Hoang phí là tại… thầy cô và học trò (?)
Đầu năm học 2018-2019, phụ huynh phải nháo nhác đi tìm SGK vì tình trạng tái bản cầm chừng để chờ thay sách của các công ty phát hành. Thế nhưng, chính thức vào năm học thì phụ huynh lại ngỡ ngàng khi có trường ở Hà Nội đưa gần 30 đầu sách vào chương trình Tiểu học, thậm chí có trường dùng cả sách của Mô hình trường học mới (VNEN) đã dừng việc mở rộng ở các địa phương để bán cho học sinh.
Đầu mục SGK, sách bài tập, sách tham khảo bổ trợ được Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) chuyển tới tay phụ huynh khiến nhiều người choáng váng khi lên tới 27 cuốn dành cho học sinh lớp 1. Nếu chỉ tính riêng sách bài tập và SGK lớp 1 thôi thì nhà trường đã liệt kê được 17 cuốn với tổng giá 148.400 đồng.
Thế nhưng, đi kèm với đó là 10 cuốn bổ trợ gồm luyện chữ đẹp, luyện đọc, thực hành Toán, Tiếng Việt, Mỹ thuật... nên mức giá phụ huynh phải trả đã trội lên 208.000 đồng. Cộng với bọc vở, giấy kiểm tra, thủ công, bộ thực hành, phấn bảng... mức giá lại trội lên 378.000 đồng. Tổng một bộ SGK, sách bổ trợ, đồ dùng dạy học trọn bộ lên tới 734.400 đồng…
Phần lớn phụ huynh cho rằng, việc sử dụng SGK như hiện nay đang gây lãng phí lớn vì SGK được thiết kế để các em học sinh điền kết quả, nối, tô màu trực tiếp vào bài tập chứ không phải là vở bài tập theo mẫu. Thậm chí trong phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cầm sách Toán lớp 1 để dẫn chứng cho phần phát biểu “SGK lãng phí vì có chung phần luyện tập”:
“Chúng tôi phản ánh lại ý kiến của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng GD&ĐT là lý do tại sao? Mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Chúng tôi phản ánh lại về những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam”. Trước đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết cử tri rất bức xúc vì SGK chỉ sử dụng một lần, sau đó chỉ có thể bán giấy vụn một cách lãng phí như vậy.
Mặc dù trước thềm năm học mới, khi dư luận nêu vấn đề, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã khẳng định sách sử dụng một lần chỉ là sách bài tập, tham khảo. Thế nhưng, sau ba tuần ông lại thừa nhận về thực trạng viết lên SGK gây lãng phí trong nhiều năm nay. Và đến nay, Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đều đã đưa ra những văn bản chỉ thị “nhắc” giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập.
Ngày 24/9/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng có chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, việc biên soạn SGK từ năm học 2002 - 2003 được biên soạn theo phương thức bảng số liệu được để trống để hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Đồng thời, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh trong quá trình sử dụng SGK có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Như vậy, lỗi “hoang phí” ấy đương nhiên thuộc về giáo viên và học trò? Trong khi từ nhiều năm qua, học sinh như một quy luật bất thành văn, vẫn luôn làm bài tập vào sách. Thậm chí, đi học thêm sẽ phải mua thêm sách mới để dùng, bởi sách đang dùng ở lớp đã viết rồi…
Tréo ngoe… lỗ hay lãi?
Tuy nhiên, trong Chỉ thị ngày 24/9, Bộ GD&ĐT cũng nêu ra con số mỗi năm việc sử dụng lại SGK chỉ đạt khoảng 35%. Con số này tương đương với việc hàng năm có tới 65% SGK được thay mới, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam phải tổ chức đánh giá lại việc in ấn, phát hành SGK để có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK, hạn chế tối đa việc học sinh viết vào SGK. Phải báo cáo lại với Bộ GD&ĐT trước khi chỉnh sửa bản thảo SGK để tái bản.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, hàng năm số lượng phát hành SGK đáp ứng được tới 65% nhu cầu sử dụng của học sinh, tuy nhiên việc kinh doanh SGK khiến NXB lỗ hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Theo đó, NXB Giáo dục Việt Nam đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng.
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng, số liệu tài chính mới nhất được gửi đến Cục Phát triển Doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT trước đó không lâu thì NXB Giáo dục Việt Nam vẫn đang ăn nên làm ra, không hề thua lỗ. Năm 2017, sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận thuần của NXB Giáo dục Việt Nam tăng hơn gấp đôi năm 2016, đạt 145 tỷ đồng.
Cộng thêm khoản lợi nhuận khác gần 5,8 tỷ đồng, NXB này ghi nhận có tới 150,8 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế (tăng gần 2,1 lần so với năm 2016). Lãi ròng năm 2017 theo đó tăng mạnh gấp 1,9 lần lên 139,8 tỷ đồng so với năm 2016. Đến cuối năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam đang có khoảng 171,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Kế hoạch trong năm nay của đơn vị này là 1.180 tỷ đồng tổng doanh thu, doanh thu thuần đạt 1.130 tỷ đồng. Lãi trước thuế 82 tỷ đồng và lãi sau thuế 74,6 tỷ đồng.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam không trả lời về lãng phí SGK là né tránh. Bởi trách nhiệm của Bộ và NXB là phải trả lời dư luận về chủ trương thiết kế SGK có bài tập hay sẽ sửa đổi để tránh lãng phí. Bộ GD&ĐT cũng nên có kế hoạch hàng năm, chỉ cho phép in một số phần trăm SGK bổ sung nhất định.
Phần bài tập cần được thiết kế tách biệt với SGK. Vở bài tập nên bán giá rẻ, học xong có thể bỏ đi. Bởi theo ông, nếu số sách bài tập chỉ bằng 1/10 SGK thì mỗi năm chúng ta chỉ bỏ đi 100 tỷ đồng chứ không phải 1.000 tỷ. 900 tỷ còn lại có thể làm được nhiều việc khác như hỗ trợ trường học vùng cao khi chúng ta còn nhiều khó khăn.
Có dễ phá bỏ độc quyền SGK?
Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao phải chống được việc vì lợi ích của việc bán sách mà ép học trò. Học sinh học đến đâu, tự lo được đến đâu là phải tôn trọng, không nhất thiết bắt tất cả học sinh phải mua. Bây giờ đã có mạng internet rồi, học sinh có thể tự tra cứu tài liệu để làm bài tập chứ không nhất thiết phải dùng nhiều sách.
Thêm nữa, chúng ta không có người làm trọng tài để quyết định. Bộ GD&ĐT phải tham gia chỉ đạo để giải quyết dứt điểm những vấn đề hàng năm của SGK như nên in sách như thế nào? Sách bài tập ra làm sao? Sách tham khảo ra làm sao? Tức là sách tự do để tham khảo thì được, còn sách bắt buộc trên đầu học sinh phải được kiểm soát và tính toán. Chưa kể tới, theo Chương trình - SGK mới, SGK chỉ là một phần, chương trình mới là quan trọng vì đây là phần gốc, còn SGK, tài liệu tham khảo giáo viên được quyền lựa chọn.
Như vậy sẽ có nhiều bộ SGK, nhiều tài liệu tham khảo. Do đó, quan niệm SGK chỉ là một phần, chứ không như ngày xưa SGK là pháp lệnh, thi cử cũng phải theo sách. Phải có bộ phận chuyên gia làm và đánh giá lại chỗ này sẽ đỡ tốn kém cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng đỡ khổ sở.
Phải làm sao trên phương châm tiết kiệm nhất cho dân, tốt cho dân, hợp lý nhất cho dân, phải lấy dân làm gốc. Còn nếu dựa trên quyền lợi của nhà xuất bản, quyền lợi của tác giả sẽ rất là khó. Do đó phải có một bộ phận trung gian xem xét, quyết định, cần sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia để có bộ sách chuẩn”.
Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành về việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện nay điều kiện đất nước còn nghèo, trình độ dân trí chưa cao. Vì thế, ông vẫn giữ quan điểm, cả nước tập trung nhân lực, điều kiện tổ chức thực hiện thật tốt một bộ SGK là đủ.
Mặc dù việc thực hiện nhiều bộ sách cùng lúc thì mặt lợi là các đơn vị làm sách sẽ phải cạnh tranh nhau nên làm đẹp hơn, giá thành mềm hơn nhưng mặt trái cũng nhiều. Tuy nhiên, khi mỗi trường chọn một bộ SGK thì việc sử dụng lại SGK giữa học sinh các khóa ở các trường khác nhau là rất hạn chế.
Ngoài ra, TS. Lâm còn lo ngại khi có nhiều bộ SGK, ở địa phương này, địa phương khác sẽ khó tránh khỏi chuyện quan hệ, “bôi trơn” bằng hoa hồng để bán sách tốt hơn. Khi đó, các trường thậm chí so đo, đơn vị nào trích phần trăm hoa hồng cao hơn sẽ chọn chứ không quan tâm đến chất lượng, ý kiến của phụ huynh, giáo viên nữa…
Và chúng ta nghĩ sao khi đầu mỗi năm học mới, thầy cô vùng sâu, vùng xa vẫn miệt mài “xin sách” trên mạng xã hội cho học trò mình, dù biết bộ SGK đó đã viết hết bài tập vào rồi. Nhưng thà vậy còn hơn không có tiền mua SGK. Và nữa, hình ảnh các em độ tuổi đến trường phải chui vào túi ni lon vượt sông đến trường, những lễ khai giảng dựng tạm bên bờ suối bởi lũ cuốn mất trường, mất lớp, những em bé nhặt từng cuốn sách lấm lem bùn đất bước vào năm học mới để so sánh với những con số lãng phí tới xót xa…