Đòi bồi thường vụ tiêu hủy gián

(PLO) - Chuyện cấp phép cho nuôi rồi bắt tiêu hủy lúc đầu ngỡ chỉ nhỏ như con gián! Nhưng thực tế, hoàn toàn ngược lại khi nạn nhân nói đã mất gần 3 tỷ bạc, và đến nay Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Bắc Ninh vẫn lằng nhằng chuyện bồi thường?
Gián đất là côn trùng nguy hại, nhưng Sở KHĐT Bắc Ninh vẫn cấp phép kinh doanh!
Người ta vẫn than vãn thủ tục hành chính nhiêu khê làm phiền phức người dân, tuy nhiên luật pháp không chỉ quy định trách nhiệm của người dân mà còn quy định cả trách nhiệm các cơ quan công quyền. Quan chức nhà nước càng không thể tuỳ tiện hành xử mà phải gương mẫu tuân theo pháp luật. Theo đó những quyết định sai, gây hậu quả cho dân phải có trách nhiệm bồi thường.
Hớ vì… hồn nhiên! 
Thế là đã quá 10 ngày kể từ thời điểm sản nghiệp chăn nuôi (gián đất, trứng và vật dụng gây nuôi) của ông Nguyễn Đình Nguyên (xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) bị chính quyền xã và huyện này tổ chức tiêu hủy, với lý do con gián đất không nằm trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh. Quyết định loại bỏ loài côn trùng này ra khỏi làng quê Kinh Bắc thực sự là một “đòn” giáng mạnh vào uy tín, hình ảnh của Sở KHĐT tỉnh Bắc Ninh.
Cụ thể, trước đó, Sở này đã làm thủ tục cấp phép cho Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh Đại Thiện, có trụ sở xã Quảng Phú, huyện Lương Tài do bà Nguyễn Thị Lương (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) làm Giám đốc, ông Nguyễn Đình Nguyên làm Phó Giám đốc- được phép kinh doanh chăn nuôi gián. 
Tiếp đó, Công ty TNHH Cơ khí Thương mại Hoàng Hiệp do chính ông Nguyên làm Giám đốc cũng được cấp phép cho kinh doanh loài côn trùng nói trên. Tuy nhiên, ít lâu sau, Sở này lại thu hồi 2 giấy Đăng ký kinh doanh đã cấp cho các doanh nghiệp. 
Sở KHĐT Bắc Ninh vốn là cơ quan “gác cổng” trong lĩnh vực này, đáng ra phải có trách nhiệm rà soát, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để việc cấp đăng ký kinh doanh không bị hớ, không phạm luật, qua đó giúp doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đằng này do không chịu đọc luật, thậm chí đã suy diễn pháp luật máy móc nên mới sinh chuyện công chức Sở “hồn nhiên” bút phê văn bản đồng ý để doanh nghiệp được quyền nhân rộng một loài côn trùng vốn thuộc loài ngoại lai nguy hại, là trung gian truyền bệnh nguy hiểm… vào Bắc Ninh!
Đâu là “diệu kế”?
Theo Quyết định số 67/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam chỉ có 9 loài (lợn, gia cầm, bò, trâu, dê, ngựa, thỏ, ong, tằm). Gián đất hoàn toàn không được nhắc đến trong danh mục. Trong trường hợp này, việc cấp phép của Sở KHĐT Bắc Ninh rõ ràng là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. 
Xung quanh vấn đề này, Luật Bồi thường Nhà nước năm 2009 viết rõ: “Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật và được xác định trong văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”. 
Chiếu theo quy định, Sở này khó mà thoát việc bồi thường. Nhưng điều mà dư luận cũng như nạn nhân của vụ này đang quan tâm là sự việc sẽ được dứt điểm ở đâu (tại Sở hay tòa án) và bao giờ mới bồi thường? Tuy nhiên, để “con kiến” có thể kiện được “củ khoai”, trước hết chủ gián phải chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường, trong đó nhất thiết phải có các tài liệu có tính pháp lý quan trọng như: Đơn yêu cầu bồi thường, hợp đồng, hoá đơn mua hàng, tài liệu chứng minh thiệt hại với số tiền yêu cầu cụ thể, gửi đến cơ quan gây thiệt hại yêu cầu giải quyết.
Theo đó, trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ nêu trên, nếu Sở KHĐT Bắc Ninh không né trách nhiệm như những gì đã thừa nhận trước công luận và dư luận trong mấy ngày qua, thì phải có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và phải thụ lý, đồng thời thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại. 
Giả thiết thứ hai, nếu Sở KHĐT Bắc Ninh cố tình thoái thác trách nhiệm hoặc đưa ra những căn cứ để nói rằng, yêu cầu bồi thường của ông Nguyên không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình, thì Sở phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.
Nhưng bất luận tình huống nào xảy ra, ông Nguyên không thể không có mặt tại nơi đã cấp phép cho mình nuôi gián đất để làm việc với cán bộ có thẩm quyền nếu muốn vớt vát lại những gì đã bay theo tro khói. Cần lưu ý rằng, tại các buổi làm việc giữa người bị thiệt hại với đại diện Sở KHĐT cần phải có Biên bản làm việc, đại diện có thẩm quyền của Sở ký tên, đóng dấu để có cơ sở pháp lý. 
Biên bản này là tài liệu cực quan trọng, trong đó phải nêu rõ quan điểm của Sở KHĐT, quan điểm của người bị thiệt hại. Hơn nữa, Biên bản làm việc là một trong những tài liệu không thể thiếu và là cơ sở quan trọng để Toà án thụ lý giải quyết nếu quá trình thương lượng với Sở KHĐT Bắc Ninh không thành.
* Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT:
Phạm phải “hành vi bị nghiêm cấm” 
Khi thực thi công vụ, ngoài việc phải căn cứ quy định của pháp luật về kinh doanh, doanh nghiệp…, “ông” cấp đăng ký kinh doanh còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành. Nếu không biết thì “ông” phải hỏi, phải tranh thủ ý kiến của ngành Nông nghiệp. 
Tôi xin lưu ý rằng, từ năm 2004 Pháp lệnh về Giống vật nuôi đã viết rõ “Sản xuất, kinh doanh… giống không có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh” là “hành vi bị nghiêm cấm”. Một năm sau (2005), Bộ NN&PTNT đã ban hành Danh mục giống vật nuôi bao gồm 9 loài. Tuyệt nhiên không có con nào tên là gián nêu trong danh mục này cả. Đã là luật, là pháp lệnh, thì tất cả đều phải chấp hành nghiêm, chứ không thể nói tôi làm ngành KHĐT thì không thể biết quy định trong lĩnh vực nông nghiệp.
* Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc công ty luật Hà Huy:
Nhiều khả năng phải “nói chuyện” tại tòa 
Quá trình làm việc trực tiếp với Sở  KHĐT của ông Nguyên có thể sẽ mất nhiều thời gian và khó đạt kết quả như mong muốn. Rất có thể Sở này sẽ chối bỏ trách nhiệm bồi thường, hoặc bồi thường nhưng với số tiền thấp, không tương xứng với thiệt hại đã tổn thất. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà Sở KHĐT không ra quyết định hoặc kể từ ngày ông Nguyên nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì ông này có quyền khởi kiện ra Toà để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của Luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, rất có thể hai bên sẽ phải “nói chuyện” với nhau tại TAND huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Kinh nghiệm cho thấy, những vụ án phi hình sự kiểu này nếu được tòa thụ lý thì nguyên đơn coi như đã thành công.

Đọc thêm