Câu hỏi thật không dễ trả lời khi mà càng ngày người ta càng phát hiện thêm nhiều “lỗ hổng” về an ninh, nhất là “lỗ hổng” trong sự phối hợp đa quốc gia.
Giấy tờ giả: Quá nhiều
Ngày 19/11, Tòa án Colombia bắt đầu điều tra tung tích của một nghi can phụ nữ người Syria thuộc nhóm khủng bố IS đã từ Bogota tới Pháp trước khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố mới đây tại Paris với hộ chiếu giả.
Người này có tên là Seham Al Salkhadi, đã rời sân bay quốc tế Dorado ở thủ đô Bogota, Colombia, bằng hộ chiếu Israel bị đánh cắp với tên Ashira Krieger; bay trên một chuyến bay thẳng tới sân bay Roissy-Charles de Gaulle (CDG) ở Paris và tại đây, Seham Al Salkhadi bị giữ vài giờ nhưng sau đó đã được thả.
Trước đó 1 ngày, tại sân bay nội địa Toncotin, thủ đô Tegucigalapa của Honduras, Interpol và Cục Cảnh sát điều tra Honduras (DPI) phối hợp bắt giữ 5 công dân Syria mang hộ chiếu Hy Lạp khi đang chuẩn bị lên máy bay tới tỉnh San Pedro Sula, miền Bắc Honduras và có kế hoạch đi đường bộ qua Guatemala, Mexico để vào lãnh thổ Mỹ.
Người phát ngôn DPI Anibal Baca cho biết, những quyển hộ chiếu mang quốc tịch Hy Lạp bị đánh cắp tại Hy Lạp và nhờ chúng, 5 đối tượng trên bay trót lọt từ Syria tới Liban, qua một loạt nước Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Costa Rica và Honduras.
Cách đây 4 ngày, một công dân Syria cũng dùng hộ chiếu giả đáp máy bay từ Syria để tới Tegucigalpa, nhưng đã bị phát hiện và phải trở về nơi xuất phát là El Salvador. Sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13/11 vừa qua, giống như nhiều quốc gia Mỹ Latinh, Honduras siết chặt các biện pháp an ninh tại các khu vực chủ chốt như sân bay, bến cảng, cửa khẩu đường bộ…Từ đầu năm tới nay, các cơ quan an ninh Honduras đã ngăn chặn khoảng 12.600 công dân nước ngoài tìm cách nhập cảnh trái phép để từ đây tới Mỹ.
Cũng ngày 19/11, Cảnh sát Italia tiết lộ, 2 người Syria dùng hộ chiếu giả đang tìm cách xuất cảnh sang Malta đã bị bắt giữ ở miền Bắc Italia. Hai người này, 19 tuổi và 30 tuổi, đã bị cảnh sát Italia bắt ở sân bay Orio al Serio, Bergamo, cách Milan 60km. Theo cảnh sát, họ dùng hộ chiếu Áo và Nauy. Kiểm tra điện thoại của một trong hai người, cảnh sát phát hiện có ảnh của một chiến binh IS. Ngay lập tức, hai người Syria này đã bị bắt.
Trong khi đó, chính quyền Kuwait cho biết trong một nhóm cực đoan bị cáo buộc hậu thuẫn cho các tay súng thuộc tổ chức IS có hai công dân Australia gốc Liban hỗ trợ tài chính và trang bị vũ khí. Ngoài ra, còn có 5 công dân Syria, một công dân Kuwait, một công dân Ai Cập có liên quan và một công dân Liban bị cáo buộc cầm đầu.
Nhóm này bị cáo buộc sắp xếp chuyến đi cho các tay súng tham chiến cùng IS và chuyển tiền tới Thổ Nhĩ Kỳ và Australia. Tuy nhiên, chưa có thông tin gì về những tài khoản ngân hàng được sử dụng ở Australia và Thổ Nhĩ Kỳ.
CIA siết chặt an ninh
Về phần mình, trước áp lực của hàng chục bang tuyên bố sẽ không tiếp nhận người tị nạn Syria do lo sợ xảy ra khủng bố, ngày 18/11 Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan tuyên bố sẽ siết chặt hơn nữa các thủ tục xem xét hồ sơ những người nước ngoài tị nạn vào Mỹ.
Theo đó, chính quyền Mỹ vẫn duy trì chính sách tiếp nhận người tị nạn từ khắp các nơi trên toàn cầu, trong đó có người tị nạn Syria, nhưng để đảm bảo an ninh sẽ tăng cường cơ chế rà soát và kiểm tra an ninh hiện hành nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố lợi dụng chính sách nhập cư để xâm nhập lãnh thổ Mỹ.
Phát biểu cùng với Giám đốc CIA, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phản bác các ý kiến cho rằng việc gia tăng đón người tị nạn Syria tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Ông cũng bảo vệ chính sách của chính quyền Tổng thống Obama đối với Syria, trong đó có việc tham gia các nỗ lực ngoại giao tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài hơn bốn năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Gia tăng các cuộc không kích vào các mục tiêu của nhóm chủ chiến IS ở Syria và Iraq là một trong những ưu tiên hiện nay của Nhà Trắng.
Trong khi đó, vụ tấn công đẫm máu ở Paris cũng khơi lại những tranh cãi về việc liệu các điệp viên của chính quyền Mỹ có được dễ dàng tiếp cận các bức thư được mã hóa đang truyền qua internet hay không.
Các cơ quan tình báo từ lâu đã tranh cãi về cái gọi là “cửa hậu” có thể tạo điều kiện cho họ giám sát các bức thư điện tử được mã hóa, các ứng dụng thoại, các cuộc điện đàm và những dạng liên lạc điện tử khác. Tuy nhiên, những người ủng hộ sự riêng tư và các công ty công nghệ cương quyết phản đối “cửa hậu” và đã thành công trong việc chống lại những nỗ lực lập pháp liên quan tới vấn đề này.
Một quan chức an ninh Mỹ cho biết hiện chưa có chứng cứ gì cho thấy những kẻ tấn công khủng bố vừa qua tại Paris đã sử dụng một phương thức liên lạc đặc biệt, hay công nghệ mà chúng sử dụng đã được mã hóa một cách đặc biệt. Tổ chức IS đã công khai lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ giết hại này. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp và quan chức tình báo Mỹ đã nhân vụ tấn công để vận động ủng hộ cho vấn đề “cửa hậu” này.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC: “Ngành công nghệ phải xem xét các sản phẩm của mình bởi nếu bạn tạo ra một sản phẩm cho phép những ác quỷ liên lạc theo cách này để chặt đầu trẻ con, tấn công người vô tội dù nó xảy ra trong một trận đấu tại sân vận động, trong một cửa hàng ăn ở Paris hay là vụ bắn hạ một máy bay dân dụng - đó là một vấn đề lớn”.
Michael Morell, cựu Phó Giám đốc CIA cho biết, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden và các đồng sự đã góp phần tạo nên những cuộc tranh luận về việc mã hóa, song một chương mới trong vấn đề này “sẽ được quyết định bởi những gì xảy ra ở Paris”. Snowden là người đã tiết lộ những thông tin bí mật về những hoạt động giám sát của NSA vào năm 2013, và hiện đang sống ở Nga dưới hình thức tị nạn tạm thời.
Vẫn còn nhiều lỗ hổng an ninh khiến IS lợi dụng |
Trong 18 tháng qua, việc IS vươn tới các quốc gia phương Tây đã truyền thêm cảm hứng cho các tay súng tiến hành các cuộc tấn công chống lại chính quyền và người dân các nước sở tại bằng bất cứ cách nào có thể. IS tập trung vào việc tạo dựng một cái gọi là “nhà nước” ở Iraq và Syria.
Theo Tobias Feakin - Giám đốc về an ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, mối đe dọa hiện nay là trình độ tổ chức tấn công của chúng. Việc IS tuyên bố đứng đằng sau một loạt cuộc tấn công trong vòng hai tuần qua là một minh chứng: làm nổ tung máy bay của Nga khiến 224 người thiệt mạng, đánh bom tự sát giết chết 43 người ở Beirut, và bây giờ các cuộc tấn công ở Paris đã chứng tỏ khả năng của IS trong việc mở rộng phạm vi cũng như khả năng hoạt động.
Khả năng hoạt động của IS thể hiện trong một loạt hoạt động khủng bố: đặt một thiết bị nổ trên máy bay và phá vỡ chu trình bảo đảm an ninh sân bay, tiến hành nhiều vụ đánh bom tự sát, thực hiện các hoạt động đa mục tiêu phối hợp trong môi trường đô thị bao gồm cả bắt giữ con tin lẫn hành quyết. Rõ ràng, khả năng của IS ngày càng phát triển khi tiến hành một loạt cuộc tấn công có khả năng phối hợp và lập kế hoạch cao, cũng như tổ chức thực hiện trong thời gian ngắn.
Những hành động của IS liên quan trực tiếp đến thực tế rằng, IS đang bị tổn thương ở Syria và Iraq, bị mất vùng kiểm soát và sự hỗ trợ. Phản ứng của IS rõ ràng là “quyết chiến với kẻ thù”. Đó là một hành động tuyệt vọng song vẫn sẽ được chúng tiếp tục thực hiện.
Thảm kịch Paris cho thấy việc đối phó với các nguy cơ như vậy khó khăn đến mức nào, mặc dù lực lượng an ninh đã được huấn luyện cho các tình huống bất ngờ cũng như đối phó với những kẻ tấn công được đào tạo kỹ càng - những kẻ sẵn sàng liều chết và tấn công đa mục tiêu. Vấn đề đối với các cơ quan an ninh là họ phải có khả năng đối phó với hàng loạt vụ tấn công liên hoàn, có thể xảy ra ở nhiều nơi, khi mà họ sẽ phải dàn mỏng lực lượng.
Vũ khí mạnh nhất là ngăn chặn bất kỳ vụ tấn công tiềm tàng nào thông qua thông tin tình báo. Khó khăn đối với các cơ quan an ninh là sàng lọc thông tin giữa các tay súng ở Syria, Iraq, người ủng hộ và những tên khủng bố tiềm năng ở nước ngoài. Giải mã thông tin là cực kỳ khó khăn và hiện là một vấn đề đối với các cơ quan an ninh. Trong cuộc chiến chống mối đe dọa này, sự phối hợp tình báo trong nước và quốc tế sẽ là điều quan trọng.
Trong những ngày tới, các chính phủ - đặc biệt là Pháp - sẽ phải đối mặt với áp lực đòi họ phản ứng mạnh với các vụ tấn công. Điều quan trọng là các chính phủ phương Tây không được rơi vào bẫy của IS: chia rẽ thế giới và tiêu diệt “các vùng xám”. Khi chiếm xong Syria và Iraq, IS sẽ gây một sự chia rẽ lớn trong xã hội, vì thế điều sống còn là phản ứng đối với IS song không rơi vào bẫy của chúng.
“Khi thảm kịch Paris xảy ra, phản ứng tức thì là đổ lỗi cho dòng người tị nạn Syria. IS không muốn gì hơn ngoài việc đẩy mạnh chia rẽ và thù địch với người tị nạn tràn sang châu Âu, chúng muốn sự chia rẽ chính trị này ngày càng tăng…”- Tobias Feakin cảnh báo.