Giải quyết vấn nạn tảo hôn: Để không còn những giọt nước mắt buồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại nhiều tỉnh, thành vùng cao, sau dịp Tết Nguyên đán, nỗi lo về tình hình tảo hôn lại hiện hữu. Số học sinh vùng cao nghỉ học để lấy chồng sớm luôn là vấn đề khiến các trường học ở địa bàn vùng cao, vùng sâu lo lắng.
Gần 70% trẻ em dân tộc thiểu số không được trang bị kiến thức về tảo hôn.
Gần 70% trẻ em dân tộc thiểu số không được trang bị kiến thức về tảo hôn.

Tảo hôn đi cùng với đói nghèo

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, năm 2022, dù tỷ lệ tảo hôn và phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi tại Lào Cai có giảm so với năm trước nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

Trong năm, mặc dù các địa phương đã tuyên truyền, vận động, ngăn chặn 177 người dưới 18 tuổi từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn có 165 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng. Trong đó, có 31 học sinh, chiếm chủ yếu là dân tộc H’Mông với 140 người, chiếm 84%.

Tỷ lệ tảo hôn luôn có liên quan mật thiết với tỷ lệ phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi. Trong năm 2022, toàn tỉnh Lào Cai có 602 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu. Huyện Bắc Hà chiếm nhiều nhất với 116 người, Mường Khương 84 người, Bát Xát 80 người...

Hà Giang là tỉnh miền núi có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,67%. Thời gian gần đây, mặc dù đời sống người dân từng bước được nâng cao nhưng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện vẫn còn tồn tại ở các huyện như: Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần… Tình trạng tảo hôn diễn ra chủ yếu vào sau dịp Tết Nguyên đán. Đơn cử như năm 2020 trên địa bàn huyện Mèo Vạc, Hà Giang có khoảng 160 cặp tảo hôn diễn ra chủ yếu dưới hình thức kéo vợ, bắt vợ. “Kéo vợ” là truyền thống lâu đời của dân tộc H’Mông. Tuy nhiên, hiện nay, nét đẹp đó đang bị mai một, biến tướng trở thành những hình ảnh xấu - “bắt vợ”, gây kinh hoàng cho không ít em gái.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, trong năm 2022, toàn tỉnh có 137 cặp vợ chồng lập gia đình khi chưa đến tuổi kết hôn. Con số này có chiều hướng gia tăng hơn năm trước (năm 2021 toàn tỉnh Nghệ An có 108 cặp tảo hôn và 3 cặp hôn nhân cận huyết thống). Cũng theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng từ những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bên cạnh đó còn có sự tác động của mạng xã hội mang nội nội dung xấu, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học lấy chồng.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền pháp luật

Những con số tổng kết của một vài địa phương trên đây có thể cho thấy phần nào “bức tranh” về tảo hôn trên địa bàn các huyện miền núi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu do trình độ dân trí thấp, mức hưởng thụ văn hóa và tiến bộ xã hội của đồng bào DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn kém. Một số dân tộc vẫn chưa nhận thức được tảo hôn là hủ tục và vi phạm pháp luật do chưa có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin về tiến bộ trong hôn nhân.

Để từng bước giải quyết dứt điểm vấn đề này, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” và đã, đang được các tỉnh, thành địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao tích cực triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 cũng đã có thêm dự án về phòng, chống nạn tảo hôn. Theo đó, đến năm 2025, chương trình phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi...

“Em Vui” là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” (EMPoWR) do Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Tổ chức Plan International tại Bỉ đồng tài trợ. Dự án được triển khai tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị trong 3 năm từ 2020 đến 2023. Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ các em nam nữ thanh, thiếu niên DTTS (từ 10 đến 24 tuổi) sẽ sử dụng không gian kỹ thuật số để tìm hiểu kiến thức về mạng xã hội và các kỹ năng an toàn trực tuyến, cũng như các kiến thức về tảo hôn, mua bán người để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ…

Nhiều chương trình hành động như vậy, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp… dẫn đến hiệu quả không cao cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng tảo hôn vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tại các địa phương. Cạnh đó, sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết; các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS…

Chính vì thế việc cần làm là vận động đội ngũ già làng, trưởng các dòng họ, người có uy tín đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền pháp luật, vận động để bà con hiểu và xóa bỏ các hủ tục, bởi đây là những người có vai trò rất lớn trong cộng đồng DTTS. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; có hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu rõ quy định, vận dụng trong dòng họ.

Được biết, năm 2023 cơ quan chức năng Lào Cai sẽ biên soạn “Sổ tay hướng dẫn hỏi – đáp” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gắn với bình đẳng giới, bạo lực giới... với 3 thứ tiếng Mông, Dao, Kinh nhằm nâng cao nhận thức về các hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân. Cũng trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường đưa quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa…

Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, để giảm tối đa tình trạng tảo hôn trước thì vấn đề tảo hôn cần được thường xuyên thảo luận trong cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu và gây ấn tượng mạnh. Ngoài ra, cũng cần lồng ghép nội dung chống tảo hôn vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng; tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa.

Những số liệu do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam vào năm 2018 cho thấy, gần 70% trẻ em DTTS không được trang bị kiến thức về tảo hôn. Điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê cũng thể hiện những con số đáng báo động khi khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 27,5%; tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc 24,6%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 22,4%. Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống, tỷ lệ tảo hôn cũng ghi nhận ở mức 7,8%.

Đọc thêm