Đổi mới công tác tuyển sinh quân sự năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (26/4), Ban Tuyển sinh Quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng (BQP) đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí giới thiệu công tác TSQS năm 2024.
Tuổi trẻ Học viện Kỹ thuật Quân sự tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024. (Ảnh: Tiến Dũng).
Tuổi trẻ Học viện Kỹ thuật Quân sự tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024. (Ảnh: Tiến Dũng).

Tăng 900 chỉ tiêu so với 2023

Năm 2023, 17 trường quân đội tuyển gần 4.400 chỉ tiêu. Trường Sĩ quan Lục quân 1 là đơn vị tuyển sinh nhiều nhất (494 chỉ tiêu), kế đến là Học viện Kỹ thuật Quân sự (458). Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 là 5.212, tăng 900 chỉ tiêu so với 2023.

Năm 2023, điểm chuẩn vào 17 trường quân đội dao động 16,25 - 27,97. Một số ngành có điểm chuẩn trúng tuyển xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức cao như: Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (Học viện Khoa học quân sự) 27,97 điểm (thí sinh nữ); ngành Luật học (Học viện Biên phòng) 27,47 điểm (tuyển thí sinh miền Bắc); ngành Biên phòng 26,99 điểm (tổ hợp C00, thí sinh miền Bắc). Học viện Hậu cần lấy 26,01 điểm (thí sinh nữ miền Bắc) và 25,6 điểm (thí sinh nữ miền Nam)…

Năm 2024, các trường quân đội sử dụng 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ THPT, xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, Phó Ban TSQS BQP cho biết, năm 2024, BQP bổ sung thêm hai phương thức xét tuyển mới. Đó là phương thức xét tuyển từ học bạ THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Với phương thức này, xét tuyển thí sinh có kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (miền Bắc) từ 75 điểm trở lên; ĐH Quốc gia TP HCM từ 600 điểm trở lên. Phương thức này chiếm không quá 20% chỉ tiêu.

Với xét tuyển học bạ THPT dành cho thí sinh có điểm tổng kết chung từng năm học đạt từ 7 điểm trở lên và điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt 7,5 điểm trở lên. Phương thức này chiếm không quá 10% chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, thí sinh có thể đổi tổ hợp xét tuyển giữa các trường thuộc cùng một nhóm. Có hai nhóm trường được điều chỉnh nguyện vọng với nhóm 1 gồm các học viện về sĩ quan chỉ huy tham mưu, hậu cần, gồm: Học viện Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan gồm: Trường Sĩ quan Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh. Nhóm 2 gồm các trường sĩ quan chuyên môn kỹ thuật gồm Học viện Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự.

Năm nay khối kỹ sư của Học viện Phòng không - Không quân không tổ chức tuyển sinh.

Các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng trong cùng nhóm trường. Khi sang trường khác thí sinh được điều chỉnh tổ hợp xét tuyển với điều kiện trường đó có tuyển sinh nhóm tổ hợp đó.

Ví dụ có điểm khối tổ hợp C00, nhưng sang trường mới xét tuyển theo điểm của tổ hợp A01, thí sinh phải có điểm của tổ hợp này mới được xét tuyển. Thí sinh không được chuyển giữa hai trường khác nhóm.

Cơ hội du học khi tham gia tuyển sinh quân sự

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị phát tài liệu tư vấn TSQS tại Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: Tiến Dũng).

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị phát tài liệu tư vấn TSQS tại Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: Tiến Dũng).

Theo Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thái, Trưởng Ban Thư ký Ban TSQS BQP, quy trình xét tuyển vào trường quân đội gồm hai bước chính là sơ tuyển và xét tuyển. Thí sinh cần làm hồ sơ sơ tuyển tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi đăng ký thường trú để được sơ tuyển về chính trị, độ tuổi, sức khỏe.

Về tiêu chuẩn sức khỏe, thí sinh xét tuyển vào các trường quân đội phải đạt sức khỏe loại 1, 2. Với thí sinh mắc tật khúc xạ, sẽ chia 2 nhóm trường. Thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển mới có thể được xét tuyển vào nhóm trường quân đội theo các phương thức. Đại tá Thái lưu ý việc các trường quân đội chỉ tuyển thí sinh ở nguyện vọng 1 nên thí sinh phải đặt các trường quân đội ở nguyện vọng 1. Nguyện vọng vào những ngành, trường khác ngoài khối quân đội có thể đặt ở các nguyện vọng sau.

Hiện nay, BQP đã ban hành hướng dẫn sơ tuyển để gửi tới cơ quan quân sự các cấp và công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng với thời gian sơ tuyển bắt đầu từ 15/3 đến hết 20/5/2024.

Riêng với tuyển sinh tại Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y, căn cứ mục tiêu yêu cầu đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, hai học viện năm nay chưa áp dụng phương thức tuyển sinh bằng học bạ.

Học viện Kỹ thuật quân sự hiện đang đào tạo 16 ngành, 50 chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đại tá Nguyễn Trọng Lưu, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, năm nay Học viện tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng, xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, thí sinh còn có cơ hội đi du học. Đại tá Lưu nhấn mạnh: “Sẽ có hơn 20% chỉ tiêu được lựa chọn đi đào tạo tại các trường ĐH nước ngoài như Nga, Pháp, Séc, Đức, Nhật Bản, Hungary… và 2 chương trình đào tạo chất lượng cao hợp tác nước ngoài chuyên ngành Thông tin và An ninh hệ thống thông tin chờ đón các thí sinh có kết quả tuyển sinh cao”.

Nhiều trường quân đội khác cũng có chỉ tiêu đào tạo tại nước ngoài.

Đọc thêm