Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết: Chiều 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Hiệp định có nội dung quy định về trách nhiệm xã hội của DN nên đặt ra yêu cầu đối với các DN và cơ quan nhà nước của Việt Nam cần hiểu rõ để thực hiện tốt các quy định này.
Theo ông Tú, trách nhiệm xã hội của DN thực chất là việc cân bằng được ba vấn đề: kinh doanh – quyền con người – các vấn đề xã hội. Bên cạnh việc yêu cầu trách nhiệm của DN thì cũng cần những cơ chế cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện nội dung này.
Trao đổi về nội dung này, TS Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hợp quốc cho rằng, trách nhiệm xã hội đầu tiên của DN là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, tiếp đó là trách nhiệm đối với người lao động và trách nhiệm với môi trường. Ông cũng lưu ý trách nhiệm này không chỉ đặt ra với các DN có đăng ký kinh doanh mà còn phải áp dụng với cả các hộ kinh doanh cá thể; đồng thời việc giám sát thực hiện cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, người dân…
Theo Luật sư Lê Anh Văn (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam), trách nhiệm xã hội của DN là vấn đề tương đối mới mẻ với Việt Nam. Song, trong những năm gần đây, trước thảm họa về môi trường và những tiêu cực về xã hội do các DN gây ra, vấn đề trách nhiệm xã hội được đặt ra một cách cấp bách. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển bền vững. Để thực hiện trách nhiệm này thì việc tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm xã hội và hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện là việc làm cấp thiết.