Động lực thúc đẩy các dự án điện ảnh dành cho thiếu nhi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, khi phim thiếu nhi ở cả mảng truyền hình lẫn chiếu rạp vắng bóng, thì những người làm phim “Cổ tích Việt Nam” vẫn tiếp tục hành trình của mình. Đây có thể sẽ là động lực cho các dự án truyền hình - điện ảnh dành cho thiếu nhi.
Một cảnh trong phim cổ tích “Gái khôn được chồng” của Đài Truyền hình Vĩnh Long.
Một cảnh trong phim cổ tích “Gái khôn được chồng” của Đài Truyền hình Vĩnh Long.

Hành trình bền bỉ

Còn nhớ, có một thời, series “Truyện cổ tích Việt Nam” được chiếu trên truyền hình cũng đã làm say đắm bao thế hệ thiếu nhi. Cổ tích Việt Nam ra đời từ năm 1993, do hãng phim Phương Nam đặt hàng nhà văn Nguyễn Đông Thức chuyển thể một số tác phẩm trong tuyển tập Kho tàng cổ tích Việt Nam của tác giả Nguyễn Đổng Chi để dựng phim.

Sau đó, nhà sản xuất bán bản quyền cho các đài truyền hình lớn như HTV, THVL và dòng phim cổ tích thiếu nhi trở nên thịnh hành, được khán giả nhỏ tuổi và nhiều lứa tuổi khác cực kì yêu thích. Số tập phim cổ tích lên đến 19 tập, một con số “khủng” thời điểm này. Đến năm 2005, Cổ tích Việt Nam tạm ngưng phát hành.

Đến năm 2016, Phương Nam phim và Đài Truyền hình Vĩnh Long tiếp tục thực hiện các dự án phim “Cổ tích Việt Nam” như “Cậu bé nước Nam”, “Hai chàng Hảo Hớn”...

Đồng thời, cũng trong năm, nhà sản xuất đã tận dụng nền tảng mạng xã hội, đăng tải các tập phim cũ - mới của “Cổ tích Việt Nam” như “Vợ cóc, Cóc và phượng hoàng”, “Thạch Sùng”... và nhận về hàng chục triệu lượt view cho mỗi video, đánh bại nhiều dự án điện ảnh, truyền hình nổi tiếng. Cho đến hiện nay, vẫn liên tục có người truy cập, xem những tập phim này trên Youtube.

Hiện, dự án “Cổ tích Việt Nam” do Đài Truyền hình Vĩnh Long cùng Phương Nam Phim vẫn được tiếp tục thực hiện, đang phát sóng là “Gái khôn được chồng” (60 tập) và dự kiến bấm máy vào cuối năm nay là “Vua dế”. Với dàn diễn viên mới, trẻ trung, đang có tiếng, kĩ xảo tốt hơn, phim đang thu được nhiều hiệu ứng tốt từ phía đông đảo khán giả nhỏ tuổi.

Có thể nói, “Cổ tích Việt Nam” là dự án phim dài tập dành cho thiếu nhi kéo dài một thập kỷ, với kinh phí không lớn nhưng đã ươm mầm cho nhiều tài năng điện ảnh, đồng thời chinh phục biết bao khán giả ở đủ mọi lứa tuổi, nhiều thế hệ.

Vắng bóng phim truyền hình thiếu nhi

Trái ngược với hành trình bền bỉ của phim cổ tích Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, phim truyền hình vắng bóng mảng phim dành cho thiếu nhi. Có lẽ, phải đến gần chục năm nay, hầu như rất hiếm có một bộ phim truyền hình dài tập nào có đề tài về trẻ em được phát sóng.

Từng có một thời, phim thiếu nhi ở giai đoạn “hoàng kim” với rất nhiều bộ phim hay, giá trị mà đến ngày nay, bao thế hệ thiếu nhi - người lớn còn nhắc mãi. Đó là những bộ phim thiếu nhi đã thành kinh điển của điện ảnh Việt như “Đất phương Nam”, “Kính vạn hoa”, “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Trinh thám nghiệp dư”, “Ngũ quái Sài Gòn”, “Những thiên thần áo trắng”...

Ở giai đoạn những năm 2000 - 2005, nhiều phim thiếu nhi ra đời, được đánh giá nội dung đa dạng, hấp dẫn, diễn viên nhập vai chân thực thì cách làm phim phù hợp tâm lý lứa tuổi.

Đặc biệt, “Đất phương Nam”, bộ phim chuyển thế theo tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi đã trở thành một hình mẫu cho phim truyền hình thiếu nhi. Phim được xây dựng sống động, chân thực và giàu cảm xúc đã chinh phục cả các em thiếu nhi lẫn các bậc phụ huynh bao thế hệ.

Giờ đây, phim truyền hình thiếu nhi đã vắng bóng quá lâu. Nhiều người vẫn cho rằng, ngày nay các em thiếu nhi có quá nhiều thú vui giải trí, có các bộ phim hoạt hình ngoại, có các trò chơi online, chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi... Phim truyền hình chỉ là một mảng nhỏ và nếu có, các em chưa chắc đã yêu thích.

Nhưng thực tế, tình cảm mà các em nhỏ dành cho chương trình kịch “Ngày xửa ngày xưa” từ hàng chục năm nay đã cho thấy mối quan tâm, say mê của các em dành cho phim, kịch thiếu nhi.

Thông qua những bộ phim, vở kịch thiếu nhi, các em không chỉ được giải trí mà còn học hỏi thêm nhiều điều hay, những bài học đạo đức, ứng xử, kĩ năng sống qua các câu chuyện.

Và cạnh những bài học làm người, tình yêu thương gia đình, bè bạn, các em còn được tìm hiểu nhiều điều hay về các vấn đề xã hội, về văn hóa, lịch sử đất nước.

Hy vọng rằng, hành trình bền bỉ của những người làm phim “Cổ tích Việt Nam” cùng với những kết quả khả quan họ đạt được sẽ là động lực thúc đẩy cho nhiều dự án truyền hình - điện ảnh dành cho thiếu nhi khác.

Đọc thêm