Đời còn gì vui hơn khi được hy sinh cho Tổ quốc

(PLO) - Gần 40 năm hoạt động cách mạng, 6 năm bị địch giam cầm trong khám Chí Hòa, 3 năm bị tù đầy ngoài chuồng cọp Côn Đảo, 25 năm thầm lặng làm việc nghĩa… đó là “lý lịch” đầy đau thương nhưng không kém phần kiêu hãnh của nữ cựu tù Côn Đảo. Đi gần hết cuộc đời, bà hiểu rằng, cuộc đời đẹp nhất không gì bằng hi sinh cho Tổ quốc. Trong thời bình niềm vui nhất là được làm việc nghĩa, việc phúc. Nữ cựu tù Côn Đảo ấy là Lê Thị Tâm ở phường 4, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.
Nữ cựu tù Côn Đảo Lê Thị Tâm chia sẻ những kỷ niệm với phóng viên.
Nữ cựu tù Côn Đảo Lê Thị Tâm chia sẻ những kỷ niệm với phóng viên.

Mãi kiêu hãnh một thời hoa nữ 

Để có những thông tin chính xác về nữ cựu tù Côn Đảo Lê Thị Tâm, tôi vượt hơn 100 km từ Vũng Tàu đến quận Phú Nhuận TP Hồ Chí Minh để gặp bà. Trời nắng như đổ lửa, từ bến xe Miền Đông, người xe ôm chở tôi vòng vèo vào những con phố nhỏ. 

Sau gần một tiếng hỏi thăm, cuối cùng tôi cũng đến được địa chỉ số 7/11 Lê Tự Tài quận Phú Nhuận. Căn nhà của bà Tâm khiêm nhường nằm cạnh chung cư cao tầng. Đối diện với bộ bàn ghế sa-lon cũ là cái tủ kiếng nhỏ- nơi bà Tâm để hàng trăm tấm bằng khen, giấy khen, vật lưu niệm. 

Bà Tâm cầm hai tập hồ sơ từ tủ kiếng đưa cho tôi nói: “Cuộc đời dì là cuốn tài liệu này. Trong đó là tất cả đau thương và những ngày chiến đấu kiên cường của người cộng sản”. 

Nước mắt bà Tâm rưng rưng nhìn vào tấm ảnh đen trắng, đó là ngày bà từ tù Côn Đảo trở về ngày đất nước thống nhất 30/4/1975. Giữa năm 1966 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang ở giai đoạn quyết liệt nhất. 

Cũng như bao thanh niên yêu nước thời đó, cô thôn nữ miền đất Phú Yên nhỏ nhắn gia nhập đội quân Biệt động Sài Gòn và được coi là nữ cộng sản nổi tiếng “lỳ” với cực hình tra tấn của quân thù. 

Mùa thu năm 1966, khi đó bà Tâm có nhiệm vụ truyền tin bí mật từ nội đô sang vùng ngoại tuyến; móc nối liên lạc từ sở chỉ huy tiền phương với vùng Đô Thành Sài Gòn; nắm tình hình nội bộ ngụy quyền. 

Bà Tâm luôn trân trọng lưu giữ những tư liệu thời hoạt động cách mạng.

Bà Tâm luôn trân trọng lưu giữ những tư liệu thời hoạt động cách mạng.

Trong một lần đưa thư mật từ vùng ngoại tuyến về đô thành, bà bị địch bắt. Chúng đưa bà lên xe taxi giải về đồn tra tấn. Lúc ngồi trên xe, bà hỏi hai tên lính ngụy: “Tui có làm gì đâu mà các ông bắt tui”? “Có người nói bà ăn cắp vải”- bọn chúng trả lời. Lúc đó, tui không sợ nó đánh, mà lo nhất là làm sao thủ tiêu được lá thư bí mật đang dấu trong áo ngực. Tui giả vờ gãi đầu gãi tai cho lá thư rơi ra ngoài. Lợi dụng lúc hai tên lính ngụy không chú ý, tui dùng chân đạp lên lá thư rồi miết nó vào gầm ghế taxi. 

Khi chúng đưa bà vào điều tra xét hỏi, một tên lính hỏi tui “mày muốn gì”? thư đâu, đưa ra ngay. Tôi trả lời “các ông hỏi thư gì? Tui đi chợ về nấu ăn cho gia đình tui chứ thư từ gì chớ”. Sau đó chúng lột hết quần áo tui nhưng không tìm thấy lá thư mật. Một tên lệnh tìm lại xe taxi đã chở tui. Chúng báo động, lùng sục các tuyến đường phố tìm xe taxi nhưng không tìm được. Chiếc xe đó đã chạy xa ra ngoại thành” - bà Đào hồi tưởng lại. 

Không khai thác được gì từ bà Tâm, chúng giam vào khám Chí Hòa. Trong suốt thời gian này, bà chịu nhiều cực hình tra tấn tàn khốc của Ngụy, nhưng một mực không hé răng. Trong tù, bà vẫn bí mật hoạt động với lực lượng cách mạng bên ngoài. 

Cuối năm 1968, tòa án chế độ Ngụy quyền Sài Gòn đem bà ra xét xử tại bến Bạch Đằng để trả tự do cho bà vì không đủ chứng cứ buộc tội. Trước khi xử, chúng yêu cầu bà chào cờ Mỹ. Bà nói, “Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi chỉ chào cờ Tổ quốc tôi, đó là cờ đỏ sao vàng Việt Nam”. Như để lấy cớ buộc tội lần nữa, chúng bắt bà và đem về nhà tù Thủ Đức, sau đó đem ra Côn Đảo giam cầm. 

Từ cuối năm 1968 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà bị đầy đi Côn Đảo 3 lần. Bà không còn nhớ lính Mỹ tra tấn bao nhiêu lần, song những lần chỉ huy đồng đội trong tù đấu tranh tuyệt thực, chống lại chế độ hà khắc nhà tù thì không bao giờ quên. 

“Lúc tui bị bắt lần cuối ở Bến Tre trên đường đi hoạt động cách mạng, hai thằng Mỹ hỏi: “Nếu không nhầm, cô đã qua một lớp đào tạo tình báo Việt Cộng? Tôi trả lời “mày nói đúng, tao là Công an”, bà Tâm kể lại. Bà Tâm nhìn vào cuốn al-bum lưu giữ nhiều hình ảnh bà lúc thời con gái. 

Dừng lại trước tấm ảnh ngày bà mới từ Côn Đảo trở về, bà nói: “Tấm ảnh này tui chụp năm 1975. Lúc đó mới từ tù Côn Đảo về. Đời làm cách mạng không gì đẹp đẽ bằng cống hiến hi sinh cho Tổ quốc”.

Cuộc hành trình đầy tình nhân ái

Sau gần 40 năm làm cách mạng, năm 1990 bà Tâm trở về với cuộc sống đời thường. Thay vì nghỉ ngơi bên con cháu, thì bà lại bắt đầu một hành trình mới. 

Cuộc hành trình không có bom đạn nhưng không kém phần gian lao vất vả. Đó là đi tìm những mảnh đời bất hạnh, mồ côi, những người bần hàn nghèo khó để cứu giúp. 

Nhiều người cũng đi làm từ thiện, nhưng họ có nguồn vận động từ mạnh thường quân tài trợ, còn bà tự bỏ tiền túi ra mua lương thực, đồ dùng cá nhân, thuê xe hành quân đến với những người nghèo khổ. 

Bà Tâm (ngoài cùng bên phải) tặng quà cho bà Phan Thị Cháu, là mẹ của liệt sĩ DK1 Lê Đức Hồng.

Bà Tâm (ngoài cùng bên phải) tặng quà cho bà Phan Thị Cháu, là mẹ của liệt sĩ DK1 Lê Đức Hồng.

Hẳn nhiều người sẽ “sốc” khi nghe chuyện một bà già bán hẳn căn biệt thự lớn sang trọng của mình với giá 146 cây vàng để mua 14 tấn gạo gửi ra miền Trung giúp đồng bào bị lũ lụt trong trận lụt lịch sử năm 1999. 

Bà Tâm kể, 17 năm trước, cơn lũ lịch sử tràn vào miền Trung bắt đầu vào đêm 1/11/1999 suốt một tuần lễ. Cả miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) chìm trong biển nước, ác liệt nhất là Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Trận lũ lụt lịch sử làm ngập trắng 10 tỉnh, thành miền Trung, 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Lúc đó bà Mười đang ở căn biệt thự mà nhà nước xây cho bà ở số 78 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận. 

Trăn trở trước nỗi đau nhà bị lũ cuốn trôi, cảnh đói khát của người dân miền Trung, bà đã bàn với con gái bán căn biệt thự ấy mua gạo đi cứu trợ. Nghe tin bà Tâm bán nhà mua gạo cứu trợ đồng bào miền Trung, nhiều người sửng sốt. Có người đến nói thẳng với bà: “Bà khùng hay sao. Bán nhà lấy chi ở. Hỗ trợ cũng vừa thôi chớ?”. 

Bà bảo: “Tui không khùng. Nhà của Đảng, Nhà nước cấp cho tôi, giờ đồng bào mình đói khát, lũ lụt, tui bán giúp đồng bào cũng là trả lại cho Đảng cho dân”. 

Căn biệt thự sang trọng, bà bán được 146 cây vàng mua 14 tấn gạo. Bà nhờ Mặt trận Tổ quốc phường thuê xe, chở gạo cho đồng bào tỉnh Thừa Thiên Huế 2 tấn, Quảng Nam hai tấn, Quảng Ngãi hai tấn, Bình Định 2 tấn, 21 mẹ Việt Nam Anh hùng của miền Trung cũng được bà tặng mỗi người 500.000 đồng và 50 kg gạo. Đồng đội cũ, bà tặng mỗi người một chỉ vàng.“Lúc đó nhiều người bảo, sao bà không hỗ trợ cho Phú Yên, quê hương của bà? Tôi bảo có chớ. Phú Yên bị lũ lụt ít thì hỗ trợ ít thôi”, bà chia sẻ. 

Ngày vĩnh biệt căn biệt thự đã gắn bó với bà bao kỷ niệm vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống, bà ngậm ngùi rơi nước mắt. Nhưng nỗi đau mất nhà, đói khát của đồng bào miền Trung luôn thúc giục trái tim bà. Số tiền còn lại, bà mua căn nhà nhỏ cùng chung ngõ ra vào ở số 7/11 Lê Tự Tài, phường 4, quận Phú Nhuận hiện nay. Trong căn nhà nhỏ này mọi vật dụng bình dị như tấm lòng người cộng sản. Khu bếp nấu chật hẹp, bộ bàn ghế cũ kỹ vượt quá tuổi thọ thời gian, phòng tắm nhiều vết nứt chưa một lần sơn sửa lại. 

“Ở thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều gia đình điều kiện sinh hoạt còn chật chội, chỗ ở còn khó khăn hơn mình. Thời lửa đạn, ở dưới hầm hào chật chội, bây giờ được thế này là khá lắm rồi. Còn nhiều người nghèo khổ lắm, giúp họ bớt khó khăn là tui vui. Cuộc hành trình làm việc nghĩa của tui không có tiếng súng tiếng bom, tuy nhọc nhằn, nhưng cũng đầy niềm vui kiêu hãnh. Nhiều người nói tui khùng, kệ họ. Tui vẫn làm, đó là tấm lòng tự nguyện của tui”, bà Tâm chia sẻ.

Nghĩa cử Gạc Ma

Tấm lòng nhân ái của bà Tâm không chỉ dừng lại ở việc tặng quà, cưu mang cho những mảnh đời bất hạnh, người nghèo ở thành phố, khu phố nơi bà đang ở, mà lan tỏa tới tận vùng sâu vùng xa. Ngay sau khi đọc bài “Lớp học giữa rừng già”, trên một tờ báo, bà đã liên lạc với phóng viên để mua sách, bút, đồ dùng học tập tặng các các em học sinh và thầy cô giáo ở Trường Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Số tiền 20 triệu đồng đối với người giàu có chỉ là một bữa nhậu sang sang, nhưng đối với bà là hơn hai tháng lương hưu trí tích cóp. 

Nhưng cao cả hơn, đồng tiền của bà đã giúp các em học sinh ở “lớp học giữa rừng già” vơi bớt khó khăn, thực sự là nguồn cỗ vũ động viên vô bờ để 6 thầy cô giáo ở trường này vơi bớt khó khăn gian và tiếp tục bám bản làng gieo chữ. Không chỉ là phần quà, đồng tiền giúp những mảnh đời bất hạnh, những em học sinh nơi miền cao nguyên nghèo khó, mà xa hơn là nghĩa cử đối với thân nhân liệt sĩ Gạc Ma. 

Bắt đầu từ ngày 14/3/2008, bà Tâm thực hiện nuôi heo đất. Mỗi tháng lĩnh lương hưu, bà để một nửa tiền cho sinh hoạt hàng ngày, nửa còn lại bà bỏ ống heo. “Sau hơn 8 năm bỏ ống heo, số tiền tiết kiệm đủ để giúp 64 thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma. 

Bà Tâm cho biết, ngày 27/7 tới đây, bà sẽ đến dự khánh thành Tượng đài liệt sĩ Gạc Ma, và trực tiếp tặng quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ. “Ngày đó, dì sẽ đến Khánh Hòa. Dì sẽ thắp lên tượng đài Gạc Ma một nén hương viếng các linh hồn liệt sĩ. Trong thời chiến, kẻ thù là đế quốc, trong thời bình, kẻ thù là bành trướng. Dì tự hào là công dân của một dân tộc anh hùng”.

Đọc thêm