Ôm nợ vì trữ tiêu
Mùa bắt đầu thu hoạch tiêu ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành cũng là lúc ông Phan Tuấn (52 tuổi) để lại vườn tiêu 7 hecta cho vợ và khăn gói lên TP Biên Hòa làm cho một xưởng cơ khí, vì ông biết có hái tiêu cũng chẳng thể đủ trả tiền nhân công. Ông Tuấn đi để giữ lấy căn nhà khỏi bị ngân hàng tịch thu và có tiền nuôi 2 đứa con nhỏ đang trong độ tuổi ăn học. Đã 2 năm nay, giá tiêu xuống thấp khiến gia đình ông lâm vào cảnh khốn khó. Khi không có tiền đầu tư, đồng nghĩa với việc những món nợ ngân hàng cứ thế chồng lên nhau.
Giá tiêu càng xuống thấp mỗi ngày khiến người nông dân chán nản, trong rẫy bây giờ là vườn tiêu không người chăm sóc. Ở ngoài đầu hẻm đi vào khu vực Hồ Cầu Mới, huyện Long Thành, những ngôi nhà đóng cửa im ỉm, treo biển “bán nhà”, “bán đất rẫy” tràn lan trên dọc đường khiến khung cảnh trở nên hiu hắt. Dọc các tuyến đường vào rẫy trồng tiêu ở các huyện Trảng Bom đều trong tình trạng nhà nào cũng đóng kín cửa, chỉ có người lớn ở nhà trông nom ruộng vườn. Hỏi ra mới biết thì khoảng 1 năm trở lại đây, người dân nơi đây đều bỏ rẫy để đi tha hương nơi khác vì cứ bám vào thứ “vàng đen” kia sẽ không biết tương lai đi về đâu.
Thời điểm hiện tại giá tiêu đang ở mức dao động từ 40.000 đồng/kg đến 45.000 đồng/kg, giảm 5 lần so với trước đây. Như vậy, giá tiêu ngày càng xuống thấp đồng nghĩa với việc nông dân đang phải đối mặt với tình trạng lỗ nặng do dự trữ tiêu từ các mùa vụ khác. Cuối năm 2017, ông Mai Hồng Hà (42 tuổi, huyện Xuân Lộc) thu hoạch được gần 5 tấn tiêu song do thời điểm đó thương lái trả 80.000 đồng/kg nên ông Hà đã trữ tiêu chờ giá tăng. Nhưng giá tiêu càng giảm mạnh và hiện chỉ còn gần 45.000 đồng/kg.
Vì vậy, đến thời điểm này ông Hà cần tiền nhưng không dám bán tiêu, tiếp tục trữ vì lỗ quá nặng. “Lỡ trữ lại chờ tiêu lên giá để bán nên giờ ôm đống tiêu hạt. Giờ bán tiếc lắm nhưng không bán lại không có tiền trả nợ, phải vay chỗ này, đập chỗ kia. Giờ cứ tầm vài tuần lại phải đổ tiêu ra phơi nắng một lần vì sợ tiêu bị mốc”, ông Hà chia sẻ.
Không chỉ nông dân trữ hàng phải đối mặt với nguy cơ lỗ lớn, nhiều vựa thu mua, cơ sở chế biến cấp 2, cấp 3 cũng thua lỗ không ít vì trữ tiêu. Bà Nguyễn Vũ Kiều (49 tuổi), chủ đại lý thu mua và chế biến tiêu sọ tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) cho biết, cơ sở lỗ nặng do đầu mùa mạnh tay thu mua tiêu trữ chờ giá tốt.
Tăng giá: hi vọng xa vời
Đứng dưới những trụ tiêu bấy lâu nay không chăm sóc, ông Nguyễn Văn Hưng (68 tuổi, huyện Trảng Bom) vẫn mong mỏi và dự tính lên kế hoạch làm lại cuộc đời. Ông bảo: “Ở cái tuổi “gần đất xa trời” như tôi, cả cuộc đời sống vì cây tiêu nên tôi vẫn luôn hi vọng một ngày nào đó, thứ “vàng đen” này có thể vực dậy để bà con nông dân bớt khốn khổ”.
Không chỉ riêng ông Hưng mà những hộ dân nơi đây đều mong mỏi từng ngày giá tiêu khởi sắc để trang trải kinh phí trả nợ. Là nông dân trồng tiêu nhiều nhất vùng Xuân Lộc, ông Thắng vẫn hàng ngày bám lấy cây tiêu vì cây tiêu là nguồn sống của gia đình ông mấy chục năm nay. Ông Thắng vẫn luôn hi vọng tiêu sẽ có giá trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh những người vẫn bám lấy cây tiêu, chờ mong giá tiêu khởi sắc thì có những người quyết định chặt tiêu tìm giống cây khác để trồng. Hàng chục ha tiêu đã bị chặt để thay thế bằng cây chuối hoặc cây ăn quả khác. Người dân nơi đây cho biết, tiêu mất giá trong khi chuối đang tăng giá, chờ tiêu quá lâu nên họ quyết định trồng chuối để cải thiện kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Tú Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân không tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu và cũng không chuyển đổi trồng cây khác thay hồ tiêu một cách ồ ạt.