Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai: Ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số

(PLVN) -Sau Lạng Sơn, đến nay, Lào Cai là tỉnh thứ 2 trong cả nước áp dụng nền tảng cửa khẩu số (CKS). Việc triển khai nền tảng CKS và mã QR Code góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, giảm bớt thời gian xuất nhập cảnh (XNC), xuất nhập khẩu (XNK) cho DN và người dân.
Xuất hàng hóa sang Hà Khẩu (Trung Quốc) qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành.
Xuất hàng hóa sang Hà Khẩu (Trung Quốc) qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) Lào Cai có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia với chính diện chiều dài 17,292km, trên biên giới có 8 cột mốc, 3 cặp cửa khẩu quốc tế (CKQT) là Cửa khẩu quốc tế đường bộ (CKQTĐB) Lào Cai - Hà Khẩu, CKQTĐB số II Kim Thành - Bắc Sơn, CKQT Đường sắt Lào Cai - Sơn Yêu); quản lý địa bàn 4 xã, phường biên giới thuộc TP Lào Cai, và huyện Bảo Thắng. Trên địa bàn có 82 thôn, tổ dân phố (trong đó có 13 thôn, tổ dân phố giáp biên giới) với hơn 14.141 hộ/48.646 khẩu, 14 dân tộc cùng đan xen sinh sống (dân tộc Kinh chiếm gần 80%, còn lại là các dân tộc thiểu số như: Dáy, Mông, Dao, Tày, Nùng…).

Bước đầu áp dụng CKS trong XNK

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 50 xe hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc và hàng hóa nhập khẩu từ 250 - 300 xe. Tháng 6/2023, BQL Khu kinh tế chính thức đưa Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vào vận hành tại CKQTĐB số II Kim Thành, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thông quan XNK hàng hóa tại đây. Trung tâm có 8 cơ quan, đơn vị tiếp nhận và giải quyết các TTHC cho DN.

Việc đưa Trung tâm tiếp nhận, giải quyết TTHC tại CKĐB Kim Thành vào hoạt động hình thành một điểm tiếp nhận và trả kết quả duy nhất (One stop-một điểm dừng). Các cá nhân, DN khi tham gia XNK qua cửa khẩu Lào Cai, thay vì việc đến từng đơn vị như trước đây thì hiện chỉ phải qua Trung tâm để nộp hồ sơ và chờ nhận kết quả.

Đến 21/8, tỉnh Lào Cai triển khai áp dụng nền tảng CKS trong giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động XNC, XNK qua CKQTĐB số II Kim Thành. Các tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện khai báo trên hệ thống: https://cuakhauso.laocai.gov.vn để được giải quyết thủ tục XNC, XNK.

Đại úy Hoàng Minh Du, Phó trạm trưởng Trạm BPCKQT Kim Thành cho biết, CKS tại Lào Cai đi vào hoạt động góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng DN.

Việc ứng dụng các công nghệ mới nhằm tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhanh chóng, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng quản lý nhà nước trong quản lý XNC, XNK, đồng thời giúp DN làm thủ tục, tra cứu, theo dõi từ xa, nắm bắt được TTHC của DN đang ở công đoạn nào, vướng mắc ở đâu.

Các đơn vị thành viên cửa khẩu và các đơn vị kinh doanh kho bãi cũng được trang bị kiến thức kỹ năng quản lý và vận hành thành thạo phần mềm CKS, qua đó nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; giảm bớt thời gian XNC, XNK cho DN, tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.

Quản lý XNC bằng QR Code

Người dân làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc.

Người dân làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc.

Sau gần 3 năm khép chặt (từ tháng 3/2020), từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc bắt đầu tối ưu hóa các chính sách và biện pháp quản lý nhập cư để phù hợp với chính sách nới lỏng mới, ứng phó đại dịch COVID-19. Hiện nay, tại khu vực đường biên, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống hàng rào kiên cố. Do đó, cơ bản không còn tình trạng XNC trái phép. Người dân địa phương chủ yếu XNC bằng giấy thông hành.

Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định: Cư dân biên giới là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới, người có giấy phép của cơ quan công an tỉnh biên giới cho cư trú ở khu vực biên giới được miễn thuế với trị giá hải quan không quá 2 triệu đồng/1 người/1 ngày/1 lượt và không quá 4 lượt/ tháng. Với dân số gần 50 nghìn người, thuộc 14 dân tộc, các hoạt động XNC của người dân địa phương là rất lớn. Người dân xuất cảnh đi làm việc, chữa bệnh, thăm thân, sang trao đổi mặt hàng thiết yếu ở Trung Quốc và ngược lại.

Nếu như một số cửa khẩu khác 19h đã đóng cửa thì CKQTĐB Lào Cai mở cửa từ 7h - 22h đêm. 7h tối, người dân Việt Nam hay Trung Quốc còn xuất cảnh sang bên kia biên giới, gần 10h tối mới làm thủ tục trở về nước sở tại.

Thiếu tá Đào Văn Ninh, Trạm trưởng Trạm BPCKQTĐB Lào Cai cho biết, thực hiện CĐS trong hoạt động cửa khẩu, Đồn BPCKQT Lào Cai đã thí điểm kiểm soát người ra vào khu vực cửa khẩu bằng QR code. Thay vì phải chờ đợi khai báo như trước, giờ đây người dân, DN chỉ cần trình thẻ có QR code cho cán bộ quét mã. Tất cả các thao tác chỉ vài giây, rút ngắn rất nhiều thời gian so với việc nhập dữ liệu thủ công như trước.

Trạm BPCKQTĐB Lào Cai hiện có thêm cổng kiểm soát tự động, người dân được lấy vân tay, khuôn mặt, cấp mã vạch. Người XNC bằng QR code sẽ đi bằng cổng tự động, 10 ngày đóng dấu 1 lần trên thẻ thông hành. Hệ thống thông tin được kiểm soát gửi về Cục Cửa khẩu của BĐBP, kết nối với Cục XNC Bộ Công an.

Phần mềm quản lý người tại khu vực cửa khẩu bằng mã QR cá nhân đã giúp lực lượng BĐBP phát huy tốt vai trò, chức năng trong thực thi pháp luật tại cửa khẩu, bảo đảm duy trì an ninh trật tự thường xuyên, liên tục. Đồng thời giúp lực lượng chức năng thống kê nắm bắt chính xác số lượng người có vai trò, nhiệm vụ để phục vụ công tác báo cáo, điều tra, truy vết khi có tình huống xảy ra.

Việc triển khai các quy trình chuẩn hóa CKS tại Lào Cai được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu triển khai áp dụng với các thủ tục của các cơ quan cho DN XNK gồm thu phí sử dụng hạ tầng với phương tiện của Trung tâm Dịch vụ Khu Kinh tế; cấp phép vận tải quốc tế của Trạm Quản lý Vận tải Quốc tế; cấp Giấy Chứng nhận kiểm dịch y tế, thu phí kiểm tra, xử lý y tế với phương tiện, hàng hóa của Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế trên nền tảng CKS.

Giai đoạn tiếp theo triển khai áp dụng với các thủ tục liên quan đến lực lượng BĐBP gồm khai báo vào khu vực cửa khẩu; phân luồng, xếp “lốt” với phương tiện chở hàng xuất khẩu; giải quyết thủ tục XNC với người và phương tiện cho DN trên nền tảng CKS.

Đọc thêm