Theo hồ sơ, tài liệu truy tố thì quá trình thực hiện dự án B5 Cầu Diễn, Nguyễn Văn Tuẫn và đồng phạm đã vi phạm trong việc huy động vốn, vay vốn và Vi phạm trong việc sử dụng vốn huy động. Cụ thể:
Vi phạm trong việc huy động vốn, vay vốn
Ngày 8/5/2010, Tuẫn đã chủ trì cuộc họp cán bộ chủ chốt Cty HAIC gồm có trưởng phòng, GĐ xí nghiệp và các tổ chức đoàn thể của Cty HAIC bàn về việc triển khai, thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn.
Ngày 11/5 và 28/5/2010, Tuẫn đã ký thông báo số 98-TB và số 116-TB về việc huy động vốn của các cá nhân trong và ngoài Cty HAIC để làm vốn đối ứng cho dự án xây dựng Khu chung cư tại khu đất B5 Cầu Diễn, nếu người nào góp vốn sẽ được ưu tiên mua căn hộ thuộc Dự án B5 Cầu Diễn khi có nhu cầu.
Từ ngày 9/8/2008 đến ngày 22/3/2012, Tuẫn đã chỉ đạo Hà và các nhân viên dưới quyền thu hơn 263 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức hợp tác đầu tư và góp vốn thực hiện Dự án B5 nhưng không báo cáo UBND TP Hà Nội (chủ sở hữu Cty HAIC).
Cụ thể: từ 9/8/2008 đến 9/11/2011, Cty HAIC đã nhận của Cty HOUSING GROUP và 3 cá nhân hợp tác đầu tư hơn 37 tỷ đồng để hỗ trợ đến bù GPMB dự án B5. Trong đó, Cty HOUSING GROUP chuyển hơn 34 tỷ còn bà Phạm Thị Hòa, ông Đào Khánh Hoài và bà Nguyễn Thị Thúy Nga mỗi người chuyển 990 triệu cho Cty HAIC.
Tiếp tục, đến ngày 26/5/2010 đến 22/3/2012, Tuẫn đã ký thỏa thuận vay vốn của 246 cá nhân trong, ngoài Cty HAIC và của Cty CPĐTXD Việt Hoàn thu tổng số tiền hơn 226 tỷ đồng nộp quỹ Cty HAIC và hạch toán trên tài khoản vay ngắn hạn. Trong đó, năm 2010 là hơn 178 tỷ, năm 2011 là 46,450 tỷ đồng, năm 2012 là 1,3 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 39 Luật nhà ở, khoản 2,3 Điều 3 Thông tư số 117/TT-BTC ngày 5/8/2010 của Bộ tài chính, hướng dẫn cơ chế tài chính của Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu và Điều 20 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cty HAIC thì Tuẫn chỉ được quyền quyết định các dự án đầu tư, phương án huy động vốn, hợp đồng cho vay, cho vay, các hợp đồng khác và bán tài sản có giá trị từ 30 đến 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất và các phương án huy động vốn có giá trị không vượt quá giá trị vốn Điều lệ hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ Cty, hoặc không vượt quá mức giá trị tối đa quy định theo Điều lệ công ty.
Tuy nhiên, Tuẫn đã chỉ đạo tổ chức huy động vốn và ký hợp đồng hợp tác đầu tư trước khi được UBND TP Hà Nội cho phép thực hiện dự án và giao đất để thực hiện dự án là không đúng quy định, vượt thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Cụ thể: năm 2010, Cty HAIC huy động vốn gần 178,5 tỷ đồng vượt 24,98 lần giá trị vốn điều lệ và băng 276% tài sản của Cty HAIC tại thời điểm huy động vốn.
Bị can Châu Thị Thu Nga được triệu tập tới tòa tham gia vụ án với tư cách là người có liên quan. |
Vi phạm trong việc sử dụng vốn huy động
Số tiền thu đươc từ viêc hợp tác đầu tư, vay vốn để thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn nêu trên, Tuẫn đã chỉ đạo Hà và nhân viên Cty HAIC gửi vào Ngân hàng Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long. Sau đó sử dụng gần 263 tỷ đồng vào nhiều mục đích khách nhau.
Cụ thể: Chi phí quản lý doanh nghiệp, trả lương văn phòng Cty, hỗ trợ mất việc làm và nghỉ hưu gần 4,7 tỷ đồng. Chi đền bù hoa màu và GPMB Nhà máy gạch tuynel Hải Dương (Chi nhánh Cty HAIC tại hải Dương) hơn 30,5 tỷ. Chi mua tài sản cố định phá dỡ, định giá tài sản, trả tiền thuê đất, vay ngân hàng, mua bảo hiểm, tạm ứng, cho vay, nộp thuế hơn 33,667 tỷ. Chi san lấp ao Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) 2,260 tỷ. Chi đầu tư Ngà máy chế biến gỗ Quảng Trị (chi nhánh Cty HAIC tại Quảng Trị) 5 tỷ đồng. Trả tiền khách hàng rút vồn 18,8 tỷ. Trả lãi cho khách hàng rút vốn hơn 947 triệu và chi mua thép của Cty xây dựng Trường Giang hơn 96 tỷ đồng.
Tiếp đến, từ ngày 28/10/2010 đến 7/4/2011, Tuẫn đã ký 7 hợp đồng kinh tế về việc mua tổng số gần 13,4 tấn thép trị giá gần 209 tỷ với Cty Cổ phần thép Việt Nhật. Sau đó chỉ đạo Hà sử dụng các hợp đồng gửi tiền vay vốn thực hiện Dự án B5 tại ngân hàng thế chấp cho Ngân hàng Công thương – chi nhánh Nam Thăng Long và Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam – chi nhánh Thăng Long để vay gần 210 tỷ đồng thanh toán cho Cty Cổ phân thép Việt Nhật.
Tứ đó, Tuẫn mang 7 hợp đồng mua bán thép với Cty Việt Nhật chuyển sang ký kết với Cty xây dựng Trường Giang giá hơn 211 tỷ đồng (chênh hơn 2 tỷ) với nội dung hợp đồng xác định là hợp đồng thanh toán trả chậm nên Cty xây dựng Trường Giang phải trả Cty HAIC lãi xuất tiền vay của Ngân hàng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Cty Trường Giang đã thanh toán 3/7 hợp đồng cho Cty HAIC còn 4 hợp đồng giá trị hơn 93,540 tỷ chưa thanh toán (trong đó có hơn 92,614 tỷ của dự án B5 Cầu Diễn). Do Cty Trường Giang chậm thanh toán nên Ngân hàng đã cấn trừ hơn 4,145 tỷ của số tiền vay vào số tiền vốn vay thực hiện dự án B5 Cầu Diễn của Cty HAIC gửi tại Ngân hàng….
Đặc biệt, Tuẫn dùng 55 tỷ đồng để góp vốn vào một dự án nhà ở khác. Cũng theo tài liệu truy tố, Tuẫn đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 57,2 tỷ đồng huy động đầu tư ra ngoài công ty, vượt 7,7 lần vốn điều lệ.
Tại phiên tòa ngày 24/5/2016, hơn 200 khách hàng góp vốn vào dự án B5 Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) qua Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) có chung niềm bức xúc đối với bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn.
Theo các bị hại (khách hàng), bên cạnh hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ, bị cáo Tuẫn còn có dấu hiệu lừa đảo như rêu rao thông tin dự án được phê duyệt, đưa đại biểu Quốc hội (bà Châu Thị Thu Nga – đang bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) ra làm bình phong để tạo dựng niềm tin của khách hàng. Có khách hàng mất tiền oan vào sàn giao dịch, có người lâm cảnh khó khăn, lãi mẹ đẻ lãi con do vay vốn ngân hàng.
Góp vốn từ năm 2010, nhóm khách hàng này mắc kẹt tại dự án B5 Cầu Diễn gần 6 năm nay. Trong số khách hàng, nhiều người có nhu cầu thực và mong muốn dự án tiếp tục được triển khai. Nhưng với tình trạng hiện tại, người có nhu cầu rút vốn hay tiếp tục đầu tư cũng gặp muôn vàn gian nan.
Khi được hỏi về việc hợp tác với Công ty HAIC, bị can Châu Thị Thu Nga cho biết mục đích của việc hợp tác chỉ là để hỗ trợ HAIC giải phóng mặt bằng./.