Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ công tác cán bộ

(PLVN) -  Để đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn nước ta hội nhập sâu rộng thì càng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Khi từng cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu thì ắt “làng nước sẽ theo sau” - điều này quyết định đến mọi thành công của Đảng và Nhà nước cả trước mắt và lâu dài.
Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28/4/2022, của Bộ Chính trị, về luân chuyển cán bộ
Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28/4/2022, của Bộ Chính trị, về luân chuyển cán bộ

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng

Đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là yêu cầu tất yếu, khách quan, có tính quy luật; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng ta phát triển trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của giai cấp và của dân tộc.

Xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, qua đó đã khẳng định được hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện… thì vai trò và hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị không ngừng được nâng cao; góp phần củng cố niềm tin, gắn bó của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế và uy tín của Đảng. Điều đó cho thấy, phương thức lãnh đạo của Đảng đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn chậm, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; công tác đánh giá cán bộ còn nể nang, né tránh, ngại va chạm… Vì thế, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định là đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng… Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội XIII cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là “Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng… Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…”.

“Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải hiện diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy; cụ thể hóa bằng phong cách làm việc, lề lối làm việc ngày càng hiện đại...” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đòi hỏi này hoàn toàn phù hợp với tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo, trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới. Các ý kiến cho rằng, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị thông qua các tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu là yêu cầu bắt buộc trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, cần phát huy tốt tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi “cán bộ là gốc của công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khi bàn về công tác cán bộ thì một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Nội dung đổi mới lần này là đánh giá liên tục, đánh giá hàng năm, hàng quý, hàng tháng, thậm chí hàng tuần và nếu tốt hơn nữa thì đánh giá hàng ngày, từ đó xem người cán bộ đó đã hoàn thành công việc đến đâu, phẩm chất đạo đức như thế nào. “Vấn đề quan trọng là sau khi đánh giá phải công khai kết quả cho mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết cán bộ đó đã được đánh giá đúng và khách quan chưa, bản thân cán bộ được đánh giá cũng tự thấy mình đã đáp ứng được yêu cầu như thế nào?” - ông Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh

Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng của vấn đề, mới đây, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tại Hội thảo, các tham luận đã thống nhất nhận định, để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phải phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; phải đổi mới công tác cán bộ, nhất là phải đánh giá chính xác, lựa chọn đúng, trúng cán bộ…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; trong việc thực hiện quyền lực của Nhân dân để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, tránh khuynh hướng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay. Đồng thời, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể. Thực hiện tốt nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

Bên cạnh đó, quán triệt sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là nhân tố hàng đầu quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường cải cách hành chính; nắm bắt sâu sát tình hình cơ sở, tư tưởng nội bộ cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kịp thời giải quyết.

Còn GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ con người cán bộ. Muốn vậy, phải đánh giá chính xác, lựa chọn đúng cán bộ; phải quan tâm xây dựng cơ chế, môi trường để cán bộ yên tâm cống hiến, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ.

Cho rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó. Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phát huy vai trò của người đứng đầu. “Để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh” - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ.

Theo bà Trương Thị Mai, công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực... Đổi mới phương thức lãnh đạo cần phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng loại hình tổ chức Đảng trong Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân, đơn vị kinh tế...

Có thể nói, suốt hơn 90 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho Nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ.

Chính bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng thì càng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Khi từng cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng thì ắt “làng nước sẽ theo sau”; điều này có ý nghĩa quyết định đến mọi thành công của Đảng và Nhà nước ta, cả trước mắt và lâu dài.

Đánh giá cán bộ là khâu quyết định đầu tiên

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 khẳng định: Đảng ta xác định khâu đầu tiên trong xây dựng Đảng là công tác cán bộ. Mọi việc tốt - xấu đầu bắt nguồn từ công tác cán bộ, tất cả cán bộ được đánh giá đúng là sử dụng đúng cán bộ, phát huy được nhân tài.. Cá nhân người cán bộ đã đảm nhận những việc gì không quan trọng bằng việc họ đã làm được như thế nào, kết quả ra sao.

Đọc thêm