Muôn vàn khó khăn những ngày đầu thành lập
Do đặc thù chung của một tỉnh mới chia tách, ngày đầu khi mới thành lập Trung tâm TGPL chỉ có 6 biên chế, trụ sở làm việc phải thuê của người dân, trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác chuyên môn còn thiếu thốn nhiều mặt, đội ngũ cộng tác viên còn mỏng, việc thực hiện tham gia tố tụng còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, phụ thuộc nhiều vào luật sư là cộng tác viên. Nhu cầu về TGPL của nhân dân nói chung và cho đối tượng được hưởng TGPL nói riêng rất nhiều, đối tượng TGPL chủ yếu sinh sống ở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đường giao thông về các xã, thôn ở các huyện trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đa phần là đi xe ôm và đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới đến được điểm địa bàn dân cư tập trung sinh sống.
Hệ thống tổ chức TGPL được thành lập trong thời điểm Nhà nước đang thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế. Việc thành lập chi nhánh để triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn giữa công tác tổ chức, bộ máy, trụ sở hành chính, nguồn trợ giúp viên pháp lý còn mỏng, chi nhánh làm việc phải mượn phòng của Phòng Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp làm kiêm nhiệm Trưởng Chi nhánh, do còn công tác trong lĩnh vực chính chuyên môn nên việc kiêm nhiệm của người thực hiện TGPL ở cơ sở có hạn chế nhất định về thời gian, chất lượng và hiệu quả công việc. Nhận thức về công tác TGPL ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở còn chưa đầy đủ nên khi triển khai công tác TGPL chưa nhận được sự quan tâm phối hợp hỗ trợ chuyên sâu, chu đáo.
Việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên làm công tác TGPL chưa được đáp ứng yêu cầu. Công tác truyền thông về hoạt động TGPL còn hạn chế vì thiếu nguồn tài chính. Giải quyết thù lao cho vụ việc TGPL thấp chưa khuyến khích cho cộng tác viên thực hiện vụ việc.
Những con số đáng nhớ
Qua gần 20 năm thành lập, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt được kết quả đáng kể, thực sự trở thành một trong những hoạt động quan trọng của công tác tư pháp. Đến nay tổng số biên chế là 38, có 7 chi nhánh TGPL ở các huyện trọng điểm, đã thực hiện TGPL cho gần 24.000 vụ việc cho 7.227 người nghèo; 8.073 chính sách người có công với cách mạng ; 6.604 dân tộc thiểu số; 581 trẻ em; 246 người già; 280 người khuyết tật và 659 đối tượng khác. Trung tâm đã được bố trí trụ sở riêng, được sử dụng phương tiện, trang thiết bị làm việc và kinh phí đảm bảo hoạt động. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác TGPL từng bước được củng cố và tăng cường cả về số lượng và chất lượng, được cập nhật kiến thức pháp luật mới, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về TGPL. Đội ngũ cộng tác viên không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu về TGPL ngày càng tăng của nhân dân trong tỉnh.
Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, ban ngành có liên quan; đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng luôn chủ động triển khai thực hiện nội dung Thông tư liên tịch số 11/2013 ngày 04/7/2013 và tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên của Trung tâm tham gia tố tụng trong hoạt động TGPL được kịp thời, thuận lợi, góp phần hỗ trợ hoạt động tố tụng đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, nghiêm minh và đúng pháp luật.
Thực tiễn hoạt động TGPL trong thời gian qua đã chứng minh chủ trương của Đảng, Nhà nước về thành lập và phát triển hoạt động TGPL là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Trước yêu cầu phát triển của đất nước căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 và nhằm thực hiện các đạo luật quan trọng mới được ban hành, mọi tầng lớp nhân dân luôn mong mỏi Luật TGPL 2017, với chủ trương xã hội hóa, mở rộng nhiều đối tượng được TGPL, tiếp tục tạo thêm nhiều niềm tin hơn trong chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi - những người thực hiện TGPL luôn nguyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) của Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL trong thời gian tới.