Còn đó những bất cập
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT nhưng những đổi mới trong thời gian qua của Bộ GD&ĐT vấp phải không ít phản ứng từ dư luận… Lý giải những bất cập này, GS. Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Những việc Bộ làm trong thời gian qua mới chỉ là đổi mới phần ngọn. Ví dụ, chọn khâu đột phá “thi cử” là không phù hợp vì nó chỉ giải quyết ở phần ngọn.
Theo tôi, đổi mới đầu tiên phải là chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK). Khi có CT-SGK thì sau đó mới xây dựng phương thức kiểm tra đánh giá, có cả vấn đề thi cử phù hợp với nó. Chứ giờ chưa đổi mới nội dung CT thì đổi mới kỳ thi chưa triệt để được”.
“Tức là CT-SGK vẫn chỉ là truyền thụ kiến thức chứ chưa chuyển theo xu hướng đánh giá năng lực, phát triển toàn diện thì làm sao thi kiểu đánh giá năng lực được, “học gì, thi nấy” chứ. Giờ không dạy học theo kiểu phát triển năng lực mà lại đòi đánh giá năng lực là bất hợp lý”.
Tháng 9/2020 là triển khai CT-SGK mới với lớp 1 và Bộ cũng đang tổ chức bồi dưỡng theo CT. Nhưng đến nay có nhiều giáo viên vẫn thờ ơ với sự đổi mới, có giáo viên thì lo lắng chưa có SGK mới trong tay nên chưa hình dung được sẽ đổi mới thế nào.
Đề cập việc chuẩn bị triển khai CT-SGK mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Sự chủ động của giáo viên từ bây giờ là rất cần thiết để sau này đỡ vất vả cho bản thân mỗi người thầy và cũng là cách góp phần cho việc đổi mới của ngành Giáo dục thành công trong một vài năm tới”.
Trước tình hình dịch bệnh do virus nCoV gây ra diễn biến phức tạp, nhiều trường học trên cả nước đã tạm thời cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16/2 để phòng dịch.
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi, tiếp nhận thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn để đánh giá đúng tình hình dịch bệnh, bảo đảm thông tin chính xác và chỉ đạo kịp thời đến các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để chủ động các biện pháp phòng, chống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để đón học sinh trở lại trường học theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, tham mưu UBND tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực.
Đồng thời xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Thời gian học bù được sử dụng từ quỹ thời gian dự phòng đã được quy định tại Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 của Bộ GD&ĐT;
Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng cơ cở vật chất của nhà trường để tổ chức học bù cho học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trường hợp cần thiết, tổ chức một số buổi học bù vào thứ bảy hoặc chủ nhật để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, hiện đã có nhiều bộ SGK nên chỉ đạo thi cử sẽ không theo bộ SGK nào cả mà phải theo yêu cầu cần đạt trong CT. Vì thế, giáo viên phải nắm kỹ CT, để làm sao dạy học sinh đạt được yêu cầu của CT đặt ra. Muốn triển khai tốt thì đầu tiên giáo viên phải đổi mới nhận thức về CT-SGK.
Hai là, nghiên cứu các bộ SGK để có tiếng nói trong việc lựa chọn SGK, vì nếu chọn sai thì học sinh khổ, giáo viên cũng khổ, mà nửa chừng không dạy được đòi đổi thì rất khó. “Quan trọng nhất là chọn được bộ sách phù hợp, chứ chọn theo “thương hiệu” nào đó mà dạy không được thì thầy trò sẽ khổ”.
Từ góc độ thực tế, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Đội ngũ giáo viên chính những người tiên phong trong đổi mới CT-SGK từ năm học 2020 - 2021. Đồng thời, khi đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục được coi như “chìa khóa” để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện triển khai CT-SGK mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giáo viên còn mắc bệnh “chạy” theo lý thuyết kinh điển, bám vào trí thức có sẵn trong SGK, không gắn với thực tiễn đời sống”.
Bên cạnh đó, việc tuyển giáo viên lại do Sở Nội vụ các tỉnh, thành quyết định thế nên mới có chuyện để thực hiện giảm biên chế, giảm đầu mối, có quận, huyện sa thải vài trăm giáo viên. Thử hỏi như vậy đội ngũ nhà giáo làm sao ổn định?
Cần cải tiến câu hỏi thi trắc nghiệm
Trở lại quan điểm về kỳ thi THPT quốc gia, GS Đào Trọng Thi thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Với kỳ thi “2 trong 1”, từ lâu tôi không ủng hộ vì 2 mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH hoàn toàn không thể kết hợp được. Việc Bộ GD&ĐT buộc các trường phải lấy kết quả đó xét tuyển đã làm nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng “đầu vào” của các trường.
Chính vì thế, kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT đã phải khẳng định lại, mục tiêu của kỳ thi này chủ yếu là để xét tốt nghiệp. Các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả đó làm cơ sở xét tuyển hoặc có thể tổ chức kỳ thi riêng. Còn thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ đậu 90 - 95% như hiện nay thì theo tôi kỳ thi đó có thể tổ chức ở các địa phương, thậm chí với các cơ sở giáo dục uy tín có thể giao cho họ tự làm là tốt nhất”.
Về phương thức tổ chức kỳ thi này bằng hình thức thi trắc nghiệm hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Theo GS. Đào Trọng Thi, việc tổ chức thi bằng hình thức trắc nghiệm nhìn chung là phù hợp với xu hướng của thế giới. Sở dĩ trong mấy năm nay kỳ thi bị gặp nhiều sự cố là do chúng ta áp dụng hình thức trắc nghiệm nửa vời, làm chưa đến nơi đến chốn.
Chúng ta vẫn tổ chức thi trên giấy cho cả triệu thí sinh và thi cùng một thời điểm nên vẫn tạo sức ép lớn cho kỳ thi, thậm chí nảy sinh tiêu cực nghiêm trọng. Kỳ thi có 3 khâu quan trọng là: Ra đề, coi thi và chấm thi.
Cũng theo ông Thi, trước đây thi theo kiểu truyền thống (thi tự luận) thì tiêu cực chủ yếu rơi vào khâu coi thi, nhưng nếu thi trên máy thì khâu coi thi và chấm thi gần như không thành vấn đề đáng lo nữa. Thi trắc nghiệm trên máy thí sinh sẽ không cần tập trung thi đồng loạt nữa, thí sinh ở đâu thi ở đó, như vậy sẽ giảm tốn kém, không còn căng thẳng, sức ép cho xã hội trong mỗi kỳ thi.
Quan trọng hơn là sẽ hạn chế tối đa tiêu cực, thi xong có kết quả luôn thì không ai can thiệp được. Kỳ thi năm trước bị lọt tiêu cực vì thi xong có quá nhiều khâu như: dọc phách, di chuyển, lưu kho...
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Thực tế, lâu nay các em học vẫn vì bảng điểm chứ không phải vì phát triển bản thân. Tôi rất tâm đắc với đề án học sinh được thi lại nhiều lần trong năm. Nếu áp dụng thi nhiều lần sẽ kích thích khả năng ham học hỏi của học sinh hơn. Tiêu biểu, một nước đứng đầu về giáo dục như Phần Lan thường ưu tiên phát triển năng lực học sinh và tránh việc đánh giá theo kiểu đỗ - trượt, thấp - cao. Vì vậy, tại sao chúng ta không đặt chuẩn để học sinh nỗ lực, phấn đấu?”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, mục tiêu của đổi mới thi cử là để học sinh và thầy cô giáo học tốt hơn, dạy tốt hơn. Với mục tiêu như vậy, TS. Tùng Lâm băn khoăn liệu thi trắc nghiệm có phát triển được năng lực và đánh giá đúng phẩm chất của học sinh hay không?
Làm sao để ngân hàng đề giúp học sinh thi trắc nghiệm vẫn gắn với đời sống, thể hiện năng lực cá nhân? Do đó, cần cải tiến bộ câu hỏi để đánh giá năng lực học sinh. Bộ GD&ĐT nên có nghiên cứu về khía cạnh này trước khi áp dụng chương trình mới…
Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2020.
Theo đó, Hiệu trưởng sẽ là người thành lập Hội đồng chọn sách giáo khoa. Mỗi trường thành lập một hội đồng. Quá trình hội đồng chọn sách phải thảo luận dân chủ, công khai, minh bạch.
Theo Thông tư của Bộ GD&ĐT, đối với trường có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Trong đó ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với trường có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 7 người. Thông tư quy định rõ người đã tham gia biên soạn sách hoặc tham gia thẩm định sách giáo khoa do các nhà xuất bản (NXB) tổ chức; tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành và người làm việc ở các NXB có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng.
Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn và bỏ phiếu kín lựa chọn. Sách được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Trường hợp sách giáo khoa không được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại.
Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn báo cáo.
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học chương trình mới với những bộ sách giáo khoa do các trường lựa chọn. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên đang được tiến hành nghiêm túc trong thời gian qua, thời gian tới, sau khi tiến hành chọn sách, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, Sở GD&ĐT cùng NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, các nhà trường tập huấn, NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản.