Đáng lưu ý là có chế tài vật chất, nghĩa là toàn bộ thiệt hại người gây ra phải chịu bằng cách trừ dần vào lương(?!). Một vụ xử lý hành chính nhẹ nhàng mà đáng lẽ ra phải xử lý hình sự mới đúng với hành vi “rút ruột”, ăn cắp của công, gian dối và gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh điện lưới quốc gia. Vả lại, rất ít khi bắt được quả tang những hành vi rút ruột công trình như thế này, cần phải xử mạnh để làm gương.
Ở một diễn biến khác, vụ xử một “ông trùm giang hồ” từng gây chấn động dư luận và coi đây là “Năm Cam xứ Bắc” đã khép lại nhẹ nhàng với bản án 24 tháng tù giam. Các bị cáo tươi cười vui vẻ ra về sau khi Tòa tuyên án.
Thật khác với những gì người ta nghĩ trước đó với những hậu quả tày đình mà ông trùm này đã gây ra cho xã hội. Với một mức án như vậy, người ta hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật, hoặc nói theo cách của dân gian thì đây là một vụ án “đầu voi, đuôi chuột”.
Nếu cứ xử lý hành chính và hình sự kiểu như thế này thì hẳn sẽ còn nhiều các hành vi vi phạm pháp luật tương tự tái diễn. Mới đây, Thanh tra vừa phát hiện gần 1.900 tỷ đồng sắp bị “bốc hơi” ở công trình mở rộng tuyến quốc lộ I. Cũng như các vụ phát hiện sai phạm khác, người có trách nhiệm lập tức lên tiếng và hứa hẹn “sẽ xử lý nghiêm đối với bất kỳ ai, tổ chức và cá nhân nào gây ra...”. Thế nhưng, đối chiếu với những vụ đã xảy ra thì ai dám chắc rằng pháp luật sẽ nghiêm minh và không còn những chuyện “đầu voi, đuôi chuột” nữa?!
Cũng đáng lưu ý rằng, thi công những công trình xây dựng, bé như cái đường thôn, lớn như nhà máy nghìn tỷ mà cứ làm dấm dúi, bí mật như chuyện an ninh tầm quốc gia, chẳng ai có thể thực thi nghĩa vụ công dân của mình là giám sát thì những trường hợp rút ruột ngày càng gia tăng và không bị phát hiện, xử lý. Pháp luật nghiêm minh từ đầu, từ trong mỗi ý thức con người, đặc biệt là cán bộ thì đâu đến nỗi xảy ra cơ sự và tạo ra một dây chuyền đồng bộ về sự thiếu nghiêm minh.