Độc đáo ứng tuyển du học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa hàng ngàn hồ sơ, các trường đại học đắt giá trên thế giới không tìm người giỏi nhất mà tìm mảnh ghép có màu sắc phù hợp nhất…
 Em Nguyễn Hồng An vừa trúng tuyển 13 trường đại học uy tín tại Mỹ. (Ảnh: BTC)
Em Nguyễn Hồng An vừa trúng tuyển 13 trường đại học uy tín tại Mỹ. (Ảnh: BTC)

Khi kỹ năng trở thành bản lĩnh

Nhận định trên được TS Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Học thuật Olympia, CEO của tổ chức giáo dục IEG Global chia sẻ tại Hội thảo giáo dục về chinh phục đại học hàng đầu của trường Olympia tổ chức mới đây.

Theo TS Hiếu, có nhiều học sinh xuất sắc với điểm số cao, thành tích tốt nhưng vẫn chưa chinh phục được các trường đại học hàng đầu. Trong khi đó, nhiều học sinh điểm chưa cao, cũng như thiếu thành tích học tập lại giành được những suất học bổng và hỗ trợ tài chính tốt. TS Hiếu cho rằng, hiện nay, rất nhiều gia đình có xu hướng “gò” học sinh vào việc học và thi. Điều này vô tình tạo cho các em không ít áp lực. Trong khi đó, học sinh không chỉ cần nền tảng học thuật tốt mà còn cần phát triển các kỹ năng mềm và trải nghiệm sống. Việc có những trải nghiệm đa dạng, phong phú sẽ giúp các em được mở rộng thế giới quan.

Do đó theo TS Hiếu, trong giai đoạn THCS đến đầu cấp THPT, cha mẹ nên để học sinh được thỏa sức với nhiều sở thích khác nhau thay vì bó buộc trong một con đường đi chật. Rất hiếm học sinh nào chỉ theo đuổi một đam mê bền bỉ trong suốt chặng đường dài. Các em cần trải nghiệm đủ nhiều, có những “cú xoay” trước khi tìm ra thứ bản thân yêu thích nhất. Đến giai đoạn lớp 11, 12 chính là thời gian để học sinh hệ thống lại, tự lựa chọn xem trải nghiệm nào bản thân thấy thích thú và sẵn sàng muốn gắn bó trong 4 năm đại học.

Theo TS Hiếu, có những học sinh theo khối xã hội, sau đó lại quyết định gắn bó với lĩnh vực công nghệ thông tin. Sự thay đổi đó vì các em được tiếp xúc rộng với các ngành nghề, cơ hội, từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp và tốt hơn. Hơn nữa, việc có nhiều trải nghiệm cũng sẽ giúp ứng viên có màu sắc và “chất” riêng, không trùng lặp với bất kỳ ứng viên nào. Hàng năm vẫn có nhiều học sinh Việt Nam đỗ vào các trường đại học hàng đầu thế giới với những câu chuyện riêng về sự độc đáo của bản thân, nhưng không phải ai cũng có xuất phát điểm hoàn hảo. Đôi khi, việc thể hiện bạn là ai, trải nghiệm sống của bạn thế nào, cách nghĩ của bạn ra sao, có phù hợp với trường không mới là điều hội đồng tuyển sinh quan tâm.

TS Hiếu kể câu chuyện, hai năm trước, ông từng biết một học sinh học hệ không chuyên của một trường THPT chuyên tại TPHCM. Hồ sơ của nam sinh này không có điểm SAT, đạt IELTS 7.0. Thành tích cao nhất của em là một giải thi võ thuật cấp quận. Tuy nhiên trong bài luận, em viết về việc mình lớn lên ở xứ đạo, suốt 10 năm qua vẫn kiên trì với công việc đi thắp nến trong nhà thờ mỗi lần Cha xứ làm lễ. Mỗi khi thắp nến, em lại suy nghĩ về các câu Cha đọc và mối liên hệ với cuộc sống thường ngày như về tôn giáo, bản dạng giới, việc học hành...

Nhờ thể hiện chất riêng và những trải nghiệm của bản thân, nam sinh vẫn chinh phục được đại học top đầu Mỹ. Vì thế, theo TS Hiếu, có thể nhìn nhận các yếu tố xuất sắc trong bộ hồ sơ là điều kiện cần, nhưng không phải là điều quan trọng duy nhất giúp học sinh chinh phục đại học top đầu. Thực tế, các trường không tìm kiếm những học sinh chuyên cày luyện thi, lấy điểm số mà cần phải có kỹ năng học tập, bao gồm: Kỹ năng nghiên cứu tài liệu, kỹ năng đọc chuyên sâu, kỹ năng lập luận, viết sáng tạo, tư duy phản biện... Đây là những kỹ năng quan trọng giúp ích cho việc học tập và nghiên cứu chuyên sâu ở bậc đại học.

Bên cạnh kỹ năng học tập, ứng viên cũng cần có bộ kỹ năng mềm như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng thuyết trình... Nếu suốt thời phổ thông, học sinh chỉ quanh quẩn việc học và luyện thi thì sẽ thiếu hụt những kỹ năng này.

Ngoài ra, các em cũng cần có những trải nghiệm thực tế để làm giàu thêm vốn sống, mở rộng thế giới quan, từ đó chắt lọc và định hướng bản thân đi theo con đường phù hợp trong tương lai. Những trải nghiệm này cũng không nên gói gọn trong các hoạt động ngoại khóa tại trường học.

Nhờ những kỹ năng đó, học sinh sẽ hình thành được sự bản lĩnh, bền bỉ trong tính cách, có khả năng thích nghi với môi trường mới và không ngần ngại đón nhận thử thách. Những điều này không chỉ giúp các em thích nghi với môi trường đại học mà còn có thể tự đi trên đôi chân của mình một cách độc lập dù ở bất kỳ đâu. Đây là những yếu tố các trường đại học hàng đầu luôn tìm kiếm ở ứng viên…

Không chỉ là hồ sơ đẹp

TS Nguyễn Chí Hiếu, cựu sinh viên Đại học Oxford và Stanford cho rằng, nhiều học sinh cần cảm ơn quá trình nộp đơn vào đại học khi không có vòng phỏng vấn, mới có thể “lọt” vào trường đại học. Bởi “có những thứ trên giấy tờ nhìn qua sẽ thấy rất đẹp, nhưng khi bước vào phỏng vấn thì chưa chắc đã đẹp và ngược lại”.

Trong tương lai, khi sinh viên ra trường và tìm kiếm việc làm, các nhà tuyển dụng sẽ không thực sự quan tâm trên hồ sơ của bạn có gì, bởi hồ sơ chỉ là yếu tố dẫn bạn đến vòng phỏng vấn. Việc bạn là ai, trải nghiệm sống của bạn thế nào, cách nghĩ của bạn về cuộc sống khi trả lời phỏng vấn mới là điều nhà tuyển dụng quan tâm. “Suy cho cùng, các trường đại học và cả nhiều nhà phỏng vấn sau này - muốn nhận là bản sắc con người mỗi bạn, chứ không chỉ là một bộ hồ sơ chuẩn chỉnh nhưng thiếu bản sắc!”. “Nghĩ đến bản sắc, tính cách và bản lĩnh của các em - nó quan trọng hơn cái tên của trường đại học mà các em muốn theo đuổi!” - TS Hiếu nhấn mạnh…

l TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: BTC)

l TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ tại

Hội thảo. (Ảnh: BTC)

Khi tỷ lệ chọi vào các trường top ngày càng cao, rất nhiều bí kíp được đưa ra về việc làm thế nào để trở thành ứng viên nổi bật hay tạo nên bộ hồ sơ xuất sắc. Những ngôn từ hoàn hảo ấy có thể đã làm nản lòng không ít các bậc phụ huynh và học sinh vì chặng đường gian nan, tưởng chừng ngoài tầm với.

Thế nhưng, hàng năm vẫn có nhiều học sinh Việt Nam đỗ các trường đại học hàng đầu thế giới với những câu chuyện riêng về sự độc đáo của bản thân, dẫu không phải ai cũng có xuất phát điểm hoàn hảo. Em Nguyễn Hồng An, học sinh trường Olympia vừa trúng tuyển 13 trường đại học uy tín tại Mỹ, với học bổng cao nhất hơn 4,8 tỷ đồng. Nuôi ước mơ du học Mỹ từ bé nhưng Hồng An từng bị chê và xem chuyện không tưởng với học lực tiếng Anh không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, với ước mơ cháy bỏng, sự nỗ lực học hỏi và hỗ trợ từ thầy cô, những anh chị đi trước đã giúp nữ sinh tiến bộ từng ngày và chạm tay đến giấc mơ du học Mỹ với thành tích ngoài mong đợi. “Tự thấy bản thân về học thuật của mình chưa nổi trội khi so sánh với các bạn, nên em trau dồi thế mạnh về hoạt động ngoại khoá, thông qua những trải nghiệm của bản thân để tạo ấn tượng với hội đồng tuyển sinh”, Hồng An chia sẻ.

Theo Hồng An, không nhất thiết phải là học sinh xuất sắc theo định nghĩa thông thường của trường lớp thì mới có thể chinh phục được các trường đại học hàng đầu. Điều An rút ra được là các trường đại học ở Mỹ không tìm học sinh giỏi nhất mà tìm mảnh ghép có màu sắc phù hợp nhất. Việc xây dựng hồ sơ có bản sắc cá nhân là điều cực kỳ quan trọng khi ứng tuyển vào các trường đại học top đầu.

TS Nguyễn Chí Hiếu cũng cho rằng, thành tích học tập tốt là xuất phát điểm quan trọng cho lộ trình chinh phục các trường đại học hàng đầu, song đây không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Giữa hàng ngàn hồ sơ, các trường đại học đắt giá trên thế giới luôn tìm kiếm những ứng viên xuất sắc không chỉ ở lĩnh vực học thuật mà còn ở thể hiện được những giá trị mang đậm dấu ấn cá nhân và có khả năng đóng góp cho cộng đồng. Xuất sắc không phải ở điểm số, xuất sắc nằm ở bản lĩnh con người, thứ giúp học sinh có thể tự lập đi trên con đường của chính mình khi không có cha mẹ và người thân ở bên.

Chia sẻ bí kíp giành được thư trúng tuyển và các suất hỗ trợ tài chính cao từ các trường đại học uy tín trên thế giới, em Nguyễn Tú Nhi, trúng tuyển 5 trường đại học hàng đầu tại Úc, Singapore nói: “Bộ hồ sơ của em cho thấy, chúng ta cần được thử cái mới, đừng bó buộc vào vì mình học ngành nào thì bộ hồ sơ chỉ thể hiện ở ngành đó. Em không giỏi về vật lý, hóa học nhưng em đã thực tập về hai ngành này. Sau cơ hội đấy thì em thấy không có việc gì mà mình không thể làm được. Nó không khó như mình nghĩ. Chẳng qua là mình chưa thử thôi. Chứ thử thì mình sẽ làm được”, Nhi chia sẻ.

Em Nguyễn Đức Minh Sơn, trúng tuyển Trường Purdue University, Fordham University, Michigan State University, University of Florida, University of Southern California,... cho rằng, để nộp hồ sơ vào một trường đại học hàng đầu, việc quan trọng nhất là biết mình thích gì. Khi nộp hồ sơ vào đại học hàng đầu bạn nên có tâm thế thoải mái nhất và biết bản thân mình đang ở đâu…

Và ở góc độ thực tế, một vị chuyên gia giáo dục bày tỏ, “điều mình lo ngại hơn là có nhiều bạn đỗ vào đại học hàng đầu nhưng không thực sự xuất sắc. Điều này là thực tế khi các công ty tư vấn ngày càng chuyên nghiệp. Hồ sơ, bài luận của học sinh được các “chuyên gia” xây dựng, hỗ trợ đến mức “hoàn hảo”. Thậm chí có những bạn nhờ mình viết thư giới thiệu còn bảo bên tư vấn đề nghị được xem và chỉnh sửa thư của thầy cho thống nhất. Với đẳng cấp của các “pháp sư” hồ sơ, bậc thầy viết luận hiện nay thì tiếc là các viên ngọc thô ngày càng thua thiệt”...

Đọc thêm