Ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đổi mới thể chế kinh tế trong thời gian gần đây song các đối tác quốc tế kỳ vọng Việt Nam tiếp tục có những đột phá hơn nữa để đảm bảo tăng trưởng bền vững và vì một xã hội công bằng, dân chủ…
Cần minh bạch và kinh tế thị trường hơn
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình phức tạp tại biển Đông đe dọa ổn định và phát triển mọi mặt của Việt Nam.
Nhưng với nỗ lực của mình và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tuy còn không ít hạn chế, yếu kém mà Việt Nam phải nỗ lực, quyết liệt hơn nữa, đến nay chỉ còn hơn 20 ngày nữa là kết thúc năm 2014, nhìn lại cả năm thì Việt Nam đạt được những thành quả khá toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh…
Một trong những nguyên nhân quan trọng được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh là thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng đến cải cách thể chế. Ngoài Hiến pháp (bổ sung, sửa đổi), hàng chục đạo luật quan trọng tạo thành khuôn khổ pháp lý kinh doanh như Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… đã được thông qua hoặc đang được soạn thảo theo hướng củng cố nền tảng kinh tế thị trường, các định chế thị trường, xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước và mối quan hệ với thị trường…
Trong đánh giá của mình, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa ghi nhận: “Ở Việt Nam, nhu cầu cấp thiết về cải cách thể chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đã dịch chuyển nhanh chóng tới các đề xuất chính sách của Nhà nước cũng như những diễn đàn thảo luận về chính sách công rộng lớn hơn…Việc chú trọng cải cách thể chế như Việt Nam đang làm hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời…”.
Tuy nhiên, Giám đốc WB tại Việt Nam lưu ý, tuy tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định trong 3 năm qua nhưng kết quả chưa chắc chắn và Việt Nam cần tiếp tục củng cố sự ổn định vĩ mô dài hạn, các chính sách và quy trình lập, duyệt kế hoạch hóa tài khóa và thực hiện chính sách tiền tệ và tỷ giá cũng phải vận động theo hướng minh bạch và nguyên tắc thị trường hơn.
“Việt Nam nêu rõ thực hiện cải cách thể chế là để chuyển dịch sang kinh tế thị trường. Việt Nam đã chọn cách đi thận trọng và chậm hơn các nền kinh tế kế hoạch trước đây. Tuy phương án tiến nhanh một cách vội vã và đôi khi cân nhắc chưa đủ kín kẽ có rủi ro của nó nhưng nếu đi chậm cũng có rủi ro riêng, nhất là nguy cơ tạo ra những nhóm lợi ích cản trở đổi mới. Việt Nam cần phác ra đường đi của mình, đồng thời cân nhắc hơn - thiệt của từng cách tiếp cận”- bà Victoria Kwakwa khuyến nghị.
Thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng sự thành công trong phát triển của Việt Nam, trong đó có việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, việc từng bước mở cửa của nền kinh tế Việt Nam đã cho phép khu vực tư nhân phát triển bằng việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo nhận định của các đối tác, các DN Việt Nam đã không tận dụng được tác động lan tỏa từ các DN nước ngoài, sự tham gia của các DN vào chuỗi giá trị toàn cầu còn manh mún và hạn chế. Nguyên nhân được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chỉ ra là Việt Nam hiện đang thiếu vắng các DN có quy mô vừa.
Giám đốc WB tại Việt Nam cũng lưu ý: Không có quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn hoặc ỷ lại vào khu vực DN nước ngoài. “Chính sách của Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến tư nhân, một khu vực năng động là đúng hướng và đúng lúc. Cải cách thể chế cũng tập trung vào vấn đề này và các thách thức khác mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt…”, bà Kwakwa nói.
Tại Diễn đàn, các tổ chức phi chính phủ cũng khẳng định việc phát triển các DN trung gian có qui mô vừa để kết nối các nhà sản xuất trong nước và thị trường xuất khẩu là một chiến lược quan trọng và đưa ra khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần có chương trình và chính sách cụ thể nhằm khuyến khích và hỗ trợ các DN này tìm kiếm và chia sẻ giá trị, lợi ích chung với cộng đồng…
Tại Diễn dàn VDPF 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát 6 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2015, trong đó có việc tập trung huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực, cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN phát triển, nhất là khuyến khích phát triển mạnh DN tư nhân.
Thủ tướng cũng khẳng định việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đảm bảo tự do dân chủ của nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo Hiến pháp 2013 là động lực và giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã có, đồng thời tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là cơ sở để Chính phủ tiếp tục tạo thuận lợi, khuyến khích thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Cùng với khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm tiến bộ công bằng, an sinh xã hội, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Cùng với cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn theo hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp, thực hiện công khai, minh bạch quản lý tài chính công, tài sản công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng…