Động đất gia tăng tại Kon Tum, Chính phủ ban hành công điện

- Từ ngày 28/7 đến 15 giờ 32 phút ngày 29/7, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) đã xảy ra 52 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5,0. Với tần suất các trận động đất liên tục như vậy được cho là 'kỷ lục' từ trước đến nay tại khu vực này và trên cả nước.
Liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (ẢNh: Báo Chính phủ)

Trước sự nguy cấp của tình hình, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Báo Chính phủ thể hiện rõ nội dung công điện nêu: “Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29 tháng 7 năm 2024 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28 tháng 7 năm 2024 với độ lớn M = 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận (đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực); theo thông tin sơ bộ, động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất”.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực:

a) Thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

c) Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).

d) Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.

4. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.

5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về động đất, tăng cường truyền thông, hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó với động đất, tránh hoang mang và giảm thiệt hại do động đất.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia theo nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất theo quy định, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền

Theo Báo Nhân dân, về nguyên nhân xảy ra liên tiếp các trận động đất tại huyện huyện Kon Plông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Trước đây, khu vực Kon Tum từng là nơi có hoạt động địa chất tương đối ổn định so với nhiều khu vực trên cả nước, ít ghi nhận hoạt động động đất. Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất có độ lớn là 3,9.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất kích thích đã xảy ra tại Kon Tum, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7 có độ lớn 5,0.

Các cán bộ của Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) theo dõi các trận động đất trên hệ thống. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cũng lưu ý, việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động địa chấn kiến tạo, thủy văn, quy mô lượng nước hồ chứa, mực nước và tốc độ tích nước. Cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được các mối liên quan này. Hiện nay, Viện Vật lý Địa cầu đang triển khai mạng trạm quan trắc địa phương gồm 11 trạm và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu (trong ba năm) để đánh giá mức độ hoạt động động đất ở khu vực này. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là hoạt động động đất kích thích tại Kon Plông sẽ diễn ra trong bao lâu. Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sơn La. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại Sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với cả nghìn trận. Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông cũng có thể kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau khi thủy điện tích nước đủ và nước ngấm xuống, bắt đầu ổn định các nền đất, và độ lớn động đất khó có khả năng vượt qua 5,5. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chuyên sâu cần được thực hiện để đánh giá mức độ lớn nhất này. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cũng lưu ý, trên thế giới đã ghi nhận động đất kích thích kéo dài gần 40 năm.

Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực, nhất là vùng tâm chấn. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ động đất và đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn. UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân.

Viện Vật lý Địa cầu cho biết sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận, đồng thời thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.