Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Tuy nhiên, công tác thực thi và tận dụng các FTA còn chưa đồng đều giữa các địa phương. Để đưa ra những giải pháp thiết thực áp dụng vào thực tiễn của mỗi địa phương, cần có sự đo lường, đánh giá từ các cơ quan quản lý thực thi FTA.
Theo đó, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2022, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index). Hiện tại, FTA Index đang trong quá trình hoàn thiện với mục tiêu sẵn sàng công bố trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là hoàn thành báo cáo kết quả xây dựng Bộ Chỉ số và trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, chúng ta đang thực thi 16 FTA, trong đó có 3 FTA thế hệ mới như CPTPP, UKVFTA, EVFTA... nhưng chỉ từ khi thực hiện Hiệp định CPTPP thì mới mới bắt đầu có kế hoạch thực thi. Như vậy, đến thời điểm hiện nay chúng ta có 4 FTA có kế hoạch thực thi, đấy là CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. Điều này thể hiện sự thay đổi rất lớn trong cơ quan quản lý cấp trung ương khi các FTA trước đây khi ký kết về chúng ta triển khai thực thi nhưng không có kế hoạch hành động.
"Từ Hiệp định CPTPP đến nay chúng ta đã có kế hoạch và bám rất sát vào các kế hoạch hành động của Chính phủ. Đi kèm là các Bộ, ngành và các địa phương cũng xây dựng kế hoạch hành động của mình, bám sát vào yêu cầu của Chính phủ để thực thi một cách hiệu quả và tận dụng tối đa các FTA này", bà Nguyễn Thị Lan Phương cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương. |
Theo bà Phương, mặc dù các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả rất tích cực trong quá trình thực thi và tận dụng các FTA, tuy nhiên trong quá trình thực thi vẫn còn rất nhiều hạn chế:
Thứ nhất, tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn rất hạn chế và các doanh nghiệp mới chỉ trú trọng làm các sản phẩm thô.
Thứ hai, ở các địa phương, mặc dù sự quan tâm, sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp tận dụng các FTA đã được cải thiện rất rõ rệt, tuy nhiên còn rất khiêm tốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân như nguồn nhân lực còn mỏng, chưa được đào tạo một cách bài bản về chuyên môn.
Thứ ba, chúng ta đang thiếu một cơ chế chi tiết, minh bạch, cụ thể và liên tục để đo lường kết quả thực thi FTA, từ đó đưa ra những giải pháp có sự thay đổi liên tục. Tức là kế hoạch thực thi đặt ra một kế hoạch dài hơi nhưng mỗi một bối cảnh chính trị, kinh tế thay đổi đòi hỏi các cơ quan cấp Trung ương, cơ quan cấp địa phương phải có những giải pháp một cách cụ thể và thiết thực hơn đối với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ họ có thể tận dụng hiệu quả các FTA .
Trong quá trình xây dựng Bộ Chỉ số FTA Index, cơ quan soạn thảo và Tổ biên tập đã đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, bao gồm tiến độ thời gian và nguồn kinh phí. Mặc dù FTA Index được tài trợ từ ngân sách, nhưng đến tháng 5/2024, cơ quan chuyên mới quyết định cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Sau đó, quá trình đấu thầu kéo dài 4 tháng, đến cuối tháng 9 mới chọn được đơn vị thực hiện công tác điều tra, phân tích dữ liệu, cũng như tổng hợp và xây dựng bộ chỉ số. Ngoài ra, còn phải đối mặt với nhiều công việc và thủ tục phức tạp khác, tạo áp lực về thời gian, chuyên môn và tài chính.
Tuy nhiên, vượt qua mọi rào cản và thách thức đó, Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng đã không ngừng nỗ lực để xây dựng báo cáo kết quả Bộ Chỉ số FTA Index. Hiện tại, báo cáo này đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét.
Theo bà Phương, FTA Index được ra đời nhằm mục tiêu hỗ trợ nhiều đối tượng khác nhau, từ Quốc hội, các cơ quan Trung ương và địa phương, đến nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp. FTA Index hoạt động như một chỉ số sức khỏe, đo lường khả năng của các tỉnh thành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Nhờ đó, các giải pháp hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và nhà đầu tư có thể được xây dựng một cách hiệu quả và tích cực hơn.
Đại diện Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng khi FTA Index hoàn thiện, nó sẽ trở thành công cụ giúp Quốc hội đánh giá, giám sát kết quả và chỉ đạo công tác thực thi FTA một cách tốt hơn. Đối với các cơ quan trung ương, FTA Index sẽ cải thiện công tác quản lý và hỗ trợ các địa phương cũng như doanh nghiệp một cách thiết thực hơn.