Đồng dao không có tuổi trong thơ Nguyễn Trọng Tạo

(PLO) - Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có bài thơ khá nổi tiếng (Sau ông lấy tên chung cho tập thơ khá hay của mình) là “Đồng  dao của người lớn tuổi”.  Đọc xong, tôi nghĩ nên gọi ông là không có tuổi mới đúng chứ không phải lớn tuổi. 
Nhạc sỹ Phú Quang tặng hoa nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo tại đêm nhạc “Khúc hát sông quê”, tháng 9/2017.
Nhạc sỹ Phú Quang tặng hoa nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo tại đêm nhạc “Khúc hát sông quê”, tháng 9/2017.

Sau, tôi mới biết trong gia tài văn chương nghệ thuật đa tài của ông là nhạc, thơ, họa, ông còn là người viết văn xuôi và đặc biệt viết cho các em ở lứa tuổi thiếu nhi cả thơ và truyện. 

1. Tôi nghĩ, riêng ông đã có một “nhịp” riêng trong thi ca. Không chỉ là nhịp đồng dao ở cụ thể bài thơ đó mà đồng  dao cả trong thơ, âm hưởng nhạc của ông và cả các bìa sách ông vẽ nữa. Cái nhịp tưởng như tưng tửng, phiêu bồng ấy lại chứa đựng sau đó là những chiêm nghiệm sâu sắc từng trải bao nhân tình thế thái.

Cái nhịp đồng dao ấy cũng là tiết tấu của cuộc sống thường ngày của ông. Kể cả khi bên bàn rượu với bạn bè cứ  rủ rỉ giọng trầm đặc sệt quê Diễn Châu thế mà có khi kéo dài thâu  đêm suốt sáng…

Còn nhớ những ngày mới nhập ngũ, tôi về đoàn 22 huấn luyện tân binh (ở huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh), sau đó được lựa chọn đi học trường hạ sĩ. Ngôi trường ấy rèn luyện tân binh khắc nghiệt có tiếng.

Tôi vẫn còn ám ảnh cái “Dốc  hạ sĩ” màu đất đỏ  quyệt dính bết như một con trăn lớn chảy từ đỉnh xuống chân núi. “Dốc  hạ sĩ” khi mưa thì đường trơn lầy lội như ai đó đổ mỡ, thế mà lớp học viên chúng tôi tuần nào cũng phải leo lên để vào rừng chặt nứa về làm doanh trại.

Một lần quá mệt, nhóm ba đứa chúng tôi (thường gọi là “tổ tam tam”) nằm gối đầu lên bó nứa mệt bả hơi thở ra cả làn khói sương trắng mùa đông lạnh giá. Bỗng nghe ai đó ở lưng chừng dốc xướng lên những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo: “Ở nhà có mẹ có cha – Về đây có tổ ba ba chúng mình”.

Thế là bao mệt nhọc trút đi hết, hào hứng trở lại. Người khỏe kéo người yếu, người khéo tay giúp người vụng bó gác nứa chắc gọn lăn xuống dốc. Không biết cái nhịp thơ dân dã như  ca dao ấy đã thấm vào bao giờ mà “Tổ ba người” trở thành bài thơ phổ biến.

Sau này, tôi được biên chế về sư đoàn 341B làm đường tàu Thống nhất thì Nguyễn Trọng Tạo là đội trưởng của đội Tuyên văn trên sư đoàn. Một sự tình cờ may mắn, do có vài bài thơ in báo Quân khu 4, tôi được quân lực điều về ban sáng tác của đội văn nghệ trung đoàn 22 thuộc sư đoàn 341B.

Tại đây, thỉnh thoảng về sư đoàn tham dự các mùa hội diễn văn nghệ thường kì tôi được biết ông. Thật ra là ngắm ông từ xa. Một trung úy điển trai, tóc xoăn, dáng gầy gầy. Rồi cái lần đội văn nghệ chúng tôi đang tập thì nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dẫn hai sĩ quan quân đội ghé thăm.

Đó là trung tá nhà văn Hữu Mai và thiếu tá nhà văn Hải Hồ, cả hai đang đi thực tế viết về các đơn vị làm đường sắt thống nhất. Tôi nghe các ông loáng thoáng nói chuyện với nhau mới biết là Nguyễn Trọng Tạo đang viết tiểu thuyết “Chính ủy và tôi” –nhân vật chính là chính ủy trung đoàn tôi.

Chao ôi, tiểu thuyết nghe đến đó tôi đã giật mình ngưỡng mộ ông bởi nhìn những pho sánh dày cộm hàng trăm trang tôi đã thấy ngợp. Choáng. Nhưng không hiểu vì sao mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy cuốn tiểu thuyết này ra đời và cũng chưa có dịp hỏi ông.

2. Năm 1982 tôi đi ôn thi ở trường văn hóa quân đội và thi đậu vào Học viện KTQS. Một lần về Hà Nội, tôi được rủ đến khu Vân Hồ có trại viết quân đội thăm nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đang ở đó. Khu nhà cấp bốn, mỗi phòng hai nhà văn quân đội, ông ở cùng phòng với nhà thơ Nguyễn Hoa.

Căn phòng chia đôi một bức vách chỉ chừa một lối đi cho cả hai người, Nguyễn Trọng Tạo ở phòng trong. Trong khi nhà thơ Nguyễn Hoa đang sốt sắng đun nước niềm nở pha trà mời khách thì ông lấy tờ báo Văn Nghệ trên bàn và khoe với chúng tôi bài thơ mới đăng chiếm gần trọn một trang báo – Bài “Tản mạn thơ tôi sống”.

Có thể nói “Tản mạn thời tôi sống” của ông cùng với bài thơ “Nói với con” của Thạch Quỳ đã gây được tiếng vang trong dư luận bấy giờ. Đây là những cột mốc đánh dấu   thời kì văn học đổi mới: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa – Như thời đã đi qua như thời rồi sẽ đến”.

Cái điệp khúc ấy như một thông điệp riết ráo đã dự báo khá chính xác “thời tiết nhân văn thế sự” của đời sống xã hội bấy giờ với bao mâu thuẫn  nội tại. Chỉ có nhà thơ với ăng - ten khá nhạy cảm của mình mới bắt được những tín hiệu và phát sóng: “Thời tôi sống với bao nhiêu câu hỏi – Câu trả lời thật không dễ dàng chi”.

Cái chất đồng dao thế sự với những trực cảm đau đáu hướng tới cái lõi nhân văn đầy chất phản biện qua ngòi bút của Nguyễn Trọng Tạo được láy lại khi ông viết bài thơ “Tin thì tin, không tin thì thôi”. Để nói ra được điều này, trái tim của thi sĩ rớm máu chứ không phải một lối buông xuôi tưng tửng. Bởi “Nhưng tôi người cầm bút , than ôi – Không thể không tin gì mà viết” .

Và ông đặt niềm tin vào con người, đặt cược niềm tin vào ngòi bút để không hổ danh, hổ thẹn. Kể cả trong những cuộc vui đến mức: “Tôi uống , đền đài ngã nghiêng say” hay khi “Tôi còn cái xác không hồn – Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai”.

Hai yếu tố còn và mất, được và cho luôn là những hàm nghĩa ân tình khi ông thú nhận: “Chia cho em một đời thơ – một lênh đênh, một dại khờ, một tôi”. Cái một, cái riêng, cái tôi là bản thể của sự sáng tạo.

Ông không chỉ một trong thơ mà cả trong nhạc, họa và một cả trong tính cách đời sống thường ngày. Có thể nói Nguyễn Trọng Tạo là người luôn ưu ái phát hiện nâng đỡ các tác giả trẻ. Trường hợp Văn Cầm Hãi, Vi Thùy Linh và nhiều người khác là những điển hình có công giới thiệu thiên tài của ông…

Còn nhớ, TP Vinh cuối những năm 80 khi thời kì bao cấp cấm vận giao lưu hàng  hóa thắt chặt đời sống khó khăn đến nỗi: “Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”. Tôi  thường  ra Vinh để mua đồ máy cho dân biển quê tôi vì hồi đó sau khi học xong Học viện KTQS tôi  ra quân vì mê văn chương và không phù hợp với công việc kỹ thuật.

Một lần đến Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh tình cờ gặp nhà thơ Thạch Quỳ, ông rủ tôi về nhà ở trong khu tập thể nhà lắp ghép phố Quang Trung. Tôi hỏi ông lâu nay có gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không? Thạch Quỳ thủng thẳng: Thỉnh thoảng Tạo có ghé qua đây uống rượu đọc thơ, nghe nói có căn phòng  được Quân khu 4 phân cho ở gần đường Mương.

Tôi liền cùng bạn thơ Bùi Sĩ Hoa ghé qua Hội Văn nghệ rủ thêm thi sĩ Tuyết Nga lại nhà Nguyễn Trọng Tạo. Nói là nhà nhưng chỉ là căn phòng cấp bốn. Trưa hôm đó chúng tôi ăn cơm. Phải nói rằng Nguyễn Trọng Tạo khá tinh tế trong ẩm thực từ cọng rau thơm đến quả ớt. Ông bảo học được ở nhà thơ Phùng Quán.

Ông uống rượu để nhấm những câu chuyện về thi ca. Uống lai rai, uống bền và sâu. Cung cách uống của ông thì khá bình dị nhưng khi nâng tay đưa chén rượu lên lại như là một nghi lễ. Ông bảo, uống rượu với Văn Cao tuyệt lắm. Ông Văn có nhận xét về rượu rất chi lí và đầy ấn tượng: “Rượu  Bàu Đá dày, rượu Làng Vân mỏng”. Chúng tôi ngồi nhâm nhi ly rượu trắng với mấy củ lạc rang và đọc thơ.

Tôi không hiểu vì sao Nguyễn Trọng Tạo ít khi phổ nhạc thơ mình mà hay phổ thơ người khác, nhất là những bài thơ viết về hồn quê đầy chất dân gian. Ông nâng niu chắp cánh thăng hoa cho mạch cảm xúc của người khác như là một sự cộng hưởng liên tài. Nguyễn Trọng Tạo có lần bảo tôi: “Em phải gác lại mấy cái máy đẩy, máy nổ mà đi học trường viết văn Nguyễn Du. Kiếm tiền thế là đủ rồi. Vâng, phải đi học chứ!”.

Sau đó tôi ra Hà Nội học. Một chiều, trường Đại học Văn hóa cạnh trường tôi tổ chức đêm thơ nhạc mời mấy nhạc sĩ  nổi tiếng. Tôi đang viết bài ở tầng hai thì nghe bác bảo vệ gọi xuống có khách. Khách là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ông bảo tôi đưa đến thăm Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Thầy Hiến và cô Nga (vợ thầy) quý ông lắm, hai người hàn huyên trò chuyện như hai người bạn lâu ngày. 

Chiều đó tôi mời ông đi ăn cơm bụi. Bữa cơm hai anh em thật đạm bạc như ngày nào ở thành phố Vinh mà ông đã nấu đãi tôi.  Vẫn cái món canh riêu cua, cà pháo và đĩa cá lóc kho tương cùng chai rượu nút lá chuối. Ông bảo tôi đọc thơ gật gù nghe và nhận xét: Chú mày “nạt thơ”. Có một điều thú vị ông và tôi đều viết trường ca về Ngã ba Đồng Lộc.

Trường ca của ông “Con đường của những vì sao” viết trước tôi hàng chục năm khi cuộc chiến vừa mới kết thúc , khi ám ảnh chiến tranh còn  sặc khói bom. Ngã ba lúc đó còn ngổn ngang hố bom, đất đai chưa kịp lợp lại màu xanh lá cỏ. Mộ mười cô TNXP còn là mộ đất, xung quanh là vườn rào bằng tre.  Còn trường ca “Ngã ba Đồng Lộc” của tôi viết khi nơi đây đã xây dựng hoành tráng thành khu tưởng niệm di tích Ngã ba Đồng Lộc. Mỗi người có một cách đi riêng.

Khi viết những dòng này về ông là khi tôi vừa biên tập xong tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 12 năm 2018 có chùm thơ  6 bài của Nguyễn Trọng Tạo. Nhà thơ quê cha ở Diễn Châu (Nghệ An) và quê mẹ ở Can Lộc (Hà Tĩnh). Khi chọn bài thơ “Nhớ Rú Cài” tôi nhận thấy ở ông tình quê thật đậm đà và sâu sắc: “Quê cha lèn Hai Vai-Quê mẹ chân Rú Cài-Nghệ An và Hà Tĩnh-Là tình tôi nhân hai –Lâu lâu tôi về ngoại-Cậu dì chẳng còn ai –Lâu lâu tôi nhớ lại –Một căn nhà ngói dài”...

Những ngày này ông đang chống chọi với bạo bệnh, cầu mong cho ông “Bạn hãy quên vất vả hàng ngày - Bao lo lắng đời thường làm tuổi xanh ta bạc tóc – Chỉ hy vọng và niềm tin giúp ta thêm sức lực - Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho- Nhưng bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”.Vâng, mùa của thời gian và mùa của tình yêu cuộc sống ,của những khúc “Đồng dao không có tuổi“...