Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Trọng Toàn đồng chủ trì.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ môi trường, thúc đẩy sản xuất xanh và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh. |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, Đồng Nai nằm trong nhóm sáu địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu ngân sách và thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, bốn cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, cùng 11 đô thị đã được phê duyệt quy hoạch và đang trong quá trình rà soát điều chỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội, Đồng Nai đang đối mặt với áp lực môi trường ngày càng gia tăng tại các khu vực đô thị, công nghiệp và nông thôn. Tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất đai và chất thải phát sinh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân và mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác kiểm soát chất lượng môi trường vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đồng đều giữa các khu vực và lĩnh vực.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, ban quản lý khu công nghiệp và doanh nghiệp đánh giá toàn diện thực trạng môi trường; chia sẻ mô hình, kinh nghiệm thực tiễn trong kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hợp tác công, tư trong quản lý môi trường.
Các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích những bất cập trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị; đề xuất phát triển cụm công nghiệp theo mô hình xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Một số ý kiến kiến nghị cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất tuần hoàn, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong giám sát và quy hoạch môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đánh giá, hội nghị đã làm rõ bốn nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị và nông thôn đang đòi hỏi giải pháp cấp thiết về xử lý nước thải sinh hoạt và tái cấu trúc hạ tầng môi trường. Thứ hai, nhiều cụm công nghiệp vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc chưa tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật, là “lỗ hổng” lớn cần khẩn trương khắc phục. Thứ ba, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong đổi mới công nghệ và đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo hướng sản xuất sạch hơn. Thứ tư, chính quyền các cấp cần phát huy vai trò trong công tác quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp, giám sát cộng đồng, hướng tới mô hình quản trị môi trường đồng bộ và hiệu quả.
Trên cơ sở nội dung hội nghị, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổng hợp ý kiến, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Trọng tâm là kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm, tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường, điều chỉnh chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là trong xử lý nước thải đô thị, đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, sạch và tuần hoàn.