Đổi mới cả tư duy dạy và học

(PLVN) - Hiện nay, vẫn còn một số người chỉ mới đóng khung GDTM ở chuyện cập nhật công nghệ mới trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Thực chất, cốt lõi của GDTM phải là con người mới, cách thức giáo dục hoàn toàn mới.
Hình minh họa.

Hiện, rất nhiều ngôi trường hiện nay, về tài chính, vật chất có thể trang bị cho mình những thiết bị hiện đại nhất, nhưng vấn đề nan giải là những người làm giáo dục có tư duy mới, theo kịp với công nghệ vẫn chưa có.

Thực tế, sự thiếu cập nhật xu thế giáo dục không chỉ là tình trạng của riêng Việt Nam mà còn của nhiều nước trong khu vực. Theo quan niệm của giáo dục truyền thống, việc truyền tải kiến thức được coi là trọng yếu.

Giáo viên là người đứng ở vị trí trung tâm của việc giảng dạy. Giáo viên sẽ là người cung cấp, học sinh, sinh viên là những người thụ động hấp thu kiến thức. Cách làm ấy đã có hàng trăm năm nay mà chưa hề thay đổi.

Về mặt cơ sở vật chất, có thể thấy quan niệm chung của nhiều người về cơ sở vật chất giáo dục vẫn là làm giảng đường quy mô mới là hiện đại. Tuy nhiên, giờ đây, giáo dục trong nước đang đứng trước một thách thức, đòi hỏi thay đổi toàn diện.

Theo sự chia sẻ của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tại Mỹ, hiện gần 70% các em sinh viên đại học tự học trên hệ thống quản lý học tập trên mạng của trường, học và tham khảo online là chính. Xu thế của giáo dục quốc tế đang hướng đến việc tự học, hướng đến lớp học đảo ngược, lớp học mở rộng, nghĩa là không cố định địa điểm học tập, có thể học và kết nối giữa thầy và trò - kết nối học tập làm việc nhóm giữa các sinh viên dù ở bất cứ nơi đâu.

Theo phân tích của PGS Dũng, giờ đây cần hiểu rằng giảng viên không còn là “người dạy” nữa mà là “người hướng dẫn”. Việc học nên hướng đến khuyến khích tự tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn, khi đến lớp giáo viên sẽ hướng dẫn áp dụng kiến thức ấy vào công việc cụ thể thực tế như thế nào.

Bên cạnh đó, cách thức bố trí lớp học hiện đại không còn là kiểu bố trí dãy dài, có bảng bên trên phân biệt sinh viên và giảng viên mà cần là lớp học dạng nhỏ, bố trí cho sinh viên ngồi quây thành nhóm để phát huy tinh thần làm việc nhóm. Quan trọng là những thiết bị hiện đại phục vụ học tập như màn hình led lớn để kết nối máy tính hoặc smart phone để học, wifi phải mạnh để tải tài liệu từ trên mạng…

Cũng theo cách giáo dục đổi mới, giáo viên sẽ được “giải phóng” khỏi việc gắn bó với bục giảng, thay vào đó cần là những người thực hành giỏi ngoài xã hội, không cần đến trường nhiều mà phải thường xuyên giao tiếp với học sinh bằng mọi phương tiện hiện đại.

Hiện nay, việc xây dựng nhiều trường học trên các đô thị vẫn còn kiểu tư duy “hoành tráng” truyền thống, cũng như tiêu chí giáo viên vẫn như trước. Và nếu cái cốt lõi là con người, là tư duy chưa thay đổi thì khó đạt đến GDTM một cách toàn diện, hiệu quả./.

Đọc thêm