Đông Nam Á sở hữu bức tranh hang động lâu đời nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỹ thuật xác định niên đại mới đã giúp một đội ngũ các nhà nghiên cứu phát hiện ra bức tranh cổ nhất thế giới bên trong một hang động ở đảo Sulawesi của Indonesia, thuộc Đông Nam Á.
Một bức tranh được tạo ra cách đây ít nhất 51.200 năm trong hang động đá vôi Leang Karampuang ở vùng Maros-Pangkep trên đảo Sulawesi của Indonesia miêu tả ba nhân vật giống người đang tương tác với một con lợn rừng (Ảnh: Reuters)
Một bức tranh được tạo ra cách đây ít nhất 51.200 năm trong hang động đá vôi Leang Karampuang ở vùng Maros-Pangkep trên đảo Sulawesi của Indonesia miêu tả ba nhân vật giống người đang tương tác với một con lợn rừng (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, bức tranh hang động này, nằm trong hang Leang Karampuang, được xác định là ít nhất 51.200 năm tuổi, theo nghiên cứu của Đại học Griffith, Đại học Thánh giá Phương Nam (Úc) và Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia, đăng trên chuyên san Nature.

Bức tranh mô tả câu chuyện về ba người lai động vật và một con lợn rừng.

Các chuyên gia đã lấy mẫu từ bức tranh này từ năm 2017 nhưng chỉ mới gần đây mới phân tích được niên đại của nó. Trước đó, bức tranh cổ nhất thế giới vẽ hình một con lợn rừng, hoàn thành cách đây ít nhất 45.500 năm, nằm trong một hang động ở Leang Tedongnge, cách hang Leang Karampuang khoảng 10 km.

Ông Adhi Agus Oktaviana, nghiên cứu sinh của Đại học Griffith, cho biết phát hiện này gây ngạc nhiên cho giới nghiên cứu vì tuổi của các bức tranh ở Indonesia vượt xa bất kỳ bức tranh nổi tiếng nào ở châu Âu từ thời Kỷ Băng Hà, chưa kể đến những bức tranh gây tranh cãi trước đó.

Các nhà khoa học Tây Ban Nha từng tuyên bố các bức tranh ở Cantabria, Andalusia và Extremadura có tuổi đời hơn 64.000 năm.

Tuy nhiên, tiến sĩ Tristen Jones, chuyên gia về nghệ thuật trên đá tại Đại học Sydney (Úc), cho biết cộng đồng khoa học quốc tế đã thẩm định và bác bỏ những tuyên bố này.