Đối diện với chứng rối loạn hành vi về cảm xúc ở trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trẻ con cũng phải đối diện với những căn bệnh tâm lý nghiêm trọng, hủy hoại thể xác và tinh thần trẻ. Nếu cha mẹ không chú ý sẽ ngày càng đẩy trẻ đi xa mình, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Con rối loạn cảm xúc, cha mẹ tưởng nổi loạn tuổi mới lớn

Thấy con trai 14 tuổi trở nên lầm lì, ít nói, lại hay cáu bẳn, đối đáp cộc lốc với cha mẹ, vợ chồng chị Lê Thanh Ng, ngụ đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TP HCM rất lo lắng, cho là con mình đang bị bạn bè xấu lôi kéo, trở nên bất trị. Thế là anh chị thi nhau dạy dỗ, gây áp lực cho con.

Một mặt, anh liên tục theo dõi con xem có vướng phải bạn bè xấu hay không, mặt khác, chị thường xuyên đem những bài học đạo đức để răn dạy con. Thậm chí, hai vợ chồng còn lén xem tin nhắn và các đồ vật cá nhân của con. Kết quả, con trai càng ngày càng xa lánh cha mẹ, cộc cằn, nóng nảy hơn. Đi đâu, anh chị cũng than phiền là con mình “sinh hư”. Họ hàng bà con hễ gặp cậu bé cũng thường phê phán, chỉ trích.

Cho đến khi con uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được phát hiện và cứu sống, sau khi bác sĩ thăm khám, gia đình chị mới biết con trai bị rối loạn hành vi về cảm xúc.

Có không ít trường hợp như thế, con cái mắc chứng rối loạn hành vi về cảm xúc nhưng cha mẹ, người nhà không biết nên xúm nhau dạy dỗ, chỉ trích con trẻ, khiến trẻ càng bệnh nặng thêm, càng đối diện với nhiều hiểm nguy hơn.

Trên toàn thế giới hiện nay, khoảng 20% thanh, thiếu niên mắc phải các rối loạn về hành vi và cảm xúc cần phải được điều trị.

Khi mắc các rối loạn này, trẻ em thường không tuân theo các nguyên tắc hành xử thông thường của xã hội. Rối loạn hành vi gồm 2 loại dựa trên độ tuổi khởi phát: rối loạn hành vi thể khởi phát trẻ em (trẻ dưới 10 tuổi) và rối loạn hành vi thể khởi phát tuổi thanh, thiếu niên (sau 10 tuổi).

Rối loạn hành vi về cảm xúc là bệnh lý hay gặp ở lứa tuổi vị thành niên. Tuổi bắt đầu thành niên cũng là lúc mà trẻ dễ dàng mắc các chứng về tâm lý nhất.

Có những bậc cha mẹ khổ sở vì con lúc còn nhỏ thân thiện, ngoan ngoãn, lễ phép, nghe lời cha mẹ, nhưng đến tuổi dậy thì bỗng nhiên lầm lì ít nói, thái độ bất cần, xa lánh người nhà. Có trẻ thì đang học giỏi bỗng dưng sa sút, đang là học trò ngoan bỗng trở thành học sinh cá biệt...

Thực tế, tuổi dậy thì là lứa tuổi chịu nhiều biến đổi về hình thể, tâm sinh lý phức tạp nhất của đời người, do đó dễ bị khủng hoảng nhất so với các tuổi khác. Chính vì vậy mà các hội chứng tâm lý cũng dễ xảy ra ở lứa tuổi này. Ở giai đoạn dậy thì, cơ thể các em có những thay đổi không chỉ về sinh lý mà còn cả tâm lý. Nhiều khi những sự thay đổi ấy lại khiến các em rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân và dễ mắc phải các hội chứng tiêu cực.

Về hình thể bên ngoài, khi bước vào tuổi dậy thì vẻ bề ngoài của các em có sự thay đổi rất lớn: cơ thể phát triển rất nhiều so với trước kia. Con gái ngực to ra, có kinh nguyệt; con trai vỡ tiếng, bắt đầu có ria mép... Nếu cùng lứa tuổi với nhau, em nào có trước tiên những biểu hiện dậy thì sẽ dễ bị bạn bè “hiểu lầm” và bị phân biệt đối xử. Có những em khi dậy thì mặt bị mụn bọc, mụn cám rất nhiều, nhưng không muốn ai nói hoặc chê bai về hình thức của mình. Hay sự thay đổi về chiều cao (các em cao nhanh trong giai đoạn này) cũng có khi làm các em bối rối.

Các em dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, nếu không ai giải thích điều này các em càng dễ bị sốc và hoang mang hơn... Những áp lực về tâm lý của các em nếu không có người giúp giải tỏa thì về lâu dài sẽ ngày càng đè nặng lên, khiến các em có thể bị các rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc và rối loạn tâm thần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhìn thẳng vào sự thật

Để không bị nhầm lẫn rối loạn hành vi ở trẻ với biểu hiện tâm lý biến đổi của tuổi mới lớn, cha mẹ cần có sự quan sát con kĩ lưỡng và nắm những triệu chứng cơ bản của bệnh. Theo đó, trẻ mắc bệnh rối loạn hành vi thường cư xử hung hãn với mọi người xung quanh, kể các với các đồ vật hoặc con vật. Trẻ cũng thường có hành vi nổi loạn như phá phách, trốn học, đánh nhau, hay nói dối. Nhiều trẻ khác lại cô lập bản thân, thu mình ít giao tiếp với chung quanh.

Ở trẻ nhỏ hơn, chứng này đi kèm với tăng động, giảm chú ý, không kiểm soát trong ăn uống, chán ăn hoặc ăn rất nhiều, có những hành động gây hại tới bản thân. Nhiều trẻ khác thì gặp khó khăn trong việc tiếp thu và diễn đạt thông tin, khó khăn khi tính toán, nói, viết và khó chuyện trò, giao tiếp với người khác.

Trong giai đoạn đầu, trẻ mắc bệnh sẽ có những triệu chứng điển hình như nói nhiều, đi lại nhiều, dễ bị kích động, hay cáu gắt. Ở giai đoạn ức chế, trẻ có biểu hiện trầm cảm, mệt mỏi, tự ti. Các triệu chứng của loạn hành vi về cảm xúc kéo dài tối thiểu từ 3- 6 tháng, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ chuyển biến nặng sang bệnh lý tâm thần, thậm chí có hành vi tự tử.

Nhiều bậc cha mẹ, con có những triệu chứng rõ ràng của chứng rối loạn hành vi cảm xúc, nhưng vẫn cứ khăng khăng “con không sao hết, chỉ là nổi loạn tuổi mới lớn”. Có những bậc cha mẹ thì “kì thị” căn bệnh này, không dám nhắc đến, không dám nhìn thẳng vào sự thật vì đánh đồng chứng rối loạn hành vi về cảm xúc với “bệnh tâm thần”.

Có trường hợp, một người mẹ ở Thủ Đức, TP HCM đã phải nhập viện điều trị tâm thần cùng con bởi ban đầu, người mẹ đơn thân này vì giận chồng, tạo cho con trẻ nhiều áp lực khiến con bị rối loạn hành vi cảm xúc. Thế nhưng, người mẹ không nhận ra hoặc lờ đi. Cho đến khi con bị nặng, có các dấu hiệu của tâm thần, người mẹ mới sốc nặng, stress, sau đó cũng có các dấu hiệu rối loạn tâm thần.

Chính vì thế, điều quan trọng trong việc “kéo” con ra khỏi chứng bệnh này là cha mẹ phải có những hiểu biết nhất định về bệnh, đồng thời phải chấp nhận đối diện với sự thật là con mình đã bệnh, để rồi có những phương pháp điều trị thích hợp đối với con. Các bậc cha mẹ, khi thấy con em mình có những biểu hiện tâm lý không bình thường thì không nên giấu giếm, mặc cảm về những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần của con cái mà nên đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần càng sớm càng tốt.

Các rối loạn tâm lý, hành vi, rối loạn tâm thần tuổi dậy thì tuy dễ gặp nhưng cũng có thể điều trị khỏi được nếu bệnh của các em được chẩn đoán sớm và điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần. Đồng thời cần có sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giúp cho bệnh rối loạn hành vi ở trẻ đạt kết quả tốt nhất. Bởi, rối loạn hành vi không phải là chứng bệnh chú trọng điều trị bằng thuốc men mà quan trọng là ở những liệu pháp tinh thần.

Đây là lúc các em rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của người thân trong gia đình cũng như của các thầy thuốc. Chính sự chăm sóc và điều trị sớm sẽ giúp các em nhanh chóng thoát khỏi những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng. Nếu thấy diễn biến tâm lý của con ngày càng theo chiều hướng tiêu cực hơn, cần đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý ngay để có hướng điều trị kịp thời.

Cha mẹ nên là người bạn thân nhất của con. Khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy...

Cạnh đó, thường xuyên tâm sự, sẻ chia với con, từ từ tháo gỡ những vướng mắc trong tâm lý của con trẻ, tạo cho con trẻ niềm tin để có thể mở lòng với cha mẹ, để phá vỡ “bức tường” trong tâm trí ngăn cách giữa con với gia đình. Đó là những bước đi đầu tiên và cần thiết trong quá trình giúp trẻ chữa lành.

Đọc thêm