Hà Nội: Cần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Sở TN&MT TP Hà Nội, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế và có tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến.
Hà Nội vẫn còn tình trạng đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Hà Nội vẫn còn tình trạng đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng xử lý đối với các loại tội phạm về môi trường, hiện nay cơ bản đã đầy đủ bao gồm cả Luật hình sự và các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan; ngoài ra cũng có các quy định hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Tài Nguyên và Môi trường giúp cho việc vận dụng, áp dụng luật được chính xác, đồng bộ. Tuy nhiên, tội phạm về lĩnh vực môi trường vẫn diễn biến rất phức tạp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội tội phạm về môi trường tuy không quá bức xúc về quy mô, mức độ ảnh hưởng nhưng lại tiềm ẩn trên nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi các yếu tố môi trường có tính chất “cộng hưởng” dẫn tới ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí trên địa bàn Thành phố vẫn ở mức báo động, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Trên các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động như: khu vực làng nghề, hoạt động xử lý chất thải (bao gồm các chất thải công nghiệp, xây dựng, chất thải nguy hại), hoạt động xây dựng, giao thông vận tải…là những lĩnh vực hiện công tác quản lý nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường còn hạn chế, cơ sở hạ tầng, quy định về bảo vệ môi trường còn thiếu đồng bộ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, đến nay đã xử lý vi phạm hành chính và tham mưu UBND thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 cơ sở vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với tổng số tiền xử phạt là 1.299.225.060 đồng.

Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội, đã lập hồ sơ đề nghị các cấp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1.285 vụ việc, xử phạt tiền 1.179 vụ việc, với tổng số tiền xử phạt là 10.699.116.000 đồng.

Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thành lập 02 Đoàn kiểm tra, đã kiểm tra và hướng dẫn 28 doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp và Ban này không xử phạt hay kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cơ sở nào.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã thành lập 71 Đoàn kiểm tra, đã kiểm tra 1.535 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 281 cơ sở (vụ việc) với tổng số tiền xử phạt là 7.943.335.767 đồng.

Theo Sở TN&MT TP Hà Nội, các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường nhiều nhất, thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đúng, không đầy đủ về quan trắc nước thải, giám sát môi trường theo nội dung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Nguyên nhân vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở TN&MT nhận định, do chúng ta đang trong giai đoạn phát triển nhanh với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển cao đã kéo theo nhiều áp lực đến môi trường; do tác động trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng dẫn đến đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho công tác bảo vệ môi trường bị giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe tội phạm, vi phạm pháp luật, bởi qua thực tế, đấu tranh của các đơn vị trong lực lượng Công an thành phố cho thấy: Số lượng vụ xử lý hình sự tội môi trường không nhiều (chủ yếu khởi tố theo Điều 244 Bộ Luật hình sự năm 2015 – Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; mới xử lý hình sự một vụ duy nhất vi phạm Điều 235 – Tội gây ô nhiễm môi trường).

Để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật môi trường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường ngay từ “nguồn”; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho tổ chức, cá nhân hoạt động có ảnh hưởng, tác động đến môi trường, để họ nhận thức được tầm quan trọng, trách nhiệm duy trì, bảo vệ môi trường và cũng như trách nhiệm pháp lý mà các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cần phải tích cực, chủ động, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát huy hiệu quả quản lý để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành cần quan tâm, kiểm tra xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn nữa, thay vì tập trung kiểm tra thủ tục hành chính. Thanh tra môi trường mới là lực lượng chuyên trách xử lý vi phạm hành chính về môi trường hiện nay.

Còn theo lãnh đạo Sở TN&MT TP Hà Nội cho rằng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật vê tội phạm môi trường có như vậy, mới nâng cao được hiệu quả hoạt động phòng ngừa các tội phạm về môi trường hiện nay; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vị phạm về môi trường; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng có liên quan phải thường xuyên, chặt chẽ để trao đổi thông tin nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như việc phát hiện tội phạm về môi trường; triển khai thực hiện quy chế (kế hoạch) phối hợp liên ngành trong hoạt động xử lý các vi phạm về môi trường để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường.

Đọc thêm