Độc đáo món “đu đủ đâm” vùng Bảy Núi

(PLO) - Đu đủ thì quá quen thuộc nhưng “đu đủ đâm” thì ít người biết đến. Chỉ cần nghe đến tên gọi mọi người đã cảm thấy tò mò, khó hiểu. Chẳng biết đây là món ăn như thế nào? Nguồn gốc từ đâu? Và đó cũng là lý do khiến nhiều người phải tìm đến thưởng thức món ăn lạ lẫm này.
Đu đủ đâm – nét đặc trưng văn hóa ẩm thực Khmer vùng Bảy Núi.
Đu đủ đâm – nét đặc trưng văn hóa ẩm thực Khmer vùng Bảy Núi.

Vừa rồi, trong một chuyến đi công tác đến huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chúng tôi tình cờ thấy tên “đu đủ đâm” to tướng trên một biển hiệu ven đường. Lúc đó chúng tôi ngờ ngợ không biết đây là món ăn hay là gì. Tò mò ghé thử thì biết được đây là một món ăn độc, lạ và không kém phần hấp dẫn. Nó lạ từ tên gọi, lạ từ cách chế biến và lạ từ vị ngon nó mang lại.

Bước vào quán, điều đầu tiên chúng tôi trông thấy là hơn chục nguyên liệu, phụ liệu gia vị được để gọn bên trong tủ kính trên bàn. Bên cạnh là một bếp than đang nướng những xâu lụi bò thơm nức. Chị chủ quán mang ra bàn 2 đĩa “đu đủ đâm” khiến chúng tôi ngờ ngợ.

Nó có vẻ khá giống với món gỏi đu đủ nhưng mùi vị lại đặc trưng hơn. Các gia vị được trộn lẫn và thấm vào từng sợi đu đủ, trong đó đặc trưng nhất là mùi mắm ruốc. Món ăn này không nồng mà chỉ hăng hăng vì có sự pha trộn với hỗn hợp nhiều nguyên liệu khác.

“Đu đủ đâm” là món ăn có nguồn gốc từ nước bạn Campuchia và phổ biến nhất ở vùng Tri Tôn, An Giang. Món ăn này mặc dù xa lạ đối với khách thập phương nhưng ngược lại với bà con người Khmer và người dân vùng Tri Tôn, An Giang thì vô cùng quen thuộc. Tri Tôn là huyện có đường biên giới giáp với Campuchia, đây là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau và món “đu đủ đâm” này chính là sản phẩm của sự giao thoa đó.

Món ăn này có tên tiếng Khmer là Bốk la hông. Vì nguyên liệu chính là đu đủ và để chế biến món ăn này phải dùng hành động đâm vào đu đủ nên mọi người quen gọi là “đu đủ đâm”. Người Khmer dùng từ “đâm” để chỉ hành động bầm hay dầm hoặc là trộn.

Tất cả nguyên liệu được cho vào cối và dùng chày đâm nhuyễn.
Tất cả nguyên liệu được cho vào cối và dùng chày đâm nhuyễn.

Để chế biến món ăn độc đáo này, khâu quan trọng nhất là chọn đu đủ. Đu đủ không quá non và cũng không quá già. Phải chọn sao cho trái đu đủ độ vừa chín tới để có vị ngòn ngọt vừa phải. Sau đó bào sợi và cho vào cối cùng với rau muống bào và cà rốt, đậu đũa. Một thành phần quan trọng của món ăn này không thể thiếu các gia vị đặc trưng như mắm ruốc, chanh, con ruốc,… tất cả đều cho vào cối và dùng chày đâm cho các gia vị hòa lẫn và ngấm vào đu đủ. Từng chiếc chày đâm vào cối, đu đủ thấm từng loại gia vị, mùi hương lan tỏa dần theo nhịp chày làm nao lòng thực khách. 

Cái vị ngọt nhẹ, giòn giòn của đu đủ hòa chút vị mặn dịu của mắm, được cộng hưởng vị chua của chanh, vị cay của ớt đủ để đầu lưỡi tê tái và ngây ngất. Có chút rau muống và cà rốt lại càng tăng độ ngon, không ngán. Món này, người ta có thể ăn kèm với hột vịt ung, hột vịt lộn hay bò nướng. 

“Đu đủ đâm” tuy chỉ là món “ăn chơi” nhưng lại mang hương vị rất riêng, phản ánh một đặc trưng văn hóa ẩm thực Khmer vùng Bảy Núi. Những quán lá đơn sơ nằm giữa cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp có sức thu hút lạ kỳ, đông đảo thực khách đến thưởng thức. 

Đọc thêm