Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Cua Cà Mau – Lần thứ I năm 2022, tối ngày 24/12, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Khai mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ 03 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng lần thứ XVI, năm 2022 được diễn ra từ ngày 24/12 đến 26/12.
Tham gia Liên hoan lần này thu hút sự tham gia của 04 đội Đờn ca tài tử của 03 tỉnh, với hơn 100 tài tử đờn, tài tử ca. Trong đó, tỉnh Cà Mau có 02 đội, Bạc Liêu 01 đội và Sóc Trăng 01 đội.
Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, phát biểu khai mạc. |
Với chủ đề “Giai điệu Mũi Đất Xanh” Liên hoan lần này nhằm mục đích bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, thúc đẩy sự phát triển của phong trào đờn ca tài tử, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, tài tử ca đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ đờn ca tài tử của 03 tỉnh có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao khả năng chuyên môn. Tạo không khí vui tươi phấn khởi và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần quần chúng nhân dân. Qua đó, góp phần tôn vinh và quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng, đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Phát biểu tại Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử, ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng lần này diễn ra gắn với sự kiện Ngày hội Cua Cà Mau - Lần thứ I năm 2022. Đồng thời, là nơi giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sĩ; là cơ hội, điều kiện để các tỉnh liên kết chặt chẽ với nhau hơn, cùng đưa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ phát triển trong sự phát triển chung. Đặc biệt, Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng nhằm thực hiện Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ về “Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ”.
Ông Tạ Hoàng Hiện - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau trao cờ thi đua cho các đơn vị tham gia Liên hoan. |
Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ - phong phú. Trong đó, kho tàng di sản quý báu có Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình, những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam. Những cung thương sâu nặng ân tình của những vùng, miền ấy đã làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ người dân Nam bộ, bồi đắp cho mối cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt.
Cùng với đó, một loại hình nghệ thuật mới đã ra đời trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế, nhạc lễ Nam bộ và dân ca, đó chính là Đờn ca tài tử Nam bộ. Những câu ca, điệu đờn ấy không thuần tuý là những câu ca, điệu đờn, mà chính là tình người, tình đất phương Nam, chính vì vậy mà nó không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi Nam bộ, mà còn lan tỏa đến cả trong và ngoài nước.
Tiết mục thi Đờn ca tài tử tại đêm khai mạc Liên hoan. |
“Có thể nói, khó có thể diễn tả hết cảm xúc nghệ thuật đờn ca tài tử mang đến, trong đó ta thấy tình yêu quê hương, đất nước bao la; tình yêu đôi lứa; tình phụ, mẫu thiêng liêng, cao cả; tình bạn tri kỷ gắn bó keo sơn; tình anh, em ruột thịt. Giữa ca từ và chữ nhạc, giữa người ca và người đờn, giữa người biểu diễn và người nghe dù lạ hay quen, dù giàu sang hay nghèo, dù Bắc, Trung hay Nam nhưng khi cảm được chất tài tử thì đều như đã thấu hiểu nhau; cởi mở, thân thiện. Để rồi họ cùng bồng bềnh, trôi nổi giữa không gian đầy chất thơ, chất nhạc và chất đời. Đờn ca tài tử chấp cánh, thăng hoa, cũng chính họ sáng tạo nên cả một vườn hoa nghệ thuật tinh khiết trên vùng đất phù sa” - ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ.
Đờn ca tài tử Nam bộ là kết quả hội tụ dòng chảy âm nhạc từ nhiều vùng, miền khác nhau của Nam bộ, được hình thành từ cuối thế kỷ 19 và đã nhanh chóng phát triển mạnh trong phong trào văn hoá, văn nghệ và đã thấm sâu vào lòng người hâm mộ khắp cả vùng đất Nam bộ trong nhiều thập kỷ qua.
Vì vậy, với mong muốn phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện để các CLB Đờn ca tài tử trong tỉnh Cà Mau có dịp giao lưu, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động biểu diễn, nhằm nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ.