Đại diện lãnh đạo các bệnh viện cho biết, việc chuyển tuyến cho bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan. Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - bác sĩ Lê Thị Đa Hà cho hay, năm 2018 bệnh viện có hơn 2.700 trường hợp bệnh nhân phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị, điều này gây tổn thất rất lớn cho bệnh viện.
“Những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng bệnh nhân chuyển viện là do tình trạng phân tuyến kỹ thuật, các loại bệnh phức tạp, ngoài khả năng điều trị của bệnh viện nên bắt buộc bệnh viện phải đồng ý chuyển bệnh nhân lên tuyến trên; thiếu những bác sĩ chuyên khoa sâu; cơ sở vật chất bệnh viện không đảm bảo trong việc điều trị”, bác sĩ Hà nói.
Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, trong năm 2018, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải đồng ý chuyển bệnh nhân lên điều trị ở tuyến trên hơn 450.000 ca bệnh điều trị nội trú và ngoại trú, trong đó có những ca bệnh không phức tạp, bệnh viện có thể điều trị được, nhưng bệnh nhân vẫn xin chuyển tuyến, gây thiệt hại gần 700 tỷ đồng.
Hiện nay, tại một số bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng một số y, bác sĩ không khéo léo trong vấn đề giao tiếp với bệnh nhân. Đôi khi chính vì việc giải thích không rõ ràng, tâm lý giao tiếp của các y, bác sĩ với bệnh nhân không tốt là nguyên nhân khiến bệnh nhân chủ động chuyển lên tuyến trên điều trị dù bệnh tình không nghiêm trọng...
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, ông Phan Huy Anh Vũ cho biết: “Về vấn đề này hiện tại các bệnh viện vẫn còn tình trạng chính các bác sĩ làm việc trong bệnh viện cũng không biết rõ được bệnh viện mình thực hiện được những kỹ thuật gì. Điều này gây hạn chế trong việc giao tiếp, giải thích với bệnh nhân”.
Do đó, trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai đề nghị tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cần phải thực hiện cập nhật lại kiến thức, hiểu biết về bệnh viện cho tất cả các y, bác sĩ trong toàn hệ thống; tập huấn, mở các lớp hướng dẫn tăng cường giao tiếp, giải thích cho bệnh nhân hiểu để hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân chuyển viện mặc dù bệnh tình không nghiêm trọng.
Đại diện lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị, trong thời gian tới ngành Y tế Đồng Nai cần có những giải pháp như xây dựng danh mục phân tuyến kỹ thuật, xây dựng phác đồ điều trị, có giải pháp cải tiến xây dựng thương hiệu bệnh viện, có chiến lược đãi ngộ, thu hút và giữ chân những bác sĩ có chuyên môn cao về làm việc tại bệnh viện... nhằm hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến để điều trị.
Cơ sở khám chữa bệnh với vỏ bọc là tiệm cầm đồ. |
Bắt quả tang cơ sở khám chữa bệnh mê tín dị đoan
Liên quan lĩnh vực y tế cũng tại Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng khác vừa tiến hành điều tra, xác minh cơ sở khám chữa bệnh trái phép có biểu hiện mê tín dị đoan, hoạt động chui trên địa bàn TP Biên Hòa.
Trước đó chiều ngày 8/4, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở chữa bệnh do ông Trịnh Xuân Vượng làm chủ (địa chỉ tại khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở của ông Vượng đang chữa bệnh trái phép cho nhiều người, có biểu hiện của tình trạng mê tín dị đoan. Khi lực lượng chức năng có mặt, phát hiện 8 bệnh nhân đang nằm, ngồi chữa bệnh ngay trước sân nhà ông Vượng.
Bệnh nhân chữa bệnh ở đây bị mắc các bệnh về xương khớp, ung thư và ông Vượng “dùng phương pháp trị bệnh không cần thuốc”. Bệnh nhân phải thực hiện các thao tác nằm, ngồi dưới sân nhà “hút “âm khí” trong người ra”, uống nước lã và nghe ông Vượng... hát sẽ “khỏi bệnh”. Ông Vượng còn cho rằng “có khả năng chữa khỏi bách bệnh, đặc biệt là bệnh AIDS”.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở chữa bệnh này chưa xuất trình được bất kỳ giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh nào theo quy định. Lực lượng chức năng yêu cầu ông Vượng chấm dứt hoạt động chữa bệnh để cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.