Đổi mới đào tạo nhân lực y tế: Nỗi lo kiểm soát chất lượng

(PLO) - Những năm gần đây, số lượng nhân lực y tế ở nước ta đã đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên, cùng với sự gia tăng số lượng các cơ sở đào tạo không theo quy hoạch,… đã đặt ra dấu hỏi về việc kiểm soát chất lượng đầu ra đối với một ngành đặc thù có liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. 
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đào tạo, hướng dẫn các sinh viên, học viên tại phòng mổ thực nghiệm. Ảnh Dương Ngọc

Đảm bảo số lượng, lo chất lượng

Theo thống kê nước ta có khoảng 43 cơ sở đào tạo đại học chuyên ngành y khoa (trong đó 18 cơ sở dân lập), nhờ liên tục tăng số cơ sở và tăng chỉ tiêu đào tạo, nên số lượng nhân lực y tế cũng tăng cao trong những năm qua. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trong 5 năm qua số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sỹ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên khoảng trên 8,0 năm 2017, số dược sỹ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,5 năm 2017.

Tuy nhiên, nhân lực y tế ở nước ta phân bố không đồng đều, tỷ lệ bác sĩ/ vạn dân ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cao hơn tỷ lệ cả nước, nhân lực có năng lực thực sự tập trung ở các bệnh viện tuyến trên và khu vực kinh tế - xã hội phát triển. Trong khi đó, thiếu nhân lực phù hợp ở tuyến cơ sở (70% dịch vụ được cung cấp ở tuyến cơ sở nhưng 70% phí dịch vụ được chi trả cho tuyến trên).

Mặc dù số lượng nhân lực y tế đã đáp ứng nhu cầu theo xu hướng gia tăng dân số và nhu cầu của sự phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng số lượng các cơ sở đào tạo, không theo quy hoạch, các trường ngoài công lập gia tăng số lượng và tuyển sinh còn cao hơn các trường truyền thống; tăng số lượng tuyển sinh các ngành trong khối ngành sức khoẻ với nhiều hình thức đào tạo như chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, cử tuyển, theo địa chỉ, trong khi tăng 3 yếu tố (quy mô, tuyển sinh, hình thức) dẫn tới chưa kiểm soát được đầu ra, chất lượng nguồn nhân lực y tế. Trong khi đó, nhân lực y tế ở nước ta chưa có quy định, đánh giá (thi quốc gia) về năng lực đạt được trước  khi hành nghề độc lập. 

Cùng với đó, hiện nay, công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Mạng lưới các cơ sở đào tạo và số lượng các cơ sở đào tạo tăng nhanh, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn với sự tham gia đào tạo nhân lực y tế của các trường đa ngành. Quy mô đào tạo tăng nhanh, nhưng các tiêu chí chuyên môn để mở ngành ở các trường đa ngành, đặc biệt là trình độ trung cấp (đối với y sĩ, điều dưỡng, dược) còn chưa chặt chẽ.

Chương trình đào tạo hầu hết vẫn chưa được điều chỉnh, chủ yếu vẫn dựa trên chương trình đào tạo nặng về kiến thức lý thuyết, chưa chú trọng đúng mức đến tạo ra năng lực cần thiết cho người học đáp ứng được với nhu cầu và yêu cầu của hệ thống y tế.

Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển hơn, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao.

Tiến tới thành lập Hội đồng y khoa quốc gia

Trước những thách thức đó, đòi hỏi công tác quản lý đào tạo nguồn nhân lực y tế cần phải có những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài để tập trung thực hiện mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới hội nhập quốc tế.

Bởi nhân lực y tế là một bộ phận rất quan trọng, là điều kiện quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Kết quả của đổi mới là phải tạo ra đội ngũ bác sĩ giỏi về lâm sàng, có năng lực nghiên cứu, có tinh thần học tập suốt đời, được quốc tế công nhận bởi năng lực và sự thấu hiểu người bệnh, lòng quyết tâm góp phần nâng cao sức khỏe người dân.

Nói về tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học. Thành lập Hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề”.

Theo đó, Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt đổi mới đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế. Tiến hành nghiên cứu và đề xuất mô hình đào tạo ngành y, dược. 

Tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống giáo dục đại học. Đồng thời, cần có các hoạt động để hoàn thiện về hệ thống chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực y tế một cách đồng bộ.

Tuy nhiên, đổi mới đào tạo nhân lực y tế là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế hướng tới mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.

Đọc thêm