Độc đáo những sản vật tại hội chợ miền Tây xứ Thanh

(PLO) -Mỗi năm một lần, hội chợ quảng bá các sản vật dân tộc của mười một huyện miền núi, vùng cao xứ Thanh lại được diễn ra. Hội chợ là nơi gặp gỡ giao lưu quảng bá những nét văn hóa, các sản vật độc đáo giữa các dân tộc ở mười một huyện miền núi. Đến với hội chợ là về cuội nguồn của dân tộc, bởi những sản vật là tinh hoa văn hóa sẽ được trưng bày để du khách trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng, tìm hiểu. 

Mười một huyện miền núi phía Tây xứ Thanh tập trung đông đúc các dân tộc anh em như: Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông… Mỗi một huyện lại có những sản vật, những nét đặc trưng về văn hóa, gắn liền với đời sống của đồng  bào.

Tiết mục nhảy sạp kết hợp cùng với âm thanh cồng chiêng.
Tiết mục nhảy sạp kết hợp cùng với âm thanh cồng chiêng.

Từ bao đời nay họ đã biết tích lũy, bảo tồn, truyền đời những sản vật của dân tộc, tạo nên những nét độc đáo hiếm có, nó là điểm nhấn du lịch để phát triển kinh tế của huyện.

Đồ gỗ mỹ nghệ huyện Như Thanh.
Đồ gỗ mỹ nghệ huyện Như Thanh.

Đến với hội chợ là những sản vật độc đáo lấp lánh trong ánh đèn, mỗi một huyện là có những cách trưng bày riêng tạo nên dấu ấn, nét tinh tế về văn hóa và phong tục tập quán.

Chuối ngự Như Xuân.
 Chuối ngự Như Xuân.

Qua ánh đèn lung linh, các sản vật trong gian hàng của huyện Thạch Thạch được trưng bày ở một góc nhỏ.

Gian trưng bày thổ cẩm của huyện Ngọc Lạc.
Gian trưng bày thổ cẩm của huyện Ngọc Lạc.

Có lẽ du khách đã biết nhiều về huyện Thạch Thành, bởi nó không chỉ có mía đen, có dứa, mà còn có thanh long ruột đỏ… 

Rượu quế sản vật của huyện Thường Xuân.
Rượu quế sản vật của huyện Thường Xuân.

Hiện bà con dân tộc trong huyện Thạch Thành, không ngừng phát huy thế mạnh, họ lấy những sản vật vốn là tiềm năng để làm chỗ dựa phát triển kinh tế. Chỉ số phát triển kinh tế ở huyện Thạch Thành đã có những nét đột phá.

Đường nông thôn liên xã, huyện không ngừng được mở rộng. Các tiêu chí phát triển nông thôn, gắn liền với đời sống văn hóa xã hội đang đi đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Song song với việc phát triển kinh tế, người dân ở huyện cũng không ngưng phát huy, bản tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là việc phát triển các sản vật truyền thống.  

Đặc sản khoai Mán vàng của người Dao huyện Cẩm Thủy.
Đặc sản khoai Mán vàng của người Dao huyện Cẩm Thủy.

Giáp với huyện Thạch Thành là huyện Cẩm Thủy. Cẩm Thủy được du khách trong nước và quốc tế biết nhiều bởi nơi đây có suối cá thần Cẩm Lương.

Bên cạnh việc thưởng ngoạn ở suối cá thần, du khách cũng có thể tìm hiểu về các đặc sản của vùng. Anh Hùng người ở huyện tự hào giới thiệu cho chúng tôi biết: “Ngoài các địa danh du lịch, Cẩm Thủy chúng tôi còn có làng nghề miến dong nổi tiếng ở xã Cẩm Bình.

Mật ong nguyên chất, sản vật của núi rừng.
Mật ong nguyên chất, sản vật của núi rừng. 

Ở Cẩm Bình có làng Xăm và Bình Yên nổi tiếng với làng nghề làm miến sạch. Ngoài miến dong, chúng tôi còn có khoai Mán ruột vàng, rượu nếp cẩm…”.

Đến gian hàng của huyện Bá Thước lại tràn ngậm sắc màu thổ cẩm dân tộc. Huyện Bá Thước tập trung đông đúc cư dân đồng bào dân tộc Thái, sống quần cư dưới dãy núi Pù Luông.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nức tiếng với các thửa ruộng bậc thang, trùng trùng điệp điệp, cùng quang cảnh thiên nhiên trong lành, kỳ thú.

Rượu nếp cẩm, đặc sản của huyện huyện Cẩm Thủy.
Rượu nếp cẩm, đặc sản của huyện huyện Cẩm Thủy.

Đây là khu du lịch sinh thái lý tưởng, bởi các bản làng họ vẫn bảo tồn các ngôi nhà sàn, cũng với nét sinh hoạt truyền thống, và vô số các sản vật từ các địa phương…

Đến với huyện Thương Xuân, cách bày biện tạo điểm nhấn cho du khách lại là hương vị của quế. Chị Hạnh người trông coi gian hàng tự hào khoe rượu quế của huyện:

“Hiện tại ở Thanh Hóa, Thường Xuân trồng nhiều quế nhất, hơn 100ha. Đây là hội chợ đầu tiên chúng tôi mới ra mắt sản phẩm rượu quế của quê hương, nó là sản vật cực hiếm. Cách chưng cất phải mất cả ngày mới cho ra được những giọt rượu thơm lừng. Sản phẩm rượu quế vừa chữa bệnh, thơm, rất tốt cho sức khỏe”.

Gạo nếp hạt câu xã Thạch Bình huyện Thạch Thành.
Gạo nếp hạt câu xã Thạch Bình huyện Thạch Thành.

Ngoài các sản phẩm đặc trưng thuộc 11 huyện miền núi miền Tây xứ Thanh, các sản phẩm thổ cẩm ở tỉnh Hòa Bình cũng đã có sự giao lưu. Các sản phẩm trưng bày của tỉnh Hòa Bình, chủ yếu là tơ lụa. Tơ lụa được thể hiện bằng những nét hoa văn được in hình trên cạp váy.

Cô Dương Thị Bin người ở Lạc Sơn cho biết: “Năm nay đến với hội chợ tôi muốn quảng bá sản phẩm của làng nghề. Đây là sản phẩm của gia đình có từ rất lâu rồi, chủ yếu được thêu dệt bằng tay.

Ngày như chiếc váy này cũng vậy, nó bao gồm có bốn phần, có cạp váy trên, cạp giữa, cao váy và thân váy. Các chi tiết ở bốn phần đều rất quan trọng, hoa văn được in hình các con rồng trên cạp váy. Và khi người con gái mặc chiếc váy này vào sẽ tạo nên dáng dấp dân tộc”.

Thăng long ruột đỏ đặc sản của quê hương huyện Thạch Thành.
 Thăng long ruột đỏ đặc sản của quê hương huyện Thạch Thành.

Ngoài thổ cẩm của dân tộc, hầu như các huyện miền núi đều có mật ong, măng rừng, nấm hương, linh chi, chuối… Các sản vật của dân tộc hòa quện cùng nhau, tạo cho sắc màu văn hóa các dân tộc càng trở nên đa dạng, nó đang là chiều sâu của sự tỉ mỉ, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, góp phần quảng bá cùng bạn bè quốc tế.

Ngoài các gian hàng thể hiện nét đặc trưng riêng của từng huyện, hội chợ còn dành riêng cho các khu trưng bày các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, khu vui chơi giải trí, cùng rất nhiều các sản phẩm của bà con ở trong tỉnh.

Hội chợ chính là điểm nhấn cho việc quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện phát triển ngành du lịch, kéo theo đó là việc phát triển văn hóa xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế cho từng huyện. 

Gian trưng bày thổ cẩm của huyện Bá Thước.
Gian trưng bày thổ cẩm của huyện Bá Thước. 

Đến với hội chợ, du khách thập phương và quốc tế, còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ mang âm hưởng đậm chất văn hóa của người miền núi, như khua luống, nhảy xạp, công chiêng… Những tiết mục vừa kỳ bí vừa tạo nên cái hồn, sức sống cho dân tộc.

Hội chợ còn thể hiện sự gắn chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, các huyện cùng vươn lên sánh bước trong thời kỳ hội nhập các nền văn hóa xã hội.

Gối truyền thống được làm bằng thổ cẩm của người Mường ở Lang Chánh.
Gối truyền thống được làm bằng thổ cẩm của người Mường ở Lang Chánh.

Bà Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức cho biết:

“Hội chợ Xúc tiến thương mại miền Tây Thanh Hóa qua 6 năm tổ chức đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm của các huyện miền núi cũng như của tỉnh. Mục đích của hội chợ nhằm phát triển giao thương, kinh tế văn hóa giữa các huyện phía Tây của tỉnh, tạo cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực với các tổ chức, trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết”.

Cạp váy Mường được làm bằng thổ cẩm, mang từ Hòa Bình vào.
Cạp váy Mường được làm bằng thổ cẩm, mang từ Hòa Bình vào. 

Theo bà Thìn, hội chợ còn là nơi giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và những thành tựu kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương và các định hướng phát triển, các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; góp phần tuyên truyền và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Từ thế mạnh của từng huyện miền núi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế.

Hội chợ chính là ngày hội của các doanh nghiệp, của nhân dân các dân tộc miền núi nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 đã đặt ra. Và nó còn là nơi gặp gỡ, đoàn kết, giao lưu, quảng bá nét đẹp văn hóa của địa phương.