“Điệp khúc” mất mùa, rớt giá...
Những ngày này đi qua nhiều cánh đồng lúa trên vùng đất Tây Nam bộ không khó để bắt gặp những cảnh lúa sập đổ do mưa lớn kéo dài, người dân nhọc nhằn trong việc thu hoạch, năng xuất lúa giảm do dịch bệnh thời tiết... Nhiều nhà nông đang rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Ông Nguyễn Công Hậu (nông dân huyện Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: “Gia đình tôi vừa thu hoạch 5 công lúa chỉ thu được hơn 2 tấn, giảm gần 1 tấn so với năm ngoái. Càng buồn hơn khi thương lái ngã giá chỉ 4.600 đồng/kg; với giá thấp, năng suất lại giảm nên cầm chắc lỗ”.
Còn ông Nguyễn Minh Triều (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch hơn 20 công (bằng 2ha) lúa, chỉ được 400-500kg/công năng suất giảm gần một nửa năng suất so với thời điểm trước. Trước đó, vì sợ mưa bão nên tôi đã dời ngày gặt lúa sớm hơn thời hạn nhưng cuối cùng vẫn gặp mưa lớn đã gây ngập ruộng không gặt bằng máy nên đành mướn người gặt tay. Vì thế chi phí rất cao nhưng năng suất lúa giảm mạnh khiến gia đình tôi bị lỗ nặng. Không chỉ vậy, dựa vào cớ lúa gặt tay thương lái mua giảm gần 1/3 so với giá lúa được cắt bằng máy gặt đập liên hợp.
Tương tự, lão nông Nguyễn Thành Công (72 tuổi, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) vừa thu hoạch xong 10 công lúa cho biết, đây là một trong những vụ lúa đạt năng suất thấp nhất trong nhiều năm gần đây. “Năng suất lúa hơn 30% sản lượng so với năm trước, phần do thời tiết năm này diễn biến thất thường và gặp sâu bệnh nhiều. Trong khi chi phí phân thuốc tăng cao, năng suất lại giảm nên cầm chắc lỗ. Làm quần quật với ruộng lúa hơn 3 tháng trời mà chẳng kiếm được đồng lời nào thì chán thật”.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ thu đông ĐBSCL xuống giống khoảng 832.000ha lúa. Thế nhưng chỉ riêng tỉnh Hậu Giang trong vụ lúa thu đông toàn tỉnh có hơn 3.200ha lúa bị nhiễm các loại dịch hại, với các đối tượng phổ biến như: rầy nâu, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá, lem lép hạt, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá…
Giải pháp nào cho nông dân ĐBSCL?!
Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân đã mạo hiểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng bởi không còn mặn mà với cây lúa. Một số hộ dân ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang… đã cải tạo đất trồng lúa để trồng hoa màu, cây ăn trái với hi vọng sẽ cải thiện thu nhập hơn so với trồng lúa.
Sau nhiều vụ lúa chẳng thu được lãi, bà Nguyễn Thị Bé Hân (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 5 công đất trồng lúa lâu năm
sang trồng sen lấy hạt. Bà Hân cho biết, “Thời gian gần đây năng suất lúa liên tục giảm, giá cả thì bấp bênh nên năm nay, gia đình tôi tiến hành trồng thử sen trên đất lúa xem thế nào?! Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng bước vào thu nhập từ sen cũng chưa mấy khởi sắc hơn cây lúa”.
Hiện nay người dân tại khu vực ĐBSCL đang loay hoay trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” bởi lúa là cây lương thực chủ lực của vùng. Một vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tìm ra giống lúa có năng suất cao, có khả năng chống chịu với sâu bệnh, chống đổ ngã, chịu mặn tốt, thích ứng với sự biến đổi khí hậu…
Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, đa phần nông dân phải tự để giống hoặc trao đổi với nhau để có lúa giống phục vụ sản xuất. “Hiện nay, nhu cầu lúa giống ở là rất lớn. Tuy nhiên, theo thống kê của các ngành chức năng thì nguồn giống chất lượng cao chỉ mới đáp ứng được khoảng 50%, còn lại là một thị trường hoàn toàn bỏ ngỏ. Chính vì thiếu giống nên chất lượng gạo cũng không đảm bảo” – tiến sĩ Thạch cho biết.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, hiện Viện lúa đang có khoảng 220ha sản xuất lúa giống với các giống chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu như OM5451, OM4900, OM4218… hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn lúa giống. Nhưng số lượng giống này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu lúa giống của ĐBSCL hiện nay, bình quân từ 400.000 – 500.000 tấn một năm.
Trong 2 ngày (26-27/9) tại Cần Thơ, Hội nghị “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm hiệu triệu các tư tưởng “đột phá” giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương trong vùng tìm ra giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100. Tin rằng, qua hội nghị này Chính phủ Việt Nam sẽ đặt ra “một trang mới” “thay da đổi thịt” cho nền nông nghiệp dễ bị “tổn thương” của ĐBSCL.