Vì đấy là một thoả thuận đa phương và đã được cả LHQ phê chuẩn nên chỉ khi Iran cũng rút khỏi thoả thuận thì nó mới không còn hiệu lực. EU có lợi ích thiết thực và chiến lược trong việc duy trì thoả thuận này.
Vấn đề đối với EU là phía Mỹ chủ trương trừng phạt không chỉ các doanh nghiệp và tư nhân Mỹ có quan hệ hợp tác với Iran mà cả doanh nghiệp và tư nhân bất cứ bên thứ ba nào khác như EU. Washington cảnh cáo các doanh nghiệp muốn tiếp tục làm ăn với Iran sẽ phải "gánh chịu hậu quả". Chính của Mỹ được cho là sẽ gây khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp châu Âu hiện đang làm ăn với Iran.
Trong chuyện này, EU nghe theo Mỹ thì bị thua thiệt. Nhưng nếu muốn đối phó Mỹ thì phải có phương cách khác sau khi mọi nỗ lực thuyết phục không đưa lại kết quả gì. Ở trong tình cảnh khó khăn và khó xử ấy, EU lục tìm lại được một công cụ pháp lý cũ. Đó là một bộ luật mà mục đích là để răn đe, tức là bộ luật này tạo ra cái lệ là không phải để áp dụng chính nó.
Tên gọi chính thức của nó là Blocking-Regulation Nr. 2271/96. Thời điểm ra đời của nó là năm 1996. Nó là câu trả lời của EC, tiền thân của EU hiện tại, về bộ luật Helms-Burton của Mỹ.
Thời ấy, chính quyền Mỹ siết chặt những biện pháp bao vây cấm vận và trừng phạt Cuba và dụng ý trừng phạt mọi đối tác bên ngoài nước Mỹ có quan hệ hợp tác với Cuba. Trong thực chất, bộ luật này của Mỹ can thiệp trực tiếp vào hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới.
EC dùng bộ luật Blocking-Regulation Nr.2271/96 để tạo cơ sở pháp lý đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp châu Âu trong việc duy trì quan hệ hợp tác với Cuba. Nội dung và mục đích của luật này là cấm các doanh nghiệp và cá nhân trong EC tuân thủ các biện pháp chính sách của Mỹ bao vây, cấm vận và trừng phạt Cuba.
Thực chất ở luật này là luật của EC nhưng lại nhằm vào Mỹ với thông điệp là nếu Mỹ trừng phạt những doanh nghiệp và cá nhân trong EC hợp tác với Cuba, tức là trừng phạt những hành động tuân thủ luật pháp chung của EC, nên sẽ là chuyện giữa Mỹ và EC chứ không phải giữa Mỹ với những doanh nghiệp và cá nhân riêng lẻ. Trong trường hợp này, phía EC sẽ buộc phải có biện pháp chính sách trả đũa và trừng phạt Mỹ.
Cái lệ ở luật này là dùng tác dụng răn đe và cảnh báo của việc dụng luật để không phải vận dụng luật trên thực tế. Năm 1998, Tổng thống Mỹ khi ấy là Bill Clinton đã phải rút tất cả các doanh nghiệp và cá nhân trong EU ra khỏi diện đối tượng áp dụng luật Helms-Burton của Mỹ.
Ở thời Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã có chuyện tương tự khi ông Obama chủ trương trừng phạt cả những doanh nghiệp và cá nhân bên ngoài nước Mỹ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Iran và Libia. Nhờ luật Blocking-Regulation nói trên mà phía Mỹ không làm gì được các doanh nghiệp và cá nhân của EU.
Bây giờ ở thời ông Trump trị vì nước Mỹ, chuyện cũ lại tái diễn và luật cũ của EU lại có cơ hội phát huy tác dụng. Trong thế giới pháp lý ở nhiều nơi trên thế giới, những luật được làm ra nhưng với chủ ý để không phải vận dụng vốn không hiếm.
Luật mở đường tạo ra cái lệ và cái lệ này dẫn đến mục đích là luật không cần phải được vận dụng mà vẫn có được hiệu lực và tác dụng đầy đủ. Trong EU hiện tại chẳng hạn như còn có luật về truất quyền biểu quyết của thành viên với cách tiếp cận và mục đích tương tự.
Trong chuyện hiện tại giữa Mỹ và EU liên quan đến Iran, cái khó đối với EU là ông Trump không giống như ông Clinton và ông Obama về tính cách cá nhân và đánh giá cao EU. Người này sẵn sàng bất chấp mọi quy định và quan tâm của EU. EU rất có thể phải dụng luật sau khi dụng lệ không đạt được kết quả như mong muốn. Nếu vậy thì đấy sẽ là lần đầu tiên cả luật lẫn lệ đều được vận dụng đối với EU.