Những ngày này, đi dọc các tuyến đường thuộc ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chúng ta hoàn toàn bất ngờ khi trước mắt toàn “lúa và lúa”. Hàng chục, hàng trăm bao lúa non, lúa ướt được người dân đổ ra phơi khắp các tuyến đường do lũ về sớm, thu hoạch “chạy”, chỉ toàn lúa non và lúa ướt.
Mặc dù đã được các ngành chức năng cảnh báo, lũ sẽ về sớm và cao hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh và ỉ lại vào các vụ thuận lợi của nhiều năm trước, người dân vẫn bất chấp xuống giống sản xuất lúa vụ Thu Đông dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.
16 công thu hoạch 16 bao
Bà con nông dân nơi đây đều cảm thấy buồn và thất vọng trước những thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều cánh đồng lúa đã trổ gần thu hoạch bị ngập đến tận cổ bông, nhiều khu đất lúa bị chìm hẳn dưới lòng nước lũ. Điều này tạo nên sự lo lắng, bất an, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của nhiều hộ gia đình. Trước hoàn cảnh đó, đối với những cánh ruộng bị ngập nhẹ người dân khẩn trương thu hoạch lúa non, những cánh đồng đã ngập lút nước người dân “gạt nước mắt” bỏ phế
Anh Võ Văn Thuồng (người dân ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông), là một trong những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp cho biết, diện tích đất nhà chỉ có 2 công (2000m2) nhưng thấy các năm trước trồng quá thuận lợi, người dân thu hoạch “đậm” nên gia đình đã thuê thêm 14 công, với giá 2 triệu đồng/công để mở rộng diên tích trồng trọt.
Nhiều cánh đồng ngập trắng nước, làm nhiều người dân lo lắng |
Tuy nhiên “người tính không bằng trời tính”. Năm nay, lũ bất ngờ về sớm nên 16 công đất chỉ thu hoạch được 16 bao lúa non, ướt tương đương 32 giạ lúa. Tương tự, ông Nguyễn Văn Ba (người dân ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông) tâm sự: “Để ngăn ngừa lũ về đột xuất, tôi và nhiều hộ dân xung quanh đã hùn gần 35 triệu để xây dựng bờ bao tạm với mong muốn ngăn nước lũ tràn vào nhưng nước lên quá cao và mạnh dẫn đến vỡ đê, nước tràn ngập đồng “mất cả chì lẫn chài”.
Lúa chỉ mới 70 ngày người dân buộc phải thu hoạch sớm và chấp nhận thua lỗ. “Những năm trước với 6 công lúa, thu hoạch hơn 4 tấn, thu nhập gần 20 triệu đồng. Năm nay 6 công chỉ thu hoạch được hơn chục bao toàn lúa xanh, không đủ tiền đắp đê. Giá chỉ khoảng 3.000 đồng/kg lúa nhưng thương lái không chịu mua vì vậy người dân phải phơi để bán lúa cho vịt ăn”, ông Ba chia sẻ.
Chia sẻ về khó khăn này, bà Nguyễn Thị Ơn (người dân ấp Vĩnh An) chia sẻ, tình hình này đường nào người dân cũng lỗ, hoàn toàn mất trắng, không vớt vát được gì. Nhà bà có 18 công đất trồng lúa nhưng cũng chỉ thu được gần 30 bao lúa non, lúa ướt.
“Nhìn thấy cảnh phải cắt lúa non chưa tới vụ thu hoạch muốn rớt nước mắt. Gia đình có 6 người tập trung làm 18 công đất nhưng cuộc sống khá bấp bênh bây giờ lại gặp tình trạng này thì càng khốn đốn. Cứ ỷ lại, cho rằng năm nay nhuần 2 tháng 6 và mấy năm trước nước lũ về rất ít nên người dân mới đầu tư vốn liếng của cải vào cánh đồng nào ngờ “mất trắng”, bà Ơn chia sẻ.
Người dân khẩn trương thu hoạch lúa ướt mang về |
Hàng tỷ đồng bị nước lũ nhấn chìm
Là người mấy mươi năm sống chung với lũ, ông Thái Văn Mỹ (ấp Vĩnh An) đánh giá, sau nhiều năm “vắng bóng” lũ, hay vũ về ít, năm nay lũ về sớm, nhanh và “mướt” hơn năm trước. Lũ năm nay còn cao hơn lũ năm 2011. Mọi năm, lũ lên khoảng 2 – 3 tấc sẽ chững lại và lên từ từ, chậm rãi vì vậy người dân phòng, chống lũ cũng dễ dàng. Năm nay,nước lũ sớm hơn năm trước gần 1 tháng, bắt đầu từ tháng 4 nước bắt đầu lấp xấp ngoài đồng, lên chừng 3 – 4 tấc sau đó lại lên nhanh liên tục nên người dân “trở tay không kịp”.
Ông Võ Văn Viên, Phó trưởng ấp Vĩnh An cho biết, thông thường ở các nơi khác chỉ làm 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Nhưng do tính đặc thù, người dân nơi đây đã tranh thủ gieo thêm vụ Thu Đông để tăng thu nhập. Nhiều năm trước vụ Thu Đông được người dân thực hiện “trót lọt” và “trúng đậm”do lũ về muộn, về ít thậm chí không về. Tuy nhiên năm nay do lũ bất ngờ về sớm hơn gần 1 tháng nên bà con “trở tay không kịp”.
Mặc dù khi phát hiện lũ về, người dân đã chủ động đắp đê ngăn lũ nhưng lũ vẫn tràn vào, gây ngập đồng, thất thu. Tổng thiệt hại ước tính trên 1,4 tỷ đồng. Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Hội Đông) đã có gần 60 hộ dân canh tác ngoài đê bao hoàn toàn chấp nhận thua lỗ. Diện tích gần 70 ha lúa đa phần đều bị nhấn chìm và “cam chịu” trước sự tấn công cấp tốc của nước lũ.
Người dân đau lòng trước cảnh lúa non “buộc” phải thu hoạch sớm |
Trong đó, có khoảng 95% diện tích đất bị ngập sâu và đứng trước nguy cơ “mất trắng”. Mặc dù lúa chưa chín, có những cánh đồng còn khoảng 15 – 20 ngày lúa mới thu hoạch được nhưng người dân vẫn “bóp bụng” thu hoạch lúa non với hy vọng “được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu”
Ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay vụ Thu Đông trên địa bàn huyện An Phú có khoảng 7.000 ha lúa và hoa màu được gieo trồng. Bắt đầu từ đầu tháng 7, công tác chuẩn bị đã được huyên thực hiện sát sao, nghiêm túc. Công tác nạo vét kênh mương, chuẩn bị trạm bơm. Hiện toàn huyện thu hoạch gần xong.
Tuy nhiên do lũ về sớm, nên người dân đã gặp rủi ro trong công tác trồng lúa vụ “phát sinh”. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo không nên gieo vụ 3 nhưng người dân không nghe nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài gần 70ha lúa bị ngập, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc còn có khoảng 20 ha bắp chuẩn bị thu hoạch cũng ngập sâu nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã đã tăng cường công tác thống kê, kiểm tra để xác định mức độ ảnh hưởng của lũ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Không chỉ ở An Giang mà các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều diện tích lúa bị ngập úng. Tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang nhiều hecta lúa bị ngập úng nặng, trong đó xã Mỹ Thái là 1 trong 4 xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất huyện.
Mang lúa non, lúa ướt ra phơi với hy vọng vớt vát lại chút ít |
Toàn xã đã gieo trồng gần 7.000 ha lúa và có hơn 2.000 ha bị ngập úng. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thái cho biết nguyên nhân chính dẫn đến ngập úng là do không có đê bao khép kín, nhiều diện tích trồng ngoài đê bao nên địa phương kiến nghị các ngành chức năng sớm có đê bao hoặc gia cố những bờ bao đã hư hỏng để lúa không bị ngập úng.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết đã đề nghị UBND các huyện có khả năng bị ảnh hưởng chủ động đắp đập, bờ bao, bảo đảm ngăn lũ. Đồng thời theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo tình hình và diễn biến mưa lũ thực tế, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và người dân biết để chủ động ứng phó, bảo vệ cây trồng, tránh thiệt hại, kịp thời khắc phục những hậu quả do mưa bão gây ra.