Đồng Nai nghiên cứu đường trên cao nối QL51 với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nhà đầu tư đề xuất xây đường trên cao dọc QL51, kết nối trực tiếp cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhằm giảm ùn tắc, tăng khả năng lưu thông và kết nối vùng.

Mở rộng QL51 theo hướng "cao tốc trên cao"

Để giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 51 và tăng cường kết nối liên vùng, nhà đầu tư đã đề xuất phương án xây dựng tuyến đường trên cao từ ngã tư Vũng Tàu đến điểm đầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai ngày 8/4, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), đơn vị thực hiện dự án đã trình phương án bổ sung, kéo dài tuyến đường trên cao từ ngã tư Vũng Tàu đến cổng 11, đồng thời kết nối trực tiếp với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đề xuất đường dọc QL51 sẽ được xây dựng trên cao với 6 làn xe, giảm giải phóng mặt bằng

Theo đề xuất đường dọc QL51 sẽ được xây dựng trên cao với 6 làn xe, giảm giải phóng mặt bằng

Đây là lần đề xuất thứ ba nhằm cập nhật và hoàn thiện thiết kế theo yêu cầu của địa phương, đảm bảo đồng bộ với các tuyến giao thông lớn đang triển khai trong khu vực. Theo phương án mới, cầu cạn 6 làn xe sẽ được xây dựng ngay trên phần đường QL51 hiện hữu (hiện có 8 làn dưới thấp), nâng tổng số làn lên 14. Tuyến đường trên cao này có chiều dài hơn 5km.

Việc chọn phương án cầu cạn thay vì mở rộng mặt đất được đánh giá là hợp lý, giúp hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thi công và giảm tác động đến giao thông hiện tại trên tuyến QL51 hiện đang phải gánh lưu lượng hơn 60.000 lượt xe mỗi ngày.

Thiết kế nút giao hiện đại, kết nối trực tiếp cao tốc

Nhà đầu tư cũng đưa ra hai nhóm phương án kéo dài tuyến đường trên cao nhằm kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bao gồm phương án kết nối gián tiếp và phương án kết nối trực tiếp.

Theo đó, phương án kết nối không trực tiếp dự kiến cho phép tuyến đường trên cao sau khi vượt qua cổng 11 sẽ tiếp đất tại đường Võ Nguyên Giáp, sau đó phương tiện sẽ tiếp tục lưu thông theo các tuyến đường hiện hữu để nhập vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Nút giao ngã tư Vũng Tàu hiện hữu, vị trí sẽ được cải tạo theo hướng thiết kế dạng "bóng đèn" trong phương án mới

Nút giao ngã tư Vũng Tàu hiện hữu, vị trí sẽ được cải tạo theo hướng thiết kế dạng "bóng đèn" trong phương án mới

Ưu điểm của phương án này là không cần điều chỉnh thiết kế nút giao hiện tại và không phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhược điểm là không tạo được kết nối trực tiếp với cao tốc, dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ tại các điểm giao, đặc biệt trong giờ cao điểm hoặc khi lưu lượng xe tăng cao.

Phương án kết nối trực tiếp đường trên cao vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bao gồm hai tiểu phương án, trong đó nổi bật là giải pháp xây dựng cầu vượt tầng 3. Cầu này sẽ cho phép phương tiện từ tuyến đường trên cao đi thẳng vào cao tốc mà không cần qua các nút giao trung gian, đồng thời vẫn giữ nguyên thiết kế nút giao loa kèn hiện đang thi công.

Ưu điểm lớn nhất của phương án này là đảm bảo dòng lưu thông liên tục, giảm áp lực cho các tuyến đường địa phương hiện hữu. Tuy nhiên, để triển khai, phương án cần điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và bổ sung diện tích giải phóng mặt bằng, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án.

Tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng

Dự án đường trên cao từ ngã tư Vũng Tàu đến cổng 11 hiện được ước tính tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), nếu được chấp thuận.

Bên cạnh phương án xây dựng tuyến đường trên cao, nhà đầu tư cũng kiến nghị thiết kế các nút giao thông hiện đại nhằm tối ưu hóa lưu thông và tiết kiệm quỹ đất. Cụ thể, nút ngã tư Vũng Tàu được đề xuất theo dạng "bóng đèn" để phù hợp điều kiện mặt bằng và giảm diện tích sử dụng. Trong khi đó, nút giao cổng 11 sẽ được xây dựng với cầu vượt trực thông kết hợp đảo xuyến phía dưới, đồng thời quy hoạch sẵn quỹ đất để mở rộng thành nút giao hoa thị hoàn chỉnh trong giai đoạn sau.

Vị trí nút giao giữa cổng 11 và đường Võ Nguyên Giáp, nơi dự kiến xây dựng cầu vượt trực thông kết hợp đảo xuyến dưới cầu

Vị trí nút giao giữa cổng 11 và đường Võ Nguyên Giáp, nơi dự kiến xây dựng cầu vượt trực thông kết hợp đảo xuyến dưới cầu

Việc nâng cấp QL51 không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại hiện tại, mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ, nhất là trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị đi vào khai thác giai đoạn 1 (năm 2026).

Đoạn QL51 từ Biên Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu dài gần 70km là tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ các KCN Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về cảng Cái Mép - Thị Vải, đồng thời là tuyến trục để kết nối đường sắt, sân bay và hệ thống cảng biển.

Việc hình thành tuyến "cao tốc trên cao" dọc QL51 được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để các điểm nghẽn, mở ra hành lang phát triển công nghiệp, đô thị từ Biên Hòa đến Vũng Tàu.

Hiện các phương án đang được tỉnh Đồng Nai xem xét kỹ lưỡng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với các sở, ngành địa phương để hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, đặc biệt làm rõ đánh giá tác động, phân kỳ đầu tư và khả năng kết nối liên vùng.

Hiện nay, hạ tầng Đông Nam Bộ đang bước vào giai đoạn "nước rút" để đón đầu các siêu dự án như sân bay Long Thành, đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…, tuyến đường trên cao dọc QL51 chính là điểm kết nối quan trọng không thể thiếu.

Đọc thêm