Nước Đức nặng nề với “đoàn tàu” người di cư

(PLO) - Cuộc khủng hoảng người di cư không chỉ gây ra những ý kiến trái chiều giữa các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trong việc tiếp nhận người tị nạn mà còn gây mâu thuẫn trong nội bộ các nước, đặc biệt là tại Đức. Từ một quốc gia “đầu tàu” kinh tế ở châu Âu, nước Đức giờ đang trở nên nặng nề…
Cơ quan Công tố Liên bang Đức ngày 29/10 cho biết đã nhận được gần 400 đơn thư kiện Thủ tướng Đức Angela Merkel vì chính sách của bà đang thực hiện với cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay ở Đức.
Thủ tướng Đức đang chịu sức ép chưa từng có
Thủ tướng Đức đang chịu sức ép chưa từng có 
Dân buộc Thủ tướng 
tội “phản quốc” 
Trong khi nhiều người tị nạn gọi Thủ tướng Merkel là “Đức Mẹ”, gần 400 đơn kiện nói trên đã cáo buộc Thủ tướng Merkel về các vấn đề bảo vệ nhà nước và an ninh bên trong cũng như bên ngoài lãnh thổ Đức. Một trong số các cáo buộc cho rằng bà Merkel đã phạm tội “phản quốc” do chính sách đối với người tị nạn của người đứng đầu Chính phủ Đức đã gây phương hại tới trật tự hiến pháp nước này. 
Bà Frauke Köhler, Phát ngôn viên Cơ quan Công tố Liên bang Đức cho biết, các đơn kiện “sẽ được kiểm tra đầy đủ”, song bà không bình luận gì. Trong số các đơn kiện còn tố cáo cả Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière và Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen liên quan chính sách với người tị nạn. Tuy nhiên, theo giáo sư Holm Putzke - chuyên gia về luật hình sự thuộc Đại học Passau, những đơn thư khiếu nại nêu trên chỉ là vô ích và sẽ không có kết quả.
Trong nội bộ ra tối hậu thư
Cuộc khủng hoảng người tị nạn đang tiếp tục là nhân tố gây chia rẽ trong chính liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer kiêm Thủ hiến bang Bayern đã ra tối hậu thư yêu cầu bà Merkel phải có biện pháp hạn chế dòng người tị nạn vào nước này.
Phát biểu trên một tờ báo Đức ngày 27/10, ông Horst Seehofer cho biết Chủ tịch CSU - đảng liên kết với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel yêu cầu cho tới ngày 1/11 tới, người đứng đầu Nội các Đức phải có phản ứng với những yêu cầu của CSU về việc hạn chế người di cư vào Đức. 
Trong trường hợp Chính phủ Đức không có phản ứng, đảng hoạt động duy nhất ở bang Bayern này sẽ phải tính “phương án hành động”. Đây được xem là một trong những phát biểu gay gắt nhất của ông Seehofer với bà Merkel kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Đức.
Ông Seehofer cũng yêu cầu Thủ tướng Merkel phải lập tức thảo luận với Chính phủ Áo về việc điều phối dòng người tị nạn từ Áo vào bang Bayern, coi đây là nhiệm vụ của người đứng đầu chính phủ. Ông cũng lên tiếng chỉ trích Áo đã đưa hàng nghìn người qua biên giới vào Đức mà không thông báo với giới chức bang Bayern. Chỉ trong 3 ngày từ 24-26/10 vừa qua đã có 25.000 người tị nạn từ biên giới Áo vào bang này, buộc một số cửa khẩu giữa hai nước nhiều lúc phải đóng lại vì dòng người từ Áo quá đông.
Trước đó, CSU cũng từng doạ sẽ áp đặt các biện pháp phòng vệ ở bang Bayern hoặc kiện Chính phủ Đức nếu Berlin không hạn chế người nhập cư vào nước này. Gần đây nhất, ông Seehofer cảnh báo khối liên minh giữa CDU và CSU có thể tan vỡ nếu chính sách tị nạn hiện nay không được sửa đổi.
Người dân Đức chào đón người di cư
 Người dân Đức chào đón người di cư
Người Đức bi quan hơn
Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 28/10, người tiêu dùng ở Đức đang dần dè dặt hơn trong chi tiêu bởi họ lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực mà cuộc khủng hoảng di cư sẽ đem lại cho nền kinh tế hàng đầu châu Âu này.
Báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường GfK cho thấy niềm tin tiêu dùng của người dân Đức trong những tháng gần đây đang giảm dần. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng được dự báo sẽ giảm từ 9,6 điểm trong tháng 10 xuống còn 9,4 điểm trong tháng 11. Đây sẽ là tháng giảm thứ 3 liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015. Tuy nhiên, GfK cho rằng đây vẫn là mức có thể chấp nhận được. 
Nghiên cứu của GfK cũng chỉ rõ kỳ vọng kinh tế của người dân Đức đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Điều này có liên hệ mật thiết với tâm lý lo ngại tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng khi dòng người di cư ùn ùn kéo về quốc gia này. Mới đây, Chính phủ Đức cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 xuống 1,7% - từ mức 1,8% được đưa ra trước đó.
Lo “tan vỡ” châu Âu
“Phụ họa” cho gánh nặng của Đức, đã làm dấy lên nhiều tiếng nói lo ngại ở Brussels về tương lai của EU. Phát biểu với tổ chức tư vấn Friends of Europe, Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - nói: “Điều từng là không tưởng trước đây giờ lại có khả năng xảy ra – đó chính là sự tan rã của EU”. Những nhà ngoại giao kỳ cựu ở Brussels, những người đã quen với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho rằng sự ngờ vực lẫn nhau trong EU hiện đã lên đến mức báo động.
Một vài đối tác của EU, do Thủ tướng Hungary Viktor Orban dẫn đầu, buộc tội bà Merkel vì đã thổi bùng làn sóng di cư khi hồi tháng 8/2015 bà đơn phương quyết định tiếp nhận người di cư từ Syria mà không áp dụng luật tị nạn của châu Âu mà theo đó, người muốn tị nạn phải nộp đơn xin tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đến. 
Theo các quan chức Đức, bà Merkel chỉ đơn giản nhận thấy rằng thực tế là các luật tị nạn của châu Âu, hiện đang đặt gánh nặng không tưởng lên Hy Lạp và Italia, đã lỗi thời và cần có những phản ứng nhân đạo hơn. 
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho các đảng cực tả - những đảng kích động mối lo ngại về những người nước ngoài, Hồi giáo và cả chủ nghĩa khủng bố - đang ngày càng tăng ở Pháp, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi sự hội nhập châu Âu ở Anh đang lợi dụng cuộc khủng khoảng di cư để củng cố các luận điểm của họ về việc bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Chính phủ các nước Trung và Đông Âu đang phản đối những yêu cầu từ phía Berlin và Brussels về việc chấp nhận hạn ngạch phân bổ người di cư. 
Người di cư đổ về thành phố Munich của Đức
Người di cư đổ về thành phố Munich của Đức 
Cuộc khủng hoảng người di cư cũng cho thấy những chia rẽ ngay trong các thể chế của EU, với việc Ủy ban Châu Âu do ông Jean-Claude lãnh đạo cho rằng thách thức chủ yếu là vấn đề lo cho cuộc sống của người di cư về lâu dài. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk - cựu Thủ tướng Ba Lan từng chủ trì nhiều hội nghị thượng đỉnh EU - lại gọi làn sóng người di cư là một “mối đe dọa” và cần phải được “ngăn chặn” hoặc “kiềm chế”, cụ thể bằng hành động hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ để giữ chân người di cư Syria tại đây.
“Chúng ta không thể tiếp tục không có hành động gì để đổi lấy sự đoàn kết, mở cửa để rồi không giúp gì được cho họ, tự do để rồi dẫn tới hỗn loạn. Tôi đang muốn nói đến tình trạng biên giới của chúng ta. Người dân đang muốn được cảm thấy an toàn như trước đây, bởi chỉ có như vậy họ mới có thể giúp đỡ được những người đang cần giúp đỡ”. 
Việc dòng người di cư ồ ạt tràn qua Hungary để đến Đức đã khiến Thủ tướng Orban siết chặt biên giới của nước này với Serbia và Croatia, mở đầu cho chuỗi phản ứng dây chuyền “biến hàng xóm thành kẻ ăn mày” của nhiều chính phủ trong EU. Tại cuộc họp của đảng Nhân dân Châu Âu, đảng nắm nhiều ghế nhất trong Nghị viện Châu Âu, Thủ tướng Orban đã nhận được nhiều tiếng vỗ tay khen ngợi khi phản đối chính sách mở cửa của bà Merkel như là “nam châm” thu hút “những người di cư vì lý do kinh tế, người tị nạn và cả những tay súng nước ngoài”. 
Ông mô tả châu Âu là khu vực “giàu có và yếu kém – một sự pha trộn có thể là nguy hiểm nhất”. “Cuộc khủng hoảng người di cư sẽ ảnh hưởng tới tương lai của chúng ta. Chúng ta đang gặp một rắc rối lớn. Cuộc khủng hoảng người di cư có thể gây bất ổn cho các chính quyền, các quốc gia và cả lục địa châu Âu” - Thủ tướng Orban nói.
Bất chấp tất cả, Thủ tướng Merkel vẫn kiên quyết bảo vệ chính sách giải quyết khủng hoảng hiện nay, trong đó khẳng định không đặt giới hạn trần tiếp nhận người tị nạn, không đóng cửa biên giới và sẽ đẩy nhanh việc đưa những người bị bác đơn tị nạn “hồi hương”. Bà Merkel cũng cho biết đã bắt đầu thảo luận với Thủ tướng Áo Werner Faymann về vấn đề người di cư ở khu vực biên giới, cho rằng ngày 1/11 được ông Seehofer nêu ra ở trên chỉ là “ngày thú vị”. 
Đức đã cam kết hỗ trợ Hy Lạp trong việc giải quyết gánh nặng của dòng người di cư vẫn đang ồ ạt đổ về các bờ biển của “xứ sở thần thoại” mỗi ngày. Trong chuyến thăm Athens, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết nước này sẵn sàng “kề vai sát cánh” với Hy Lạp, quốc gia được xem là “tiền tuyến” trong cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. 
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh Hy Lạp hiện đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế, dòng người di cư ồ ạt đổ về nước này thực sự là một gánh nặng. Do đó, Đức sẽ hỗ trợ Hy Lạp trong việc đối phó với thách thức lớn này. 
Theo ông Steinmeier, châu Âu cần phải phối hợp hành động để kiểm soát tình hình, bảo vệ các đường biên giới của “lục địa già”, đồng thời triển khai một kế hoạch hành động chung về vấn đề tị nạn và nhập cư cũng như phân chia công bằng số người tị nạn. 
Đức đã là điểm đến lý tưởng của người di cư bởi quốc gia này có chính sách tiếp nhận người di cư cởi mở hơn so với các quốc gia khác ở châu Âu. Dự kiến, quốc gia này sẽ tiếp nhận từ 800 nghìn đến 1 triệu người nhập cư trong năm 2015. 
Thế nhưng, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, “đoàn tàu” di cư đã kéo tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Merkel giảm xuống còn 36%, mức thấp nhất kể từ 3 năm qua... 

Đọc thêm