Tại Hội nghị, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng dự thảo Luật chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Lấy thực tế đau lòng về đạo đức học sinh xuống cấp, đạo đức nhà giáo cũng có vấn đề, GS. Nguyễn Lân Dũng đề nghị trong giáo dục thì dạy người phải được coi trọng hơn cả dạy chữ và thầy cô phải là những người thực sự mẫu mực, bởi vậy sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần toàn diện, căn bản và phải đặt giáo dục vào cuộc Cách mạng 4.0.
Đồng tình với quan điểm trên, GS-TS.Nguyễn Đăng Dung cũng nhấn mạnh, giáo dục phổ thông phải dạy học sinh cách làm người trung thực, phải làm sao để học sinh có lòng tự hào dân tộc, ý thức tự tôn, tự chủ.
Quan tâm đến chất lượng đào tạo đại học, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung đề nghị cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng hiện nay, đó là bằng cấp thì rất đẹp nhưng chất lượng nhân lực lại không bảo đảm, do đó phải dẹp được nạn học giả bằng thật, nạn sinh viên không đủ điều kiện vẫn được ra trường. Không nên chú trọng kiểm tra đầu vào như hiện nay mà cần chuyển sang kiểm soát đầu ra.