làm việc thiện, với cái tâm của mình, hàng năm, ông đều dành thời gian tổ chức chuyến từ thiện nhân đạo. Như tặng phòng máy vi tính và tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó của Trường THPT Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; khám và cấp thuốc gia truyền miễn phí cho 720 hộ gia đình các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng tương đương với số tiền khoảng 500 triệu đồng…

Ông Mậu chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác trong chuyến chữa bệnh dịp 27/7.

Vào dịp 27/7 hằng năm, ông Bùi Tùng Mậu đã cùng với Hội Đông y Hà Nội tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng tại một xã ở tỉnh Hưng Yên. Ông cấp phát một số thuốc gia truyền của gia đình chữa các bệnh thoái hóa đốt sống lưng, sống cổ, thoạt vị đĩa đệm, viêm đa khớp, dạ dày, gan... Toàn bộ chương trình từ thiện này trị giá khoảng 700 triệu đồng.

Đặc biệt, ông Mậu chữa bệnh cứu người là để thực hiện “sứ mệnh” giữ gìn nghề thuốc của tổ tiên và cũng là để thỏa nguyện mong muốn làm phúc giúp đời của bản thân mình.

Nhiều giải thưởng, kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen cao quý mà doanh nhân Bùi Tùng Mậu đã được nhận trong sự nghiệp của mình

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Thương mại Trường Sơn là tập đoàn chuyên đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình trọng điểm quốc gia. Hằng chục năm qua, Công ty đã thi công xây dựng nhiều công trình đê sông, đê biển, cảng biển, đường cứu hộ cứu nạn, kè chống sạt lở, trạm bơm chống úng lụt… góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh, quốc phòng trên nhiều tỉnh thành phố trong cả nước.

Ông Bùi Tùng Mậu đã vinh dự được được tặng thưởng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam năm 2011”, “ Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nam Định”, “Cúp Vàng hội nhập ASEAN Quốc tế”, “Cúp Vàng 1000 năm Thăng Long”, “Thương hiệu tiêu biểu ngành xây dựng”, “Thương hiệu Vàng - Logo và Slogan ấn tượng 2012”, Bảng vàng ghi danh “Vì trách nhiệm cộng đồng”… danh hiệu Bàn tay Vàng - Nghệ nhân Quốc gia cùng nhiều bằng khen, giấy khen…

Đọc thêm