Thông tin với báo giới, ông Phạm Minh Thành - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, trong số 39 hồ sơ có 8 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216, Bộ Luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
29 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214, Bộ Luật Hình sự về tội gian lận bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Có 2 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215, Bộ Luật Hình sự về tội gian lận bảo hiểm y tế.
Kết quả đến nay có 3 hồ sơ đã bị khởi tố theo Điều 214, Bộ Luật Hình sự.
Tính đến giữa tháng 3/2024, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 808,5 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Minh Thành, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, giúp người lao động được ghi nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, góp phần giải quyết một phần khó khăn, vướng mắc thực tế nhiều năm qua, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã chỉnh lý bổ sung quy định cơ chế có tính chất “đặc thù” để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động bỏ trốn, không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Thực trạng này đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, điển hình là trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn KL Texwell Vina ở Trảng Bom năm 2018. Vụ việc đã để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho cả người lao động và các cơ quan có liên quan.
Do vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai tán thành bổ sung một điều quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.