Đối phó với dịch Corona: Thầy trò đến trường hay ở nhà tiếp?

(PLVN) - Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, quan điểm của Bộ GD-ĐT rất rõ ràng, đầu tiên là đặt mục tiêu sức khỏe của học sinh lên trên hết. Và phần đa phụ huynh cũng đồng tình cho rằng, tuy vất vả khi vừa đi làm vừa trông con nhưng “học là việc cả đời”…
Học sinh đeo khẩu trang trong lớp học.
Học sinh đeo khẩu trang trong lớp học.

Học online và giao bài tập về nhà

Tính đến chiều 6/2, để phòng chống dịch bệnh do virus Corona, đã có 63/63 tỉnh, thành trên phạm vi cả nước cho học sinh nghỉ học, thấp nhất 1 ngày là Bến Tre (để vệ sinh, khử trùng trường lớp), nhiều nhất là 2 tuần và một số địa phương cho học sinh nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Đáng chú ý, có tỉnh cho học sinh nghỉ học đến 2 tuần như Quảng Ngãi (từ 3 đến 16/2); TP HCM đã đồng ý cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần tới 16/2;  còn Nghệ An, Điện Biên, Hà Tĩnh, Khánh Hoà sẽ cho học sinh nghỉ học đến khi có thông báo tiếp theo. 

Tuy nhiên, Hải Phòng sau khi nghỉ học 3 ngày đã thông báo cho học sinh trở lại trường vào ngày 6/2. Lý giải về việc chỉ cho học sinh nghỉ 3 ngày, trong khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều cho học sinh nghỉ học 1 tuần đến hết ngày 9/2, đại diện Sở cho hay, tại địa phương có nhiều khu công nghiệp, học sinh được nghỉ, nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm, do đó, không ít gia đình gặp khó khăn trong việc tìm chỗ gửi con.

Trả lời câu hỏi khẩu trang có phải cứu tinh trong việc phòng dịch Corona không, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trích dẫn lời khuyên chính thức của WHO là "không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với người không bị bệnh".

Theo ông Long, với các phương thức lây nhiễm như đã nêu trên, khẩu trang chỉ là một phần. Virus này rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím và sợ cả gió (môi trường thông thoáng khí) nên khuyên mở cửa sổ, ở ngoài điều kiện tự nhiên có nắng, gió không nhất thiết phải dùng khẩu trang. 

Hơn nữa, học sinh cấp THCS, THPT được nghỉ thường ra các quán game, tụ tập chơi bời, khó kiểm soát. Do đó Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường làm thật tốt và nhanh công tác vệ sinh trường lớp, yêu cầu 100% học sinh đeo khẩu trang để các em đến trường tiếp tục học.

Và để không xáo trộn việc học cũng như tăng cường quản lý học sinh, nhiều trường học đã áp dụng hình thức dạy học theo hình thức trực tuyến (online) trong thời gian học sinh tạm nghỉ học phòng dịch do virus Corona.

Hà Nội là nơi áp dụng cho học sinh nghỉ học từ ngày 3/2 đến hết 9/2 (một tuần). Nhiều trường học đã áp dụng các biện pháp phối hợp với phụ huynh để tăng cường quản lý, giáo dục học sinh trong thời gian nghỉ học khá dài để phòng chống dịch bệnh do virus Corona. 

Tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) có hệ thống CNTT Office 365 và trang web ôn luyện của học sinh theo các chủ đề. Mỗi học sinh có một tài khoản, giáo viên sẽ giao bài tập để các con chủ động bố trí thời gian học tập các môn cho hợp lý.

Còn trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) chọn cách thông qua hệ thống hòm thư điện tử của trường, điện thoại thông minh, group các lớp để tổ chức ôn tập cho học sinh ở nhà. Theo đó, nhà trường tập trung vào những môn học chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ bố trí thời lượng nhiều hơn cho việc ôn tập; ngoài ra là tổ chức ôn tập môn Lịch sử, Địa lí... Học sinh lớp 9 được giáo viên giao các bài tập với những cấp độ khác nhau từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. 

Mặc dù đã hướng dẫn bài học và giao bài tập cho học sinh ở nhà nhưng các nhà trường mong muốn phụ huynh hợp tác quản lý con em mình, cũng như sự tự giác của học sinh thì mới đảm bảo kết quả, nhất là khi chưa thể biết được dịch nCoV sẽ kéo dài bao lâu. 

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: Học sinh ở nhà cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nCoV đã được nhà trường phổ biến. Các em có thể học online bằng cách hỏi ý kiến thầy cô, tham khảo bạn bè; cộng với phụ huynh hướng dẫn các con tìm các nội dung, website, phần mềm để tự học online.

Đây chính là cách thức thiết thực, hiệu quả, an toàn. Về phía cha mẹ phải quản lý, hướng dẫn, giao thêm việc cho các con, để tránh tình trạng các con rảnh lại tụ tập bên ngoài hoặc sa đà vào tivi, điện thoại, chơi game. Nếu có thể, cha mẹ chính là những người thầy, người cô dạy cho con những kỹ năng, kiến thức cần thiết. Tăng cường học ngoại ngữ online trong thời gian nghỉ cũng rất tốt cho học sinh.

Trong diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, các chuyên gia giáo dục cho rằng, học trực tuyến là giải pháp hiệu quả giúp học sinh không bị gián đoạn việc học tập trong những ngày nghỉ học tránh dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo về đeo khẩu trang:

- Người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau đây: Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus nCov; Khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi... hoặc khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

- Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc đeo khẩu trang khi không có chỉ định gây lãng phí và có thể tạo cảm giác yên tâm "ảo", khiến bỏ qua áp dụng các biện pháp bảo vệ quan trọng như: rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, đồ dùng. Để tháo khẩu trang cần gỡ từ phía sau (không chạm vào mặt trước của khẩu trang); vứt ngay vào thùng kín; rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn sau khi tháo khẩu trang.

Được biết, hiện nay, nhiều trường đang áp dụng các phần mềm, nền tảng quản lí học tập từ xa đối với học sinh như: Giao nhiệm vụ học tập (bài tập, nội dung luyện tập), kiểm soát kết quả tự học của học sinh, chấm điểm, thông tin kết quả cho học sinh cũng như trao đổi với giáo viên…

Tìm đủ cách trông giữ con

Tuy nhiên, khi học sinh được nghỉ học, trừ những gia đình có ông bà, người thân hoặc giúp việc thì đa số phụ huynh phải đối mặt với nỗi lo: Ai sẽ trông con, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm? Nhiều gia đình đã không kịp trở tay trong việc thu xếp người trông con. Một số gia đình lên kế hoạch bố mẹ thay nhau xin nghỉ để giữ con. 

Các phương án tìm chỗ gửi con ở nhà người quen, hàng xóm, thuê người giúp việc theo giờ cũng được khai thác triệt để. Một số gia đình ở các tỉnh lân cận, lại một lần nữa lỉnh kỉnh đồ đạc đưa con về quê gửi ông bà, xem như nghỉ Tết đợt 2.

Tuy vất vả hơn ngày thường nhưng cha mẹ cảm thấy yên tâm hơn khi con ở nhà để được an toàn trong thời điểm phòng chống dịch quyết liệt. Thời điểm này con nghỉ học về vùng quê, tránh chỗ đông người cũng là biện pháp phòng tránh dịch một cách hiệu quả.

Chị Đan Hà, TP HCM chia sẻ: “Việc các con ở nhà quá dài ngày quả là một thách thức. Con ở nhà chứ không phải là nghỉ học, vì thầy giáo vẫn gửi bài tập, hoặc bài theo giáo trình hàng ngày cho con tự học. Với một đứa trẻ ngồi tự học 5 tiếng là điều khó, thế nên luôn phải có một người lớn ngồi kèm. Căng thẳng là tâm trạng chung của trường con mình. Vì dịch bệnh và vì an toàn của các con thì vẫn phải cùng con cố gắng thôi”… 

Về kế hoạch nghỉ học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong kế hoạch năm học, mỗi học kỳ có một tuần dự phòng, học sinh sẽ được nghỉ nếu cần thiết. Sau đó, học sinh có thể học bù vào buổi sáng hoặc chiều, thứ Bảy, Chủ nhật. Trong trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian nghỉ, Bộ có thể điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học.

Theo quy định, các trường sẽ kết thúc năm học vào ngày 31/5 nhưng có thể kết thúc năm học muộn hơn. Về việc tổ chức thi THPT quốc gia có thể bị ảnh hưởng khi học sinh nghỉ học, ông Độ cho biết: Thường kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 hàng năm, tuy nhiên cũng có thể điều chỉnh lịch thi để phù hợp yêu cầu. Tinh thần là học sinh nghỉ học nhưng vẫn phải đảm bảo chương trình, chất lượng… 

Đây là lúc chúng ta đối diện chứ không phải sợ hãi

Ở bậc đại học, trong số hầu hết các trường đều cho sinh viên nghỉ học đến 15/2, thì sinh viên Trường Y Hà Nội vẫn tới trường.

Tại buổi truyền thông về dịch bệnh do virus Corona, GS.TS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Khi có thông tin về bệnh nhân cúm Corona đầu tiên ở Việt Nam, một số trường đại học cho sinh viên kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm 1 tuần, nhưng Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội đã quyết định sinh viên của Trường vẫn đi học bình thường.

Vì đặc thù của sinh viên Đại học Y là học tập tại các cơ sở y tế, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, nên phải có kiến thức, thái độ, kỹ năng đúng để tự bảo vệ bản thân, có khả năng giải thích, hướng dẫn cách phòng tránh cho người bệnh và cộng đồng, đồng thời chung tay cùng ngành Y tế phòng, chống dịch.

Thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định trách nhiệm với cộng đồng, với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, luôn sẵn sàng khi nhân dân và ngành Y tế cần”.

BS. Satoko Out, Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng nhấn mạnh: “Đây là lúc chúng ta đối diện với thực tế chứ không phải để sợ hãi. Là lúc chúng ta phải dựa vào các bằng chứng khoa học chứ không phải tin đồn”.  

Đọc thêm