Nội dung của đoàn kiểm tra tập trung vào công tác hoà giải cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đều đưa ra kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật với số điểm tương đối cao, trong đó xã Mã Đà đạt 99/100, xã Vĩnh Tân 90/100, xã Tân Bình 91/100. Cùng với đó, trong năm đánh giá, các địa phương đều không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương – Phó Giám đốc sở Tư phápĐồng Nai phát biểu. |
Đối với công tác hoà giải cơ sở, bên cạnh những địa phương có kết quả hoà giải cơ sở đạt kết quả tốt như xã Mã Đà hoà giải thành 8/8 vụ, xã Tân Bình 10/10 vụ, vẫn còn xã Vĩnh Tân có kết quả chưa tốt với 3 vụ hoà giải không thành.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương – Phó Giám đốc sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác hoà giải cơ sở tại các địa phương, đặc biệt phải kể đến những mô hình hoà giải ở địa phương đã phát huy được hiệu quả như: Tổ hoà giải phụ nữ và MTTQ xã và các tổ chức đoàn thể với công tác hoà giải của xã Vĩnh Tân; mô hình Hội nông dân với công tác hoà giải của xã Mã Đà.
“Địa phương cần chú trọng huy động đội ngũ cán bộ, công chức của xã đặc biệt là công an xã, người có hiểu biết về pháp luật tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương” bà Hương nhấn mạnh.
Dự kiến, đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với UBND xã Sông Trầu, Hố Nai 3, Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) và UBND phường Trảng Dài, Long Bình Tân (Tp Biên Hoà) lần lượt vào các ngày 25/4 và 8/5.