Độc lạ tranh từ lá sen của họa sĩ già

(PLVN) - Tưởng chừng những lá sen già cỗi, xấu xí sẽ bị bỏ đi thì nay được ông Lê Văn Nghĩa (61 tuổi, ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) tận dụng để làm tranh.
Ông Nghĩa và bức chân dung Tổng Bí thư, Chủ tịch  nước Nguyễn Phú Trọng
Ông Nghĩa và bức chân dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Sáng tạo từ đặc trưng quê hương

Ở tuổi bên kia dốc cuộc đời, người họa sĩ già vẫn “cháy” mình với đam mê nghệ thuật. Vốn có năng khiếu vẽ vời từ nhỏ nhưng vì không có điều kiện nên ông Nghĩa nối nghiệp gia đình với nghề thợ mộc. Cách đây 4 năm, người vợ đột ngột qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Trong lúc buồn rầu đi lang thang ngoài đồng, đột nhiên ông nghĩ đến việc dùng vỏ cây tràm (cây keo) làm tranh. 

Song, chỉ mới làm được chừng vài tấm, ông thấy chán, thấy người ta làm tranh vỏ tràm nhiều rồi, ông không muốn đi vào lối mòn đó nữa. Ông bắt đầu suy nghĩ và lé lên ý tưởng làm tranh từ sen, một thứ đặc trưng nổi tiếng của quê mình. Thế là, người đàn ông này bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu.

Một mình trong ngôi nhà nhỏ, mỗi ngày ông Nghĩa cặm cụi bên những lá sen từ sáng đến tối để tạo nên những tác phẩm độc đáo. Hơn 3 năm qua, người con đất sen hồng đã sáng tạo ra 4 loại tranh làm từ lá sen như tranh làm từ gân lá, vụn lá, mảng lá và tranh tổng hợp. 

Ban đầu ông gặp thất bại, tranh hỏng nhiều vì chất liệu lá sen rất khó làm tranh. Những bức ảnh bắt đầu bay màu, biến dạng, ẩm mốc... bố cục tranh phong cảnh không gọn, không bộc được ý nghĩa muốn truyền tải. Càng khó càng làm, ông Nghĩa cứ thế miệt mài hơn để tìm ra công thức cho riêng mình và cuối cùng đã thành công. Từ đó, ông dừng công việc làm mộc lại, chuyển hẳn sang làm tranh lá sen và biến nó thành công việc chính nuôi sống bản thân.

 Bức tranh lá sen đầu tiên ông làm là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tám năm đi bộ đội, được đơn vị giao cho vẽ chân dung nhiều nên đối với ông hình ảnh Bác Hồ là hình ảnh đã khắc cốt ghi tâm. Về sau, ông bắt đầu làm tranh về những nghệ sỹ Việt, mẹ Việt Nam anh hùng và những người nổi tiếng.

Một bức chân dung bình thường ông làm từ năm đến sáu ngày, gấp thì làm ba ngày ba đêm. Tuy lớn tuổi không thể làm xuyên suốt quá lâu nhưng lúc nào có cảm hứng ông có thể thức làm đến hai, ba giờ sáng. “Cả tuần nay tôi không có thời gian nấu cơm ăn luôn, ăn lặt vặt hủ tiếu, mì gói, bánh mì này kia cho nó xong bữa rồi làm tiếp”, ông Nghĩa nói.

 

Lắm kỳ công 

Theo ông Nghĩa, làm tranh lá sen phải qua nhiều công đoạn như chọn lá sen; phơi nắng, phơi sương; cắt, xé, ủi lá; phân loại màu; phác thảo trên giấy; cố định lá sen lên nền bằng keo sữa; phơi khô chỉnh sửa lần cuối; xịt thuốc chống côn trùng, mối, mọt; phủ lớp keo mỏng để giữ cố định từng chi tiết; sau đó đóng khung. Các bức tranh này có thể bảo quản khoảng trên 10 năm và khó thấm nước. 

Lá sen được chọn phải là những lá già, đã chuyển màu xanh đậm hoặc sẫm. Lúc này các sợi gân sẽ có độ dai hơn, lá cũng dày hơn dễ dàng cho việc sử dụng và khi xử lý lá không bị rách. Lá sen có nhiều màu như đen, nâu, vàng nâu, vàng đất và màu trắng sẽ là màu quý nhất. Chính vì màu sắc có sự đa dạng như vậy nên bức tranh làm nên cũng sinh động.

“Người ta thường đặt tôi làm chân dung bằng mảng lá nhiều vì nó sống động hơn, màu sắc hơn so với làm từ gân lá hay vụn lá. Vụn lá thì chỉ có màu trắng đen thôi với mình rắc vụn lên keo lên rồi là không sửa được”, ông Nghĩa chia sẻ.  

Cũng theo người họa sĩ này, cái khó thật sự tạo nên sản phẩm tốt, hoàn mỹ không nằm ở những công đoạn kể trên mà nằm ở việc thể hiện thần thái bức chân dung sao cho chân thực, có hồn. Vốn không qua trường lớp bài bản, chỉ học lỏm nhưng bằng sự chịu khó, say mê mà người họa sĩ tài hoa này đã cho ra đời một thể loại tranh mới, làm phong phú thêm cho nền hội họa. 

Bước qua tuổi lục tuần, đầu óc không còn nhanh nhạy như xưa, không thể tập trung lâu. Những lúc như vậy, ông Nghĩa thường đi vòng vòng đâu đó cho đầu óc thoải mái rồi tiếp tục bắt tay vào công việc. Thế nhưng, khi được hỏi rằng có ý định nghỉ ngơi không, người họa sĩ mắt sáng lên khẳng định: “Tranh lá sen giúp tôi thư giãn tuổi già, cảm thấy có động lực để sống. Bởi vậy tôi sẽ làm tranh đến khi nào không thể làm được nữa thì thôi”. 

Đọc thêm