Gặp "Yết Kiêu" đánh tàu địch năm xưa

(PLO) - Dù đã qua rồi một thời hoa lửa và đã “gác kiếm” về với đời thường nhưng trận đánh tàu địch trên sông Cửa Việt, Đông Hà, Quảng Trị thì không thể mờ phai. Trận đánh tàu địch ngày ấy đã làm nên diện mạo của một “Đội rái biển đặc biệt”, khẳng định chiến lược tác chiến độc đáo đánh địch trên chiến trường sông biển của Hải quân Việt Nam, mà ông là “Yết Kiêu” gan dạ kiên cường.
Chiến sĩ đặc công nước luyện tập đổ bộ đường biển.
Chiến sĩ đặc công nước luyện tập đổ bộ đường biển.

“Yết Kiêu” đánh tàu địch năm xưa ấy là Đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng Chính trị Lữ đoàn 171 - một nhân chứng sống về trận đánh tàu lịch sử, một niềm tự hào của thế hệ cán bộ chiến sĩ Đặc công Hải quân ngày nay.

Giọt nước mắt ở hai miền lịch sử

Một chiều đầu tháng tư, chúng tôi đến nhà Đại tá Hoàng Kim Nông để nghe ông kể về chuyện đánh tàu địch trên sông Cửa Việt, Đông Hà, Quảng Trị năm 1969. Căn nhà vị Đại tá về hưu khá khiêm nhường trên đường Mê Linh, quận Bình Thạnh ,TP Hồ Chí Minh. Người lính trận mạc  ngày nào giờ đã tuổi cao, nhưng tinh thần thì vẫn hừng hực khí thế và bản lĩnh người lính biển: “50 năm qua, trận đánh tàu địch ở Cửa Việt Đông Hà Quảng Trị tôi vẫn còn nhớ mãi. Trong trận chiến đầu tiên ấy, Đặc công Hải quân là những cảm tử ôm bộc phá lặn dưới biển đánh tàu địch. Tuy thắng lợi vang dội nhưng nhiều đồng đội vĩnh viễn nằm lại biển khơi”. Ông Nông xúc động nói với chúng tôi như thế. Câu chuyện ôm bộc phá lặn sâu trong lòng biển đánh tàu địch ông Nông kể lại trong trào dâng xúc động.

Ngày 20 tháng 2 năm 1969, ông và chiến sĩ Nguyễn Văn Nhượng được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt tàu vận tải quân sự tại Cửa Việt, Quảng Trị. Ngày ấy, Cửa Việt có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ví như “cuống họng” tiếp nhận, lưu trữ vũ khí trang bị của địch sau khi chúng chuyển từ biển vào. Để bảo vệ cái “cuống họng” này, trên bờ, địch rải hơn 1.000 lính tuần tra, bố phòng, canh gác cẩn mật. Xung quanh phía ngoài, địch rào 3 hàng thép gai điện tử Mắc - Na – ma - ra.

Chiến sĩ Hoàng Kim Nông (người chỉ tay) trong một trận đánh tàu địch ở Cửa Việt, Quảng Trị. Ảnh tư liệu.

Chiến sĩ Hoàng Kim Nông (người chỉ tay) trong một trận đánh tàu địch ở Cửa Việt, Quảng Trị.  Ảnh tư liệu.

Dưới sông, địch dùng tàu tuần tiễu sục sạo, ném lựu đạn, bắn xả, ngăn chặn hòng không cho người nhái của ta tiếp cận tàu địch. “Khi được cấp trên giao nhiệm vụ, tôi xác định quyết tâm đánh địch dù phải hi sinh. Nhưng bằng cách nào để tiếp cận được tàu địch, trong khi chúng canh gác cẩn mật. Nếu thoát được ba vòng thép gai điện tử thì cũng chết vì lựu đạn thả rông của địch dưới biển. Lúc đó, tôi nghĩ đánh tàu địch là cảm tử, nhưng không hề run sợ”, Đại tá Nông hồi tưởng lại.

Đêm 20/2/1969 biển Cửa Việt tối đen như mực, trời rét căm căm, nước buốt như kim châm, Nông và Nhượng bí mật ngụy trang thành “chiến sĩ cỏ” luồn qua ổ phục kích địch và ba lớp hàng rào, áp sát bờ sông Thạch Hãn. Từ màn đêm, thấy tàu địch rõ mồn một. Quanh tàu, địch không ngừng ném lựu đạn xuống nước để ngăn chặn người nhái bám vào. Quan sát thấy địch chỉ ném lựu đạn mạn tàu phía ngoài, còn mạn tàu phía trong cảng chúng không để ý. Không chần chừ, Nông nói với Nhượng: “Bơi vòng, tiếp cận mục tiêu”. Khi cả hai bí mật bơi ra giữa sông thì một làn đạn từ phía tàu địch bắn xối xả. Nhượng bị thương vào chân không bơi được nữa. 

Ông Nông mắt rưng rưng: “Khi Nhượng bị thương, không còn cách nào khác, tôi quyết định dùng dây buộc anh vào người tôi cùng với hai quả mìn rồi rướn mình bơi tiếp. Khi bơi vào gầm cảng, tôi thì thầm bảo: Anh chờ em ở đây bám lấy trụ cầu, để em vào đánh. Đánh xong em quay ra đón anh bơi về. Nhượng đồng ý chờ tôi ở gầm cảng. Tôi bí mật bơi ra một đoạn để xác định đặt mìn tàu nào to nhất. Một dãy tàu địch nằm sát nhau. Từ dưới nước, nghe cả tiếng gót giày địch và lính canh trên tàu. Lấy hơi, tôi lặn sâu xuống nước áp sát mạn tàu địch, rồi cài mìn hẹn giờ mỗi tàu hai quả. Xong xuôi, tôi bơi ngược lại gầm cảng đón Nhượng.

Anh hùng LLVT Hoàng Kim Nông kể chuyện chiến công đầu tiên của Đặc Công Hải quân trong hội thảo “Sách lịch sử Lữ đoàn 171”.

Anh hùng LLVT Hoàng Kim Nông kể chuyện chiến công đầu tiên của Đặc Công Hải quân trong hội thảo “Sách lịch sử Lữ đoàn 171”.

"Thấy tôi đến, anh Nhượng mừng chảy nước mắt. Tôi ôm anh ấy bảo: “anh ơi ta thắng rồi”. Tôi lại cột anh Nhượng vào người rồi bơi đi. Nhưng khi bơi ra khỏi gầm cảng một đoạn thì không thấy Nhượng đâu nữa. Ngoái lại cả một vùng màu đen kịt, biết tìm đâu bây giờ. Nhưng không thể để mất đồng đội được. Tôi bơi ngược lại tìm Nhượng trong điều kiện  vô cùng nguy hiểm. Khi tìm thấy Nhượng, tôi nghẹn lại, kêu lên “sao anh lại cởi dây ra?”.

Anh ấy cầm tay tôi: “Em về đi. Về đi. Đừng vì anh, anh không về được đâu”. Lúc ấy tôi cũng khóc. Tôi bảo: “Không được. Có chết thì cả hai cùng chết, em không thể để anh ở lại đây, phải đưa anh về”. Sau đó, tôi lại buộc Nhượng vào người rồi bơi. Khi vào đến bờ, tôi cõng anh ấy men theo cầu cảng về vị trí tập kết. Cảng vẫn im lìm. Sáng hôm sau, cấp trên thông báo hai tàu Mỹ mà tôi và anh Nhượng đặt mìn đã nổ tung. Chúng tôi ôm nhau khóc vì chiến thắng”.

 Ông Nông dừng lại, nghẹn nghẹn trong cổ họng, giọt nước mắt của người cựu chiến binh đã trải qua nhiều trận đánh hôm nay nhớ thương đồng đội xen lẫn niềm tự hào. 50 năm trước, ông khóc vì niềm vui đánh thắng tàu địch. 50 năm sau, ông khóc vì ký ức gợi lại thời trận mạc đầy kiêu hãnh. Giọt nước mắt của hai miền lịch sử chan chứa bao tình đồng đội thiêng liêng và tình yêu Tổ quốc vô bờ. “Sau trận chiến đấu ấy, tôi không nghĩ là mình còn sống. Nhiều chiến sĩ ra đi đi khi tuổi còn rất trẻ. Họ đã hi sinh để tôi được sống, để sông biển Việt Nam tươi đẹp như ngày nay”, Đại tá Nông tự hào.

Tự hào “rái biển”

Đại tá Hoàng Kim Nông không chỉ được mệnh danh là “Yết Kiêu” mà còn có cái tên khác là “rái biển” bởi ông đi biển chưa bao giờ say sóng, dù sóng to cấp 11, 12. Chính vì vậy, đầu năm 1988, thời ông giữ chức vụ Phó Lữ đoàn trưởng Chính trị Lữ đoàn 171, ông là người đầu tiên chỉ huy biên đội tàu vượt biển ra bãi cạn Phúc Tần đo dòng chảy, độ cao của sóng, nghiên cứu khí tượng thủy văn cho việc xây dựng Nhà giàn DK1 Phúc Tần sau đó.

Đại tá Hoàng Kim Nông quê ở xã Thanh Sơn - miền quê sông nước nghèo của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là cái nôi ươm mầm thể chất bơi lội, để rồi sau những ngày huấn luyện, ông trở thành “Yết Kiêu cừ khôi” trong nhiều “Yết Kiêu” ở Đoàn 126 đặc công hải quân. Sau trận đánh tàu địch tại Cửa Việt, Quảng Trị năm 1969, ngày 15/2/1970, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

 Đoàn 126 Đặc công Hải quân ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua nửa thế kỷ ra đời chiến đấu và trưởng thành, Đặc công Hải quân đã đắp xây lên truyền thống “Anh dũng mưu trí, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, chiến đấu liên tục”. Có 6 lượt tập thể và 12 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, trong đó Đội 1 được phong tặng ba lần; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng huân, huy chương các loại. Chiến công anh dũng của Đặc công Hải quân là một trong những chiến công vang dội, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến vệ quốc của dân tộc.

50 năm qua, thế hệ cán bộ chiến sĩ qua các thời kỳ luôn lấy mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo làm nhiệm vụ chính trị trọng tâm và luôn tự hào là đội quân “đặc nhiệm trên biển” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm