Độc đáo “thương cảng tro” ở Trà Thôn

(PLO) - Chợ nổi, là nơi giao lưu, sinh hoạt, trao đổi mua bán hàng hóa thật độc đáo, mang đậm nét văn hóa sông nước của cộng đồng dân cư Đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, có một chợ nổi “độc nhất vô nhị” chuyên bán tro ở Trà Thôn, ấp Long Quới 1, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Đưa tro xuống ghe.
Đưa tro xuống ghe.
Làm giàu từ đống tro tàn
Hơn 10 năm nay, phong trào thu mua tro ở xã Long Điền B ngày càng phát triển mạnh. Từ đó đã hình thành khu chợ tro trên dòng kênh Trà Thôn và dòng sông Ông Chưởng, để vựa lại vài tháng rồi chuyển tro đi khắp các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… phục vụ nhu cầu người trồng hoa màu, hoa kiểng, vườn cây ăn trái đặc sản… 
Trước kia chỉ có vài ba chiếc ghe đi thu mua tro từ những vùng lân cận chở về neo đậu ở cầu Trà Thôn và các bến sông gần đó để bán cho các chủ vựa tro. Sau dần nghề mua bán tro đã giúp nhiều chủ vựa và thương lái có nguồn thu nhập khá nên số lượng ghe đi mua tro về bán đã lên đến hàng chục chiếc ghe lớn nhỏ. Thời điểm nhiều nhất có khi lên đến cả trăm chiếc ghe tro đậu dọc  hai bên bến sông để “ăn hàng”... Từ đó đã hình thành nên một chợ tro hay còn gọi là “thương cảng tro” thật ấn tượng và độc đáo.
Có dịp đến xã Long Điền B sau vụ gặt, đi dọc theo kênh Trà Thôn thuộc ấp Long Quới 1, chúng ta sẽ tận mắt chứng kiến hàng trăm ghe chở tro nối nhau neo đậu hai bên bờ kênh ra tới dòng sông Ông Chưởng, với bán kính trên dưới 1.000 mét, kẻ mua, người bán thật nhộn nhịp. 
Hiện toàn xã Long Điền B có tới hàng trăm hộ dân mưu sinh từ nghề chủ vựa tro và hàng chục hộ kiếm sống từ nghề mua bán tro. Người dân ở đây cho biết, thương cảng tro này hoạt động tấp nập từ sáng sớm đến chiều. Hễ có tro, sau khi thỏa thuận xong giá cả thì sẽ đưa tro lên vựa và nhận tiền.
Anh Ngọc Trang có hơn 7 năm trong nghề bán tro chia sẻ: “Năm nay tro tiêu thụ nhanh, trúng giá. Ghe tôi chở hơn 1.200 giạ tro,  bán được trên dưới 7 triệu đồng/ghe tro, lãi được 2 triệu đồng mỗi ghe, mừng húm”...
Để có đủ nguồn tro cung cấp cho chủ vựa, các chủ ghe phải lặn lội đi mua ở các cánh đồng lúa sau thu hoạch của vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên, có khi vào tận Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ... thậm chí phải lặn lội xuống tận các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Bình quân một ghe chở từ 1.200 đến trên 2.000 giạ tro, người bán kiếm lời vài triệu đồng. Nếu xoay vòng được nhiều chuyến (mỗi chuyến đi mua tro từ 5 - 7 ngày) thì nguồn thu nhập nâng lên, lợi nhuận trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. 
Đưa tro lên bờ
Đưa tro lên bờ 
Không chỉ bán tro cho các chủ vựa ở Trà Thôn mà người trồng hoa kiểng, cây ăn trái… ở miệt Sa Đéc, Cái Mơn, Vĩnh Long, Cần Thơ... khi thiếu tro cũng tìm đến “thương cảng tro Trà Thôn” để mua về bón cho vườn cây, hoa kiểng... Vào cuối vụ Đông Xuân hàng năm, sau khi mua tro do các thương lái đến bán với giá dao động từ 4.000đ đến 4.500đ/giạ, các chủ vựa ở Trà Thôn đem tro lên cho vào kho dự trữ. 
Đến tháng 8, tháng 9, họ đưa xuống ghe lớn, có tải trọng hơn 20.000 giạ tro rồi chở đi bán cho các hộ có nhu cầu ở các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre… với giá bán từ 12.000đ/giạ trở lên. Điều này làm tăng nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình, góp phần giải quyết không nhỏ lực lượng lao động cho xã hội và làm đa dạng hóa các ngành nghề, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển khởi sắc. 
Cần được quan tâm đúng mức
Ông Lê Văn Hải - chủ vựa tro ở Trà Thôn cho biết: “Tro rơm là một loại phân bón hữu cơ rất thích hợp với các loại hoa màu, cây kiểng… nên được các nhà vườn sử dụng rất nhiều. Ở Trà Thôn này có hàng trăm chủ vựa tro lớn nhỏ. Vựa tro lớn nhất có đến cả trăm ngàn giạ, nhỏ nhất cũng mười, hai mươi ngàn giạ tro. 
Từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, các chủ vựa thường vận chuyển tro lên các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… để bán cho các nhà vườn làm phân bón trồng cây kiểng, hoa màu… Mỗi chuyến ghe chở từ 10.000 - 20.000 giạ, thu lãi cả chục triệu đồng.
Ghe chở tro đậu tại Trà Thôn.
Ghe chở tro đậu tại Trà Thôn. 
Vào mùa lũ bão, tro bán ra tuy giá thấp nhưng các thương lái có lời nhiều hơn, bởi giá rơm mua vào để đốt lấy tro rất rẻ, gần như cho không nên nhiều người ví von rằng “vốn ăn mày, lãi quan viên” hay “làm chơi, ăn thật”. Một chủ vựa bảo nói vậy thôi, chứ làm nghề này cũng vất vả, cơ cực lắm, cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới kiếm được “bát ăn, bát để”. 
Ưu điểm của nghề này là chỉ cần chịu khó, không đòi hỏi phải có nhiều vốn nhưng nhược điểm là người làm nghề lúc nào cũng phải lam lũ, lấm bẩn từ đầu đến chân, khả năng dính bệnh phổi do hít phải bụi tro thường xuyên, lâu ngày không phải là không có. Nhưng bù lại, người làm nghề có tâm trạng thoải mái, thanh thản bởi ý nghĩ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. 
Từ bao đời nay, nghề mua bán tro đã tồn tại gắn với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như một phần không tách rời. Nó thân thương, gắn bó với bà con và đã đi vào thơ ca, đi vào nỗi nhớ của bao thế hệ gắn với “đặc sản” khói đốt đồng trên cánh đồng mênh mông sau mỗi vụ gặt. Mừng là dù xã hội đã phát triển hiện đại hơn nhưng nghề mua bán tro không bị mai một mà ngày càng thịnh vượng hơn, góp phần giúp bà con xây dựng cuộc sống ấm no. 
Để duy trì và phát triển “thương cảng” tro Trà Thôn độc đáo này, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có chính sách đầu tư thỏa đáng như: thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã mua bán tro, quan tâm hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi cho người đi thu mua tro, chủ vựa tro… mua phương tiện ghe tàu, xây dựng kho vựa, bến bãi an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động... vừa nâng cao thu nhập của người dân, vừa giải quyết việc làm đáng kể cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giảm thiểu các tệ nạn xã hội ở địa phương./.

Đọc thêm