Đội đột kích Commandos phá kế hoạch sản xuất bom nguyên tử của Đức

(PLO) -Sau khi mặt trận thứ hai được mở ra tại châu Âu, nước Đức phát xít lâm vào thế yếu, phải chống đỡ khó khăn trước sự tấn công của phe Đồng minh, nhưng Hitler không từ bỏ tham vọng điên cuồng...
 
Đội đột kích Commandos phá kế hoạch sản xuất bom nguyên tử của Đức

Hắn tập trung nhân tài, vật lực, huy động các nhà khoa học hàng đầu của nước Đức, khẩn trương tiến hành công việc nghiên cứu, chế tạo loại vũ khí nguyên tử, có sức công phá huỷ diệt lớn, với cuồng vọng sử dụng những vũ khí giết người đó để cứu vãn tình thế.

Kế hoạch “Hành động thần ưng”

Từ nhiều nguồn tin tình báo, Anh và các nước đồng minh xác định, nếu những vũ khí đó của Hitler được nghiên cứu, chế tạo thành công và sử dụng trên chiến trường thì cục diện của chiến tranh chắc chắn đã xoay chuyển sang chiều hướng khác, có lợi cho Đức. Cũng qua tin tức, họ xác định, nước nặng là nguyên liệu không thể thiếu để chế tạo bom nguyên tử, được tinh luyện từ nước bình thường có chứa những khoáng chất đặc biệt. Trên thế giới lúc này chỉ có nhà máy điện khí hoá Norsken tại Na Uy có thể hoàn thành công đoạn này.

Nhà máy Norsken cách Oslo (Na Uy) khoảng 100km về phía Tây, nằm lọt trong các dãy núi hiểm trở. Nơi đó có toà nhà bê tông cốt thép và xưởng điện giải nước được xây dựng kiên cố trên vách núi cao 300m, các con đường tiếp cận khu vực này đều được bố trí lực lượng canh gác.

Nếu cho máy bay ném bom đánh phá vào nhà máy này, những thiệt hại gây ra cho dân thường quanh khu vực đó sẽ lớn hơn cả mục tiêu bị phá hoại. Căn cứ vào tình hình đó, muốn phá huỷ nhà máy này, chỉ còn cách sử dụng một nhóm tập kích đặc biệt, kết hợp với tổ chức phong trào kháng chiến Na Uy, bí mật tấn công bất ngờ vào khu vực đó. Cuối cùng, nhiệm vụ phá huỷ nhà máy nước nặng này đã được giao cho lực lượng “Commandos”. Bộ tổng tham mưu quân đội Hoàng gia Anh đã vạch một kế hoạch tập kích với mật danh “hành động thần ưng”.

Đêm khuya 14/12/1943, một máy bay ném bom tầm xa nhằm hướng Na Uy tiến tới ở độ cao gần 10km. Trên máy bay, có 6 lính “Commandos” của Anh, trong số họ hai người mang quân phục Đức, hai người mặc quần áo công nhân Na Uy, hai người cải trang thành học sinh Na Uy. Họ mang theo súng ngắn giảm thanh, mìn hẹn giờ, thiết bị leo núi và các trang bị đặc biệt khác và người chỉ huy là Đội trưởng là William Keli. Họ chính là “đội thần ưng” đang trên đường đến mục tiêu.

Khi bay đến khu vực định trước, chỉ thấy 6 chấm đen nhảy dù xuống mặt băng của hồ Sculika. Sau khi chạm đất, họ nhanh chóng vây lại xung quanh người đội trưởng, lấy bản đồ và địa bàn ra tìm phương hướng. Tiếp đó, họ cất giấu dù, rồi xuất phát theo hướng đã định, đến khu rừng nguyên sinh băng giá. Cánh rừng này có chiều rộng 40km, sâu khoảng 25km, tuyết phủ ngập đến đầu gối, trên các cành cây là các khối băng to hơn cả cánh tay. Hai người lính đi trước dùng rìu mở đường, những người còn lại bám theo. Khoảng 2 giờ chiều họ mới thoát ra khỏi khu rừng băng giá.

Tối hôm đó, trong nhà hát kịch của Norsken, họ đã bắt liên lạc được với nhân viên tình báo bí mật của Na Uy. Hôm sau, họ có mặt ở khu vực gần nhà máy, bắt đầu tiến hành trinh sát. Họ đã nhanh chóng nắm bắt được hoạt động của nhà máy. Xưởng tinh luyện nước nặng trong công sự dưới núi được nối với nhà máy đặt trên mặt đất bằng đường hầm dài 500m. Đường ấy chứa dây cáp điện chạy dọc từ nhà máy đến xưởng trong núi. Bên phải của xưởng là bể nước, bên trái là các hệ thống ống dẫn nước, ở giữa là chiếc máy tinh chế nước nặng; phía chính diện là bàn điều khiển, ở 4 góc có 4 lính Đức bảo vệ. Xưởng tinh chế cần sử dụng mùn cưa, hàng tuần xe tải sẽ chở đến vào thứ bảy.

Vũ khí của đặc nhiệm “Commandos”.
Vũ khí của đặc nhiệm “Commandos”.

Thọc sâu, đột phá

Ngày 17/2/1943, trên con đường núi dẫn đến khu xưởng, một chiếc xe tải quân sự Đức chở đầy mùn cưa chạy tới. Khi xe đi gần đến một vòng cua, thì từ phía trước có hai lính Đức xuất hiện giơ tay ra hiệu dừng xe. Xe dừng lại, hai lính Đức nhảy lên hai bên bậc cửa nói với người trong buồng lái “Xin dừng lại một… “chữ “lát” còn chưa nói hết, mấy viên đạn đã xuyên ngực tên lái xe và viên sĩ quan Đức đi kèm. Hai “lính Đức” vừa nói chính là hai thành viên trong “Đội Thần ưng” cải trang.

Mãi đến lúc trời tối, chiếc xe tải chở mùn cưa mới từ từ đi tới. Lính gác ra hiệu dừng xe, cất giọng hỏi: “Tại sao bây giờ mới tới?” “Xe bị hỏng dọc đường, nếu không đã đến từ sớm rồi”. Lái xe hạ cửa kính xuống đáp lại. Lính gác nhìn vào trong buồng lái, phẩy tay cho qua. Chiếc xe lọt qua cổng và nhằm thẳng hưởng cửa đường hầm chạy tới. “Ê, mùn cưa đổ xuống đằng kia chứ, cho xe đến đây làm gì?” - Hai tên lính gác cửa đường hầm lên giọng quát. “Hôm nay cho đổ trực tiếp xuống cửa hầm”, viên sĩ quan đi theo áp tải trả lời. Chỉ thấy cánh tay của viên sĩ quan nọ chìa ra khỏi buồng lái. “Bụp, bụp” hai phát đạn súng giảm thanh bắn ra, hai lính gác gục xuống. Trong nháy mắt, cổng đường hầm lại xuất hiện hai “lính gác” mới.

Họ bất ngờ nổ súng tiêu diệt số lính gác trong đường hầm và 4 tên lính trong xưởng máy. Nhưng lính gác thứ 4 khá nhanh trí, khi bị trúng đạn ngã xuống chân phải hắn còn kịp dẫm lên một nút báo động. Tiếng còi báo động rú vang khắp khu xưởng. Đội truởng Keli lập tức hạ lệnh: “Nhanh, đặc thuốc nổ ngay!” Các lính đặc nhiệm nhanh nhẹn đặt các quả mìn hẹn giờ có sức công phá mạnh vào máy tinh chế, bàn điểu khiển, bể nước.

Đại đội bảo vệ của Đức bị tiếng còi báo động đánh động, chúng nhanh chóng nhận vũ khí, không đầy 20 phút sau toàn bộ lực lượng bảo vệ đã tập trung bên ngoài và nhanh chóng xông vào đường hầm.

Sau khi đặt mìn xong, “Đội thần ưng” lập tức nhảy lên xe tải chở mùn cưa chạy về phía cửa. Khi xe còn cách cửa khoảng 40m, bỗng từ trong hai chiếc lô cốt bên đường bay ra hai quả lựu đạn nổ “ầm, ầm”. Chiếc xe tải bị nổ bánh trước. Tiếp đó, hai luồng lửa vọt ra từ hai miệng lô cốt. Đội đặc nhiệm chóng rời khỏi xe, vừa tránh được hoả lực từ hai lô cốt, lánh vào cửa hướng bắc của một toà nhà hai tầng, làm điểm tựa chống lại quân Đức cách đó khoảng 50m. Nhưng sau đó bị lực lượng địch với khoảng 150 tên dồn vào trong phòng. Tại đây, cuộc chiến giữa đặc nhiệm Anh và quân Đức trở lên quyết liệt. Sau khi hạ khoảng 30 đến 40 tên Đức, đội đặc nhiệm Anh rút lên hai để thoát ra ngoài.

Quân Đức ấn nút phóng hoả bảo vệ tầng 2, khiến lửa phun, khói bốc dày đặc. Đặc nhiệm Anh nhanh chóng chụp mặt nạ chống cháy và các thiết bị phòng hộ rồi cơ động vượt qua biển lửa, vọt sang toà nhà bên cạnh. Quần áo và mặt nạ họ mang trên người làm bằng vải tự động hạ nhiệt, có thể chịu được ngọn lửa đốt liên tục trong 3 đến 5 giây. Các chiến sĩ leo lên sân thượng toà nhà số 2, rồi tiếp tục chuyển sang toà nhà số 3 và 4. Khi đang chuẩn bị nhảy sang sân thượng toà nhà số 5 thì họ phát hiện 4 đến 5 tên Đức đang trèo lên. Họ phi dao tiêu diệt những tên này. tên lính Đức rơi xuống dưới.

Đội đặc nhiệm Anh nhảy sang sân thượng toà nhà số 6 rồi xuống tầng 2. Họ tiếp cận tường rào cách đó 2m, cao 3m rồi yểm hộ nhau xuống đất và chạy nhanh về phía hướng núi. Khi đã thoát ra khoảng 100m, thì ba chiếc mô tô ba bánh đuổi theo.

Đội trưởng Keli ra hiệu cho các chiến sĩ nhanh chóng nằm xuống vệ đường, khi xe còn cách 40 đến 50 mét, chỉ nghe “Chíu, chíu, chíu…” 6 tiếng súng giảm thanh vang lên, 9 tên lính Đức bị hạ gục, mấy chiếc xe mất tay lái đâm vào vệ cỏ bên đường, trong đó có một chiếc đâm vào gốc cây lớn cạnh đó. Lúc này, đất dưới chân bỗng rung lên, tiếp đó từ phía nhà máy vang lên hàng loạt tiếng nổ dây chuyền. “Thành công rồi! Thành công rồi!”, một người xúc động giơ cả hai tay reo vang.

“Rút!”, đội trưởng ra lệnh, họ hanh chóng nhảy lên xe mô tô, chạy như bay trên con đường núi về phía đông. Qua hàng loạt những diễn biến phức tạp nữa, 3 ngày sau, 6 thành viên của “Đội thần ưng” quay về được nước Anh an toàn.

Đọc thêm