Trách nhiệm không thể “chìm”

(PLO) - Vụ chìm tàu du lịch ở Đà Nẵng làm nổi lên nhiều vấn đề trong việc quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, trách nhiệm của cơ quan và cá nhân liên quan tới vụ việc này.
Trách nhiệm không thể “chìm”

Điều ghi nhận đầu tiên là cách ứng phó với sự cố của những người lãnh đạo thành phố. Họ không né tránh mà thẳng thắn nhận trách nhiệm, họp báo cung cấp thông tin ngay tại bờ sông, nơi xảy ra tai nạn, họ có mặt tại hiện trường chỉ đạo trực tiếp việc cứu nạn và hỗ trợ cần thiết cho các nạn nhân.

Đáng nói hơn, việc truy trách nhiệm kịp thời, làm rõ những nguyên nhân xảy ra tai nạn, Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách Cảng vụ nội địa bị cách chức, buộc thôi việc toàn bộ kíp trực, khởi tố vụ án và bị can, tiếp tục yêu cầu Công an điều tra làm rõ và quy trách nhiệm những người có liên quan. Rà soát lại toàn bộ các phương tiện vận chuyển khách đường thủy tại thành phố này.

Không phải chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” mà chính là không để một vụ tương tự như vậy tái diễn. Nhưng, cũng cần phải làm rõ ràng, đây là “cái chết được báo trước” bởi chính cơ quan chức năng đã yêu cầu con tàu này ngừng hoạt động nhưng cảng vụ đã không nghe. Xa hơn nữa, lời cảnh báo của một sỹ quan Biên phòng “Du lịch Đà Nẵng làm ăn như cái lờ (dụng cụ đơm cá)” nhưng hẳn là “trung ngôn nghịch nhĩ” nên chẳng ai nghe ông cả. Dù sao, những động thái quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo và chính quyền địa phương cũng rất đáng hoan nghênh, đã không để một vụ chìm tàu thành “chìm xuồng” ví dụ như vụ chìm tàu Dìn Ký tang thương trên sông Sài Gòn chẳng hạn.

Sự ghi nhận đầy xúc động là hành động của những cư dân ở thành phố đáng sống này. Họ lao mình xuống dòng nước trong đêm, tận tình cứu vớt người bị nạn khi lực lượng chức năng chưa kịp đến, họ thực sự là những người hùng trong vụ này.

Đến cả người lái taxi cũng giữ gìn tài sản cho người bị nạn mà không nảy lòng tham và biết bao nghĩa cử của đồng bào khác khi những du khách gặp nạn. Những việc làm của người dân đã làm cho hình ảnh thành phố này đẹp đẽ hơn cho dù vụ chìm tàu đã làm “thành phố bị tai tiếng” (lời Bí thư Thành ủy Đà Nẵng). Và, thành phố ngay lập tức biểu dương, khen thưởng những người này cũng là một động thái tri ân và cổ vũ kịp thời những hành động dũng cảm.

“Đám mây đen nào cũng có ánh bạc”, câu ngạn ngữ phương Tây rất đúng với trường hợp này. Những ánh bạc ấy đem lại cho con người niềm tin vượt qua đau thương, mất mát thì ngày mai trời sẽ trong sáng hơn. Đà Nẵng đã làm được việc đó trong việc giữ gìn hình ảnh của thành phố mình.

Đọc thêm