Cần tập trung thảo luận các giải pháp
Đề cao vai trò, tầm quan trọng của công tác pháp chế, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường, tăng cường dân chủ XHCN và hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với công tác pháp chế, với việc phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và nhờ đó đội ngũ này không ngừng lớn mạnh.
So với trước thời điểm ban hành Nghị định 55/CP thì hiện nay, đội ngũ được tăng cường hết sức căn bản, trình độ, năng lực của cán bộ không ngừng được nâng cao, kỹ năng giải quyết các vụ việc ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó công tác pháp chế ngày càng được thực hiện bài bản, hiệu quả, sắc nét hơn, ngày càng được lãnh đạo tin cậy, coi trọng hơn, nâng cao vị thế, vai trò của công tác tư pháp, pháp chế.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo Thứ trưởng, công tác pháp chế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bộc lộ những hạn chế, bất cập, thậm chí cả yếu kém. Thứ trưởng điểm qua một số vấn đề như tổ chức bộ máy chưa được kiện toàn hoàn toàn theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, số lượng cán bộ pháp chế đông nhưng tỷ lệ kiêm nhiệm khá cao; năng lực trình độ của cán bộ dù có nhiều cải thiện nhưng so với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc thì chưa đáp ứng được, lề lối làm việc, cách thức giải quyết công việc chưa khoa học, hiệu quả giải quyết công việc chưa cao.
Đáng chú ý, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác pháp chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này…
Với tư cách là cơ quan Chính phủ được giao quản lý nhà nước về công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ pháp chế, từ hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bố trí lực lượng đến tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cách thức tổ chức công việc cho cán bộ pháp chế, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khác nhau hoạt động, trong đó có hội nghị hôm nay.
Coi đây là cơ hội tốt để trao đổi, thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác pháp chế, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, cơ quan, đơn vị mình, Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu tập trung bàn bạc các vấn đề về tổ chức, về chế độ, chính sách, về một số lĩnh vực công tác như xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản, thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phải có tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Trên cơ sở gợi ý của Thứ trưởng, các đại biểu đã thẳng thắn hiến kế nhiều giải pháp. Trưởng phòng, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Đỗ Thị Thanh Hương cho rằng, trong công tác xây dựng văn bản pháp luật cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản đầy đủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ khi gửi Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thẩm định; quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật.
Trong công tác pháp chế, tổ chức pháp chế các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản, theo dõi thi hành pháp luật; tiến hành tự kiểm tra văn bản do bộ, ngành ban hành và tiến hành rà soát văn bản…
Từ góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng Nguyễn Thị Tịnh chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục duy trì phòng pháp chế riêng trong cơ cấu tổ chức của các sở là rất khó khăn.
Do đó, bà Tịnh mong muốn các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể để các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thực hiện thống nhất và đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác pháp chế, nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 theo hướng bắt buộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải có tổ chức pháp chế tại cơ quan mình, bảo đảm công tác thi hành pháp luật được thông suốt từ Trung ương đến địa phương…
Đến từ góc độ pháp chế ngành, Trưởng phòng (Vụ Pháp chế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) Nguyễn Thị Hường nêu lên những kết quả nổi bật trong công tác pháp chế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ chế, chính sách chưa thu hút được nhiều cán bộ có năng lực, tâm huyết với nghề.
Từ đó, bà Hường đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu rà soát, đơn giản chế độ báo cáo, tránh một nội dung phải báo cáo nhiều lần; xác định rõ trong kế hoạch, văn bản hướng dẫn các nhiệm vụ nào cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện; đồng thời, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách cho cán bộ làm công tác pháp chế để thu hút cán bộ.